Nỗ lực xóa lỗ lũy kế
Theo Báo cáo tài chính Eximbank, tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối năm 2017 đạt 148.964 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17%, đạt 100.268 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 15%, đạt 117.539 tỷ đồng.
Hoạt động tín dụng tăng trưởng, song thu nhập lãi thuần của Eximbank tính đến cuối năm 2017 lại giảm 13% với năm 2016, đạt 2.667 tỷ đồng, nguyên nhân là do mức tăng chi phí lãi và một số chi phí khác (20%) nhanh hơn so với mức tăng thu nhập từ lãi (8%). Cùng với đó, mảng kinh doanh ngoại hối năm 2017 cũng không đạt được kết quả tốt như năm 2016, giảm 12%, xuống 227 tỷ đồng.
Dẫu vậy, lãi từ hoạt động khác bao gồm thu nợ đã xử lý rủi ro, hoạt động mua bán nợ… lại tăng đột biến, đạt 431 tỷ đồng (gấp hơn 6 lần so với năm 2016). Đồng thời, khoản mục thu nhập góp vốn, mua cổ phần của Eximbank còn có thêm 107 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn trong năm 2017. Đáng chú ý, chi phí dự phòng của Eximbank năm 2017 là 604 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1.089 tỷ đồng của năm 2016.
Sở dĩ có sự thay đổi lớn này là do hoạt động xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, giúp Eximbank có nguồn hoàn nhập dự phòng đáng kể. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 1.017 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2016. Như vậy, sau 5 năm kể từ năm 2012, lợi nhuận của Eximbank bắt đầu đạt trở lại mức nghìn tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, Eximbank đạt 823 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giúp Ngân hàng thoát khỏi lỗ lũy kế kể từ năm 2015. Nhờ đó, cổ phiếu EIB của Eximbank được đưa ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 4/4/2018.
Cổ phiếu EIB của Eximbank được đưa ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 4/4/2018 mang lại niềm vui cho nhiều nhà đầu tư
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu EIB được ra khỏi diện cảnh báo là vì Eximbank đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định tại Khoản 4.2, Điều 22, Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/3/2018 (thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế).
Trước đó, cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng này tại thời điểm cuối năm 2014, 2015 đều là số âm và cho đến 30/6/2017 vẫn còn lỗ lũy kế gần 167 tỷ đồng. Đến hết năm 2017, theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, Eximbank có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 215,5 tỷ đồng, qua đó khắc phục được tình trạng lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2017.
Sau khi được đưa ra khỏi diện cảnh báo, cổ phiếu EIB hiện giao dịch quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu, tăng so với mức 12.000 đồng tại thời điểm tháng 6/2017.
Chuyển mình với “Eximbank Mới”
Với mục tiêu nâng cao kết quả hoạt động và đưa Eximbank trở lại vị thế là một trong những ngân hàng chất lượng hàng đầu Việt Nam, Eximbank đã triển khai dự án tái cấu trúc với tên gọi “Eximbank Mới” (“New Eximbank”). Dự án được khởi động từ ngày 5/12/2016, bao trùm nhiều lĩnh vực quan trọng như các mảng kinh doanh chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự.
Dự án “Eximbank Mới” đã huy động nhiều nhân sự chủ chốt, thành lập bộ phận chuyên quản lý các dự án liên quan đến mọi lĩnh vực trong hoạt động của Eximbank. Cụ thể, đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, Eximbank thành lập Phòng Khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, đồng thời nâng cao năng lực tài trợ thương mại. Nhờ vậy, Eximbank không những ngăn chặn được đà suy giảm của hoạt động huy động và dư nợ đối với mảng khách hàng quan trọng này, mà còn ghi nhận đà tăng trưởng nhanh trong năm 2017.
Ở mảng khách hàng cá nhân, Eximbank thành lập Phòng Phát triển kinh doanh bán lẻ, Phòng Kiều hối và dịch vụ quốc tế để nâng cao việc lập kế hoạch chiến lược và các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao. Thêm vào đó, Eximbank chính thức ra mắt Trung tâm cho vay Daimler để cung cấp các khoản vay cho khách hàng mua ô tô với việc hợp tác cùng với Mercedez Benz và Fuso.
Trong quản trị nội bộ, Eximbank đã thực hiện cải cách hệ thống quản trị nguồn nhân lực mà trước đó Ngân hàng chưa có một chính sách minh bạch và công bằng để giữ chân nhân viên, cũng như khuyến khích nhân viên phát huy tối đa năng lực. Trong năm 2017, Eximbank đã thực hiện triển khai thiết lập hệ thống mục tiêu công việc (KPI) rất rõ ràng, cùng với đó là quy trình đánh giá hiệu quả làm việc (PEP) hoàn toàn mới.
Ngoài ra, Eximbank còn thuê công ty tư vấn nhằm cải cách hệ thống tiền lương của Ngân hàng; thực hiện việc tổ chức lại Hội sở thành 7 khối chính và giảm số lượng phó tổng giám đốc nhằm phân rõ trách nhiệm các bộ phận, cung cấp các hỗ trợ xuyên suốt và hiệu quả hơn từ Hội sở đến từng đơn vị kinh doanh.
Một trong những yếu tố giúp dự án “Eximbank Mới” vận hành hiệu quả, đó là sự hỗ trợ rất lớn từ Hội đồng quản trị Ngân hàng. Eximbank đã thành lập Ban chỉ đạo (RSC) trực thuộc Hội đồng quản trị, bên cạnh Ban quản lý dự án (PMO) trực thuộc Ban điều hành. Dưới sự chỉ đạo của RSC, PMO đã thực hiện điều phối và hỗ trợ hiệu quả tất cả các tiểu dự án trực thuộc.
Song song với đó, Eximbank đã tuyển chọn các nhân sự giỏi cả trong nội bộ và bên ngoài nhằm tăng cường chất lượng quản trị, thường xuyên tham vấn với các chuyên gia, các cổ đông ngoại để Eximbank nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa trong công cuộc tái cấu trúc.
Theo đó, Eximbank đã mời ông Rahn Wood, một chuyên gia nước ngoài với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và đầu tư để hỗ trợ công tác tái cấu trúc tại Eximbank. Ông Rahn Wood từng đảm nhận vai trò điều hành tại một số tổ chức tài chính quốc tế như HSBC, MasterCard International, ANZ Bank... và một số ngân hàng nội địa như Techcombank, VIB.
2018, nhiều tham vọng
Sau 1 năm thực hiện dự án “New Eximbank”, Eximbank đã bước đầu tái cấu trúc thành công, minh chứng rõ nét nhất là những kết quả tích cực đạt được trong năm 2017. Trong năm 2018, Eximbank đặt mục tiêu khôi phục lại vị trí một số phân khúc khách hàng chủ chốt.
Chẳng hạn, đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, Eximbank tiếp tục đẩy mạnh tài trợ thương mại thông qua việc phát triển tài trợ chuỗi cung ứng. Riêng với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, Eximbank đã chọn lọc ra 10 ngành tập trung để tài trợ cho vay.
Thực hiện chủ trương điều chỉnh tín dụng theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực Việt Nam có nhiều ưu thế trong quá trình hội nhập, trong năm nay, Eximbank sẽ cơ cấu tín dụng theo hướng ưu đãi cho khách hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên; khai thác theo mô hình kênh phân phối, cung cấp, đảm bảo hiệu quả tổng thể đầu tư theo chuỗi khách hàng. Đồng thời, trong năm 2018, Eximbank sẽ đầu tư, phát triển một số dự án công nghệ và tái cơ cấu mô hình tổ chức nhằm củng cố và gia tăng nền tảng vững chắc, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.
Với mảng khách hàng cá nhân, Eximbank sẽ tập trung vào các sản phẩm có thu nhập từ phí như bancassurance và dịch vụ kiều hối. Với biên độ lợi nhuận ngày càng thu hẹp theo sự cạnh tranh của thị trường, Eximbank sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc bán chéo sản phẩm. Hiện tại, Eximbank đang nghiên cứu tính khả thi cho các mảng kinh doanh tiềm năng mới như ngân hàng số (digital banking) và tài chính tiêu dùng (consumer finance).
Với những chiến lược hành động đã đề ra, Eximbank khá tham vọng với những chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay. Đơn cử, mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2018 đạt 178.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 1,5 lần thực hiện năm 2017 và cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2011 tới nay; huy động tiền gửi tăng thêm 30.500 tỷ đồng, tương đương tăng 26%.
Theo Eximbank, kế hoạch tăng trưởng huy động vốn năm 2018 tuy cao hơn hẳn so với năm 2017 (+17,2%), nhưng trên thực tế, tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm 2017 mới đạt 14,4%, do đó Ngân hàng còn nhiều dư địa để thực hiện thành công kế hoạch này.