Sản phẩm của VCS thuộc phân khúc cao cấp, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu

Sản phẩm của VCS thuộc phân khúc cao cấp, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu

Giải mã tăng trưởng ấn tượng của Vicostone

(ĐTCK) Chiến lược cạnh tranh khác biệt dựa trên nền tảng công nghệ và nhân sự chính là yếu tố đưa Vicostone (VCS) tăng trưởng nhanh trở lại. Quý I/2015, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 535 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 73,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 65,4 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Chìa khóa tăng trưởng

ĐHCĐ thường niên 2015 của VCS đã thông qua tờ trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động với 2,11 triệu cổ phần, bằng mệnh giá với mục đích tạo ra sự gắn kết dài lâu với người lao động. “Nguồn nhân lực luôn là vấn đề cốt lõi. Không có nguồn lực tốt thì VCS không thể vận hành hiệu quả”, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT VCS nhấn mạnh tại Đại hội.

Sản xuất đá tấm thạch anh luôn đòi hỏi rất cao về sự cải tiến và sáng tạo, bởi vậy VCS luôn chú trọng đến chính sách nhân sự để có nguồn nhân lực có tay nghề cao vận hành nhà máy. Thông thường phải mất 4-5 năm, doanh nghiệp mới tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ kỹ sư, công nhân đảm bảo vận hành hiệu quả nhà máy, trong quá trình làm việc, mỗi cá nhân lại thường xuyên phải làm mới mình, để đáp ứng sự thay đổi về mẫu mã, công nghệ…

Nhờ chiến lược cạnh tranh khác biệt tập trung vào dòng sản phẩm theo thiết kế đá tự nhiên, mẫu mã phong phú, năm 2014, VCS tăng trưởng cao trở lại, đạt doanh thu trên 2.063,5 tỷ đồng, tăng 57,4% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế  đạt 212 tỷ đồng, gấp 3,1 lần năm 2013, chia cổ tức 20% bằng tiền mặt.

Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.674 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 311 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 18,9% so với năm 2014. Cổ tức tối thiểu 20% bằng tiền mặt. “Kế hoạch 2015 là rất nặng nhưng đến thời điểm này, có thể nói thị trường đang vận hành theo các kịch bản Công ty đã đặt ra, và khả năng hoàn thành lợi nhuận năm là chắc chắn”, lãnh đạo Công ty chia sẻ.

Trong quý I, trên thị trường thế giới, sản phẩm đá tấm thạch anh đang cạnh tranh quyết liệt, song uy tín, thương hiệu sản phẩm của VCS đã được khẳng định nên nhu cầu thị trường vẫn tăng. 3 thị trường chủ lực của VCS là Mỹ, Australia và châu Âu  tiếp tục có sự tăng trưởng. Tại châu Âu, đồng EUR xuống thấp, khiến khách hàng nhập khẩu của VCS bị thiệt hại, Công ty đã giảm nhẹ giá bán nhằm chia sẻ với khách hàng. Tinh thần hợp tác win-win được VCS thống nhất và thực hiện xuyên suốt ở mọi thời kỳ. 

Kỳ vọng bứt phá

Theo dự kiến Phenikaa (Công ty mẹ của VCS) sẽ đưa nhà máy mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2015, do đó VCS sẽ có thêm doanh thu và lợi nhuận từ việc làm đầu mối xuất khẩu cho toàn tổ hợp. Kế hoạch năm 2015 của VCS chưa tính đến phần việc này, song đến năm 2016, doanh thu của VCS sẽ tăng gấp rưỡi. Biên lợi nhuận nhờ làm đầu mối xuất khẩu của VCS theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp ước đạt 5% trên doanh thu.

Sau khi đưa nhà máy vào hoạt động, Phenikaa sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy, dự kiến công suất tăng thêm 50% với tổng mức đầu tư của dự án là 1.800 tỷ đồng. Như vậy, từ cuối năm 2016 trở đi, doanh thu của Vicostone sẽ tăng đáng kể.

Nhanh chóng làm chủ công nghệ sản xuất mới nhất của Hãng Breton (Italy), VCS và Công ty mẹ Phenikaa sẽ sớm đưa ra thị trường thế giới các sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh với mẫu mã đặc biệt và đa dạng. Đây chính là cơ sở để cổ đông của VCS kỳ vọng Công ty sẽ tiếp tục phát triển mạnh và bứt phá.

Vicostone đã triển khai áp dụng hệ thống phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP - SAP) vào hệ thống quản trị của Công ty. Việc triển khai ERP - SAP cung cấp cho Vicostone một hệ thống quản lý với quy trình hiện đại theo chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp hoạch định, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời nâng cao năng lực quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.

Tin bài liên quan