Ông Đoàn Đình Duy Khương

Ông Đoàn Đình Duy Khương

Dược Hậu Giang: Tận dụng sức mạnh cộng hưởng

(ĐTCK) Trước kế hoạch thoái vốn nhà nước với tỷ lệ lớn ở nhiều doanh nghiệp, trên thị trường xuất hiện quan ngại, một số thương hiệu Việt có lịch sử lâu đời sẽ biến mất khi nhà đầu tư nước ngoài vào mua cổ phần. 

Là người trong cuộc, ông Đoàn Đình Duy Khương, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cho rằng, hợp tác tốt đẹp với các cổ đông chiến lược nước ngoài có thể đem đến nhiều cơ hội cho thương hiệu Việt vươn xa hơn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày một gay gắt. Thủy Nguyễn thực hiện.

Đi qua hơn nửa chặng đường của năm 2017, ông nhìn nhận khả năng đạt mục tiêu kinh doanh đã đề ra của Dược Hậu Giang như thế nào?

Cho đến thời điểm này, có thể nói, DHG đã hoàn thành việc tái cấu trúc hệ thống phân phối, trong đó Công ty phát triển vững chắc kênh thương mại và tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm mới để giới thiệu đến người tiêu dùng… Thực tế thị trường cho thấy, nhiều sản phẩm mới đang tăng trưởng tốt.

Theo kế hoạch đến năm 2020, trong 5 thương hiệu lớn của DHG, sẽ có 1 thương hiệu đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và đến thời điểm này, chúng tôi tự tin sẽ đạt mục tiêu đó. Bởi vì DHG đi theo lộ trình từng năm, mỗi năm tăng trưởng khoảng 15%. 

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường dược phẩm trong nước đang có sự cạnh tranh khốc liệt với sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu mới. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Tốc độ tăng trưởng của thị trường dược tuy không bằng những năm trước, nhưng vẫn ở mức khá cao. Hiện tăng trưởng bình quân của ngành đạt khoảng 7 - 8%/năm. Tuy nhiên, sân chơi này ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp mới tham gia, nên thị phần đang bị chia sẻ. Số liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy, so với 1 năm trước, số lượng nhà sản xuất dược phẩm trong nước tăng khoảng 10%, đạt hơn 400 đơn vị.

Bên cạnh đó là nhiều doanh nghiệp kinh doanh mới gia nhập thị trường, họ không sản xuất mà nhập hàng về bán tại Việt Nam. Thị trường thực phẩm chức năng cũng có sự tham gia của nhiều nhãn hàng, nhiều thương hiệu mới. 

Cá nhân tôi cho rằng, bất cứ ngành kinh doanh nào cũng tiềm năng, nếu doanh nghiệp tìm ra được đường đi của mình. Đối với ngành dược, nhiều năm gần đây có xu hướng bùng nổ trong quản lý và kinh doanh nên nhiều nhà đầu tư nhìn nhận rằng thị trường còn quá nhiều tiềm năng. Ngoài ra, nền kinh tế hội nhập cũng đem đến nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và vận dụng theo mô hình kinh doanh chuyên nghiệp của nước ngoài. Các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng là lẽ bình thường, có doanh nghiệp thành công, nhưng cũng có doanh nghiệp tham gia chỉ sau một năm đã chấp nhận thất bại. 

Bên cạnh thuốc generic, gần đây, thị trường thấy DHG phát triển nhiều nhãn hàng mới, trong đó có một số sản phẩm từ nguồn nguyên liệu trong nước. Phải chăng chiến lược của Công ty có sự thay đổi?

Lợi thế lớn nhất của DHG là sản xuất thuốc generic, nhưng bên cạnh đó, chúng tôi vẫn khai thác phát triển những sản phẩm từ thiên nhiên, vốn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và của DHG. Trong chiến lược phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, DHG chọn hướng đi tập trung vào những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao (theo công nghệ
enzym).

Đến nay, DHG đã đưa ra thị trường một số dòng thực phẩm chức năng như Spivital - từ  tảo Spirulina - cung cấp dinh dưỡng, Naturen - giải độc gan, hạ men gan; NattoEnzym - ngăn ngừa đột quỵ dạng tự nhiên. Những nhãn hàng mới này có tiềm năng tăng trưởng khá lớn. Đơn cử, nhãn hàng Naturenz đã đưa ra thị trường 60 triệu viên/năm; NattoEnzym đưa ra thị trường 12 triệu viên/năm. 

Mới đây, DHG đã nới "room" cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, từng có những e ngại về việc thương hiệu DHG có thể bị thâu tóm khi Nhà nước thoái vốn. Ông nghĩ sao về điều này?

Thoái vốn (nếu có) là chủ trương của Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải thực hiện. Nhưng để thực hiện tốt chủ trương đó, mỗi doanh nghiệp phải tính toán, xây dựng lộ trình triển khai nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của mình.

Đây cũng là cuộc chơi mà doanh nghiệp buộc phải thích ứng, phải hòa nhập vào sự phát triển của quốc tế thì mình mới tiến bộ. Đặc biệt, sản xuất, chế biến dược phẩm là lĩnh vực khoa học, đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại, việc chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư chiến lược từ các nước phát triển đáng được đón nhận và hợp tác. Có như vậy, ngành dược Việt Nam mới phát triển.

Với DHG, đối tác chiến lược là Tập đoàn Taisho, nhà sản xuất dược nằm trong Top 10 của Nhật Bản đang có sự hợp tác rất tốt. Họ giúp chúng tôi trong chuyển giao công nghệ sản xuất, kết nối với các nhà sản xuất generic, phát triển các thị trường xuất khẩu mà họ đang có hệ thống phân phối, quản lý trên toàn cầu.  

Tin bài liên quan