Ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT F.I.T thuyết trình trước các nhà đầu tư

Ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT F.I.T thuyết trình trước các nhà đầu tư

FIT- TSC: Tận cùng chuẩn mực minh bạch

(ĐTCK) Trong khi chính cơ quan quản lý cũng chỉ kỳ vọng DN niêm yết minh bạch công bố thông tin, quản trị theo đúng yêu cầu được đề ra, thì đối với CTCP Đầu tư F.I.T, minh bạch đã được đẩy lên một bước cao hơn, đó là cung cấp cho NĐT bức tranh toàn diện về từng tài sản mình sở hữu, từng hơi thở DN mỗi ngày. Đó không phải là chuẩn mực, mà là một khát vọng bậc cao của minh bạch.

Để mỗi cổ đông là 1 ông chủ

Sau gần 2 giờ hội thảo, lúc 5h30 chiều, phòng hội thảo của khách sạn Melia Hà Nội vẫn còn rất đông NĐT nán lại. Sau bài thuyết trình hết sức thuyết phục của Chủ tịch F.I.T, ông Phan Trung Phương, về thực trạng hoạt động của toàn bộ hệ thống, cái nhìn về F.I.T đã hoàn toàn thay đổi.

“Thật không ngờ F.I.T lại sở hữu lực lượng nhà máy sản xuất hùng hậu như vậy. Chúng tôi không biết giờ F.I.T đã là một DN hoạt động theo mô hình holding vào lĩnh vực sản xuất, với nhiều sản phẩm mà chính tôi đã dùng”, anh Phạm Việt Hưng, một NĐT tại Hà Nội nói đầy ngạc nhiên sau khi phát hiện ra loại nước rửa tay và kem đánh răng mà vợ anh vẫn mua ngoài siêu thị lại do một đơn vị của F.I.T cung cấp, và nghe Ban lãnh đạo Công ty giới thiệu về hệ thống.

Mở đầu buổi thuyết trình tại Hội thảo “Đối thoại cùng nhà đầu tư”, ông Phương cho biết, mục đích của F.I.T khi thực hiện hội thảo này là cung cấp thông tin cho đông đảo NĐT một cách đầy đủ nhất, không phải là những báo cáo đơn thuần, mà là từng sản phẩm của hệ thống, từng con người, cơ chế vận hành, đến triết lý hoạt động, văn hóa Công ty… để NĐT có thể sờ tận tay. “Đó vốn là đặc quyền mà đôi khi chỉ cổ đông lớn mới có thể được thực hiện, nhưng chúng tôi muốn mỗi NĐT là một ông chủ thực sự, được quyền biết mọi điều về tài sản mà họ đang đầu tư, đồng sở hữu”, ông Phương nhấn mạnh.

Với phương châm vượt trên cả chuẩn mực thông thường của minh bạch mà cơ quan quản lý yêu cầu, chỉ trong nửa cuối năm nay, F.I.T đã tổ chức 5 cuộc gặp gỡ trao đổi với các NĐT, bao gồm đoàn các NĐT về Cần Thơ, Long An; đoàn lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM, đoàn Sở GDCK Hà Nội và một số vụ của UBCK Nhà nước tham quan trực tiếp các nhà máy của hệ thống TSC cũng như các DN liên kết của F.I.T, bên cạnh 2 cuộc gặp gỡ NĐT đại chúng tại TP. HCM (ngày 26/12) và tại Hà Nội (ngày 29/12).

“Tất cả các NĐT đều hết sức ngạc nhiên về hệ thống sản phẩm, nhà xưởng, máy móc, về quy trình vận hành của TSC cũng như các công ty con, công ty liên kết trong hệ thống F.I.T. Chúng tôi cho rằng, đó là thành công rất lớn, bởi hơn bất kỳ lời nói nào, việc trực tiếp nhìn, nghe từ nhà máy đến sản phẩm, đến tiếp xúc con người sẽ giúp NĐT có cảm nhận chính xác về thực trạng và tiềm năng của DN”, ông Phương chia sẻ sau khi nhận được sự quan tâm của hàng loạt NĐT cuối buổi thuyết trình, dù họ đã có gần 2 tiếng ngồi nghe trước đó.

Một diện mạo mới về F.I.T

Dường như, cái bóng quá lớn về hình ảnh một F.I.T dịch vụ - đầu tư tài chính chuyên nghiệp được xây dựng 6 năm qua khiến đa số NĐT khó hình dung ra một F.I.T hiện tại. Vẫn là mang tiền đi mua cổ phiếu, nhưng cái mà F.I.T hướng tới không phải là đầu tư tài chính, mà là sở hữu DN bằng cách mua lại, thay vì thành lập mới. Bằng cách này, F.I.T trên thực tế đã chuyển mình mạnh mẽ sang lĩnh vực sản xuất. Dịch vụ và đầu tư tài chính ngắn hạn, dù vẫn tăng trưởng về quy mô, nhưng lại đang có bước lùi trong cơ cấu hoạt động của F.I.T.

“Thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn rất thuận lợi để có thể M&A DN, mua lại tài sản với mức giá rẻ hơn rất nhiều giá trị thực. Chúng tôi hướng vào những ngành hàng thiết yếu có mức tăng trưởng cao, quy mô lớn; lựa chọn DN có thế mạnh cốt lõi, có cơ hội bật lên mạnh mẽ nhờ sự thay đổi hợp lý, và cuối cùng là tìm kiếm nhân sự phù hợp để chuẩn bị cho một cuộc M&A. Không phải là sở hữu 10-30%, mà phải nắm được hoàn toàn DN, để tạo nên giá trị cộng hưởng lớn cho DN, từ đó đáp ứng được nguyên tắc xuyên suốt mọi hoạt động của hệ thống là luôn gia tăng giá trị cho cổ đông”, ông Phương chia sẻ.

Với CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC), sau thành công mạnh mẽ của quá trình tái cấu trúc toàn diện, đưa Công ty thoát lỗ lũy kế và có cơ cấu hoạt động tối ưu, năm 2015 sẽ được coi là năm bản lề của tăng trưởng. “Năm 2014, TSC đã đạt được con số 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng năm 2015, chúng tôi tự tin đưa con số này lên mức 150 tỷ đồng”, ông Phương cho biết.

Tăng trưởng của TSC, cùng với Sao Nam, Today Cosmetics, và sắp tới là một DN ngành dược mà F.I.T đang trong quá trình đàm phán mua lại, kèm thêm động lực tăng trưởng thông qua M&A các DN cùng ngành của chính các công ty con, F.I.T kỳ vọng sẽ tạo nên một bước phát triển thần kỳ cho lợi ích của cổ đông, mà như nhận xét của ông Quách Mạnh Hào là, “một cỗ máy sinh tiền thực sự”.

“Kết thúc mỗi buổi họp, chúng tôi đều hô to 3 lần câu: “Tôi, chúng tôi cam kết nhận thức rõ và hoàn thành mục tiêu”. Đó là một phần thể hiện của triết lý cam kết mà mọi thành viên của F.I.T đều nhận thức rõ. Những gì F.I.T cam kết, đều được hoàn thành, hoặc thực hiện tốt hơn”, ông Phương nói.

Tin bài liên quan