SCIC nỗ lực thúc đẩy các DN phát triển sản xuất - kinh doanh, tuân thủ các thông lệ quản trị hiện đại

SCIC nỗ lực thúc đẩy các DN phát triển sản xuất - kinh doanh, tuân thủ các thông lệ quản trị hiện đại

Hiểu rõ hơn về thách thức lớn của SCIC

(ĐTCK) Sau 5 năm tái cấu trúc tài chính quyết liệt, đến cuối năm 2015, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Vinaconex đã giảm xuống còn 0,96, tức giảm hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010. Đây là nỗ lực lớn của Vinaconex, trong đó có sự hỗ trợ của cổ đông lớn nhất - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, năm 2010, hoạt động của Tổng công ty hết sức khó khăn do vay nợ nhiều và đầu tư dàn trải. Nhu cầu tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp được Ban lãnh đạo Vinaconex đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách.

Trong bối cảnh đó, năm 2011, SCIC đã cử ông Đinh Việt Tùng, Trưởng Ban Quản lý vốn đầu tư 2 xuống doanh nghiệp để cùng Ban lãnh đạo Vinaconex thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu tài chính. Đại diện SCIC đã cùng Ban lãnh đạo rà soát toàn bộ tình hình tài chính của doanh nghiệp, ban hành một số quy chế thắt chặt về quản lý dòng tiền, ban hành quy chế nợ và bảo lãnh cho vay...

“Chúng tôi đã rà soát toàn bộ các dự án đầu tư, theo đó chỉ thực hiện đầu tư những dự án cần thiết, còn lại dừng toàn bộ, không chi đầu tư để tập trung nguồn lực củng cố tài chính. Bên cạnh việc điều động cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu tài chính tại doanh nghiệp, SCIC cũng đã thực hiện việc tăng vốn tại Vinaconex.

Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của Vinaconex đã giảm xuống còn 0,96, tức giảm hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010. Kết quả này đã góp phần ổn định hoạt động và tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp”, ông Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, khó khăn hơn cả trường hợp của Vinaconex là CTCP Thép Thái Nguyên. Doanh nghiệp này lỗ liên tục, Thường trực Chính phủ phải họp rất nhiều. Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo, SCIC tham gia quản lý vốn nhà nước để cùng Tổng công ty Thép và cổ đông khác xốc lại Thép Thái Nguyên.

SCIC đã phải cử cán bộ bám doanh nghiệp hàng tháng trời, xây dựng báo cáo, đưa ra phương án xử lý, đưa ra các điểm mấu chốt để cải thiện hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả, hiện có rất nhiều thay đổi tại Thép Thái Nguyên so với trước đây. Đơn cử, tình trạng khách hàng lấy thép phải ăn chực nằm chờ vài ngày tại nhà máy đã chấm dứt khi Công ty thay đổi năng lực quản trị, cải tiến phương thức bán hàng.

Ông Chi cho biết thêm, ngay khi tiếp nhận quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Tổng công ty lập tức đưa các thông lệ quản trị tiên tiến vào áp dụng tại các doanh nghiệp đó. Gần đây nhất, tháng 3/2016, sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long từ Bộ Giao thông Vận tải, chỉ sau vài ngày, SCIC đã đề xuất có cuộc họp với các cổ đông để bàn về các vấn đề quản trị doanh nghiệp.

“Khi SCIC quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp nào thì chúng tôi đều nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp đó phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất, tuân thủ các thông lệ quản trị hiện đại. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu, rút kinh nghiệm từ ý kiến đóng góp của các cổ đông khác, các đối tác để có thể hành động tốt nhất cho doanh nghiệp, cho đồng vốn nhà nước”, ông Chi chia sẻ.

Tuy nhiên, quản trị doanh nghiệp là khái niệm còn mới mẻ tại Việt Nam, nên để có thể thực hiện tốt các thông lệ quản trị hiện đại, SCIC đã triển khai hợp tác với nhiều tổ chức nước ngoài. Chẳng hạn, Tổng công ty đã làm việc cùng Tổ chức JICA (Nhật Bản) để nâng cao năng lực, cụ thể: đẩy mạnh vai trò của cổ đông nhà nước thông qua việc cùng xây dựng những nguyên tắc như Cẩm nang hướng dẫn biểu quyết và Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp; tăng cường năng lực quản lý của cổ đông nhà nước, năng lực phân tích tình hình môi trường kinh doanh và năng lực quản lý.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập SCIC ngày 19/10/2015, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (hiện là Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á -Thái Bình Dương) đã nhấn mạnh đến việc SCIC giúp củng cố các thông lệ quản trị công ty tại hơn 200 doanh nghiệp trong danh mục của Tổng công ty.

Trong giai đoạn mới, SCIC sẽ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ lớn nhất mà SCIC sẽ phải tập trung thực hiện đó là tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và vai trò cổ đông nhà nước tại doanh nghiệp thông qua việc áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, trên cơ sở phân loại doanh nghiệp. Thực hiện tốt vai trò này, SCIC sẽ bảo vệ và phát huy cao nhất đồng vốn của Nhà nước, đồng thời góp phần loại bỏ nhiều điểm yếu tồn tại trong cơ thể các DNNN bấy lâu nay.

Tin bài liên quan