Diện tích vườn cao su khai thác được của DRI đạt 94% tổng diện tích rừng trồng

Diện tích vườn cao su khai thác được của DRI đạt 94% tổng diện tích rừng trồng

DRI: Doanh nghiệp trẻ, tiềm năng lớn

(ĐTCK) Năm 2012, Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắk Lắk (DRI) được thành lập theo đề án của Công ty mẹ là Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk. So với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên thị trường, DRI có tuổi đời non trẻ, nhưng bù lại Công ty sở hữu rất nhiều lợi thế.

Thống kê từ doanh nghiệp, tổng diện tích cây cao su của CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk là 8.810,5 ha và được trồng chủ yếu tại hai tỉnh Champasak và Salavan (Lào). Theo các chuyên gia lâm nghiệp, hai khu vực này có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây cao su. Lợi thế này giúp năng suất mủ cao su của DRI cao hơn năng suất trung bình của doanh nghiệp cùng ngành. 

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh khai thác cao su của DRI đang tăng tốc mạnh mẽ khi diện tích vườn cao su khai thác được trong năm 2018 đạt 94% tổng diện tích (tương đương 8.238,3 ha) và đạt 98% (tương đương với 8.620 ha) trong năm 2019. Hơn thế, nhóm cây cao su đạt độ tuổi cho năng suất cao đang chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong vườn. Cụ thể, nhóm vườn cây kinh doanh từ năm thứ 6 trở đi đang chiếm tỷ trọng 56,94%, đạt sản lượng 2,4 - 2,6 tấn/ha, trong đó có nhiều vườn cây năng suất đạt trên 3 tấn/ha.

Trong năm 2017, DRI đã nâng cấp dây chuyền chế biến lên 18.000 tấn theo công nghệ mới để phục vụ cho hoạt động khai thác khi các vườn cây của Công ty "đến tuổi".

Trước diễn biến giá cao su không tích cực, Ban lãnh đạo của DRI đã có những động thái quyết liệt trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, cải tiến chất lượng sẵn sàng chờ đợi thời cơ thị trường phục hồi.

Cuối năm 2017, Công ty củng cố bộ phận kinh doanh với mục tiêu tăng dần tỷ trọng xuất khẩu, thị trường có giá bán tốt hơn so với thị trường nội địa. Tín hiệu tích cực ban đầu là cơ cấu doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của DRI đã tăng từ mốc 9,52% trong năm 2017 lên mức 10,6% trong 6 tháng đầu năm 2018 và dự kiến đạt 30% theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018. Sản phẩm của DRI đã xuất sang một số thị trường khó tính như châu Âu (Đức, Bỉ), Hàn Quốc, Malaysia...

Bộ phận nghiên cứu của DRI đã đi sâu hơn vào việc cải tiến sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới với giá trị cao hơn. Theo đó, bên cạnh hai dòng sản phẩm chủ lực truyền thống là cao su chất lượng cao SVR3L và SVR10 (được ứng dụng trong các ngành công nghiệp như giày dép, y tế, băng keo, ruột xe, lốp xe), Công ty mới đây đã nghiên cứu và chế tạo thành công dòng cao su SVR CV 60. Đây là loại sản phẩm chất lượng cao, có độ nhớt ổn định, mềm dẻo được ứng dụng rộng rãi trong các ngành kỹ thuật, hay những sản phẩm phục vụ trong đời sống hàng ngày (làm dây thun, keo dán, mặt hông lốp xe, mặt vợt bóng bàn…). Sản phẩm SVR CV60 có giá bán tốt hơn, trong khi chi phí không tăng bao nhiêu so với hai sản phẩm truyền thống sẽ giúp gia tăng đáng kể biên lợi nhuận gộp của DRI trong thời gian tới.

Với việc ký kết biên bản ghi nhớ với Tổ chức Thiên nhiên và con người (Pan Nature), Oxfarm, tham gia hướng dẫn tự nguyện về phát triển bền vững với mục tiêu cụ thể là trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững và đạt được chứng chỉ FSC cho toàn bộ diện tích trồng cao su. Việc đạt được chứng chỉ FSC sẽ giúp các sản phẩm mủ của Công ty xuất khẩu được vào các thị trường có giá tốt hơn trong bối cảnh những công ty tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới như Bridgestones, Goodyear, Michelin... cùng nhau tuyên bố chỉ sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên bền vững và có khả năng truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, chứng chỉ còn giúp giá bán sản phẩm gỗ tốt hơn khi vườn cây của DRI đi vào chu kỳ thanh lý.

Hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn của DRI được kỳ vọng trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2018 - cao điểm khai thác mủ cao su, với trên 65% sản lượng khai thác tập trung vào giai đoạn này.

Nhìn dài hạn hơn, triển vọng của ngành cao su nói chung và DRI nói riêng được dự báo tích cực khi nhu cầu đối với lốp xe thay thế ở châu Á  sẽ tăng ở mức 5%, (theo dự báo của hãng Continental A.G ) và nguồn cung sụt giảm do sự thu hẹp diện tích cao su tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Với tư duy liên tục đổi thay để phát triển, DRI đã và đang chuẩn bị kỹ càng để đón nhận cơ hội từ thị trường.

Tin bài liên quan