FECON giải bài toán tốc độ tăng trưởng

FECON giải bài toán tốc độ tăng trưởng

(ĐTCK) Thách thức bài toán tăng tốc đầu tư để thực hiện chiến lược trở thành doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào năm 2020, nhưng vẫn đảm bảo chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông đang được HĐQT và Ban lãnh đạo Công ty cổ phần FECON (FCN) hóa giải một cách khéo léo.

Số dự án có thể vượt con số 80

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016, FCN đạt doanh thu thuần 284,39 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của FCN tăng 13,6%, nhưng lợi nhuận giảm 17,4%.

Ông Trần Trọng Thắng, Tổng giám đốc FCN cho biết, FCN có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, trong đó không ít nhà thầu ngoại bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Để thắng thầu, một số nhà thầu ngoại thực hiện giảm giá với mức giảm trên 30% so với giá chào thầu, trong khi FCN tối đa chỉ giảm được ở mức 18%. Do đó, biên lợi nhuận của Công ty giảm so với trước để thích ứng với điều kiện thị trường.

FECON giải bài toán tốc độ tăng trưởng ảnh 1

So với kế hoạch kinh doanh năm 2016 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 thông qua, kết quả thực hiện trong quý I của FCN khá khiêm tốn, khi mục tiêu cả năm là 2.600 tỷ đồng doanh thu, 173 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh doanh năm nay của FCN được xây dựng dựa trên cơ sở Công ty đã sớm ký kết các hợp đồng với giá trị gần 900 tỷ đồng cho năm 2016 ngay trong năm 2015, đồng thời ký được nhiều hợp đồng mới trong 4 tháng đầu năm 2016, trị giá 700 tỷ đồng. Tổng giá trị các hợp đồng đã ký đến ngày 20/5 để thực hiện trong năm 2016 của FCN đạt gần 1.800 tỷ đồng.

Theo một số nguồn tin, ước tính số dự án và tổng giá trị hợp đồng trong năm 2016 của FCN có thể vượt con số kỷ lục 80 dự án trước đó. Một số khách hàng FCN đã “chốt” hợp đồng và tiến hành triển khai thi công trên công trường gồm: Samsung Bắc Ninh, Samsung Hồ Chí Minh, The Manor Central Park Hà Nội, Vinmec Đà Nẵng, Vinhomes Riverside 2 Hà Nội, Diamond Tân Thuận Tây, Nhà máy Bột giấy Quảng Ngãi và dự án khởi công gần nhất là LG Hải Phòng.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của FCN cũng cho thấy tình hình kinh doanh của Công ty khả quan khi lưu chuyển tiền thuần trong quý I/2016 từ các hoạt động kinh doanh, đầu tư tài chính là 100,3 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt 199,4 tỷ đồng.

FECON giải bài toán tốc độ tăng trưởng ảnh 2

Tăng đầu tư cho chiến lược dài hạn

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016, khoản mục hàng tồn kho của FCN cho thấy, nguyên vật liệu tại ngày 31/3/2016 là 17,77 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng thời điểm năm 2015; chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang đạt 497,59 tỷ đồng, tăng 33%.

Dành một phần không nhỏ lợi nhuận đạt được để trả cổ tức, đảm bảo duy trì cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 10%/năm cho cổ đông, nhưng FCN vẫn có nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Theo báo cáo, FCN đã tăng tốc đầu tư vào tài sản cố định, với tổng giá trị máy móc, thiết bị trong quý I/2016 tăng 20,25 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo FCN cho biết, việc tăng đầu tư vào tài sản cố định sẽ giúp Công ty đẩy mạnh hoạt động thi công công trình ngầm và thi công các công trình hạ tầng vốn có biên lợi nhuận tốt hơn so với thi công cọc, tường vây và xử lý nền đất yếu.

Về dài hạn, FCN sẽ tiếp tục hợp tác đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ từ các đối tác quốc tế và đặt mục tiêu nội địa hoá các công nghệ quốc tế từ mức 10 - 15% hiện nay lên mức 70 - 80% nhằm hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ban lãnh đạo FCN tự tin, với các chiến lược đã đặt ra và lợi thế về mặt công nghệ, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, bao gồm cả các thị trường nước ngoài để đảm bảo hoàn thành các kế hoạch kinh doanh.

Với thị giá cổ phiếu trên 20.000 đồng/CP, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) duy trì ở mức trên 3.000 đồng, cùng với các thông tin tích cực về hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhiều công ty chứng khoán đánh giá, cổ phiếu FCN đang nằm trong vùng giá hấp dẫn để đầu tư và sẽ tăng sức hút của thị trường khi FCN dự kiến nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa lên 70% trong thời gian tới. 

Công ty cổ phần FECON liên tiếp nhận được nhiều gói thầu lớn với tổng giá trị khoảng 160 tỷ đồng chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng 5/2016. Trong đó, có gói thầu thi công 50% khối lượng công tác cọc móng Dự án Nhà máy LG Display tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, trị giá 43 tỷ đồng; gói thầu thi công toàn bộ phần cọc (bao gồm cọc khoan nhồi và cọc bê tông ly tâm) cho Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, trị giá 80 tỷ đồng. Ngoài ra, gói thầu cung cấp thi công cọc cho Dự án Chung cư cao cấp Safari - TP. HCM, Dự án Ga Depot Hà Đông dự kiến mang lại cho Công ty khoảng 36 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016.

Tin bài liên quan