DPM ký hợp đồng xây dựng Tổ hợp NH3 mở rộng và Nhà máy NPK Phú Mỹ

DPM ký hợp đồng xây dựng Tổ hợp NH3 mở rộng và Nhà máy NPK Phú Mỹ

(ĐTCK) Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - mã DPM) đã ký hợp đồng thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, thi công xây lắp và chạy thử (hợp đồng EPC) Dự án Xây dựng tổ hợp NH3 (mở rộng) - Nhà máy NPK Phú Mỹ với liên danh các nhà thầu gồm Tập đoàn Technip, Công ty ThyssenKrupp Industrial Solutions và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC).

Dự án nằm trong khuôn viên Nhà máy Đạm Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 237 triệu USD); trong đó, 70% là vốn vay và 30% còn lại là vốn của chủ đầu tư; gồm 2 công trình: Xưởng NH3 (mở rộng) và Nhà máy NPK Phú Mỹ.

Dự án NH3 (mở rộng) sẽ tăng công suất Xưởng NH3 tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ thêm 90.000 tấn/năm (từ 450.000 tấn/năm hiện nay lên 540.000 tấn/năm). Sản phẩm NH3 tăng thêm được sử dụng làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phân bón NPK Phú Mỹ và một phần nhằm đáp ứng nhu cầu NH3 trong nước hiện còn thiếu hụt rất lớn. Nhà máy NPK Phú Mỹ có công suất 250.000 tấn/năm, là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ hoá học của Hãng Incro SA (Tây Ban Nha) - công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay, để sản xuất ra phân bón NPK chất lượng cao, đảm bảo hàm lượng các nguyên tố đa, trung, vi lượng và phù hợp với các nhu cầu sinh trưởng của cây trồng ở từng vùng thổ nhưỡng.

Được biết, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4 triệu tấn phân bón NPK, nhưng sản phẩm NPK chất lượng cao mới chỉ đáp ứng khoảng 5 - 10% nhu cầu. Do đó, các sản phẩm do Nhà máy NPK Phú Mỹ sản xuất sẽ góp phần thay thế phần lớn hàng nhập khẩu. Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVFCCo cho biết, việc PVFCCo đầu tư công nghệ hiện đại, lựa chọn liên danh nhà thầu là các tập đoàn, đơn vị có uy tín, dày dạn kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn trên toàn cầu sẽ đảm bảo cho Tổ hợp được hoàn thành đúng tiến độ, an toàn và cho ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến, sau 26 tháng triển khai, Tổ hợp sẽ chính thức được đưa vào vận hành từ quý II/2017, đưa PVFCCo lên một nấc thang phát triển mới. Đây là một dự án minh chứng cho việc sử dụng nội lực trong ngành dầu khí để sản xuất phân bón chất lượng cao, phục vụ ngành nông nghiệp nước nhà.

Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT PVFCCo đánh giá, việc đầu tư Dự án NH3 (mở rộng) là hiện thực hóa chiến lược nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh doanh các thương hiệu sản phẩm phân bón Phú Mỹ khác, ngoài Đạm Phú Mỹ. Dự án này cũng góp phần giải quyết bài toán tăng trưởng cho PVFCCo trong trung hạn. Thực hiện dự án này, PVFCCo đã lựa chọn những công nghệ hiện đại và tối ưu nhất trên thế giới, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm cao nhất không chỉ ở Việt Nam, mà còn không thua kém với sản phẩm nhập khẩu.

Cụ thể, Dự án NH3 (mở rộng) sử dụng công nghệ của Hãng Haldor Topsoe A/S (Đan Mạch) - được biết đến là nhà cung cấp bản quyền sản xuất NH3 hàng đầu, cho tới nay trên thế giới có hơn 60 nhà máy sản xuất NH3 theo công nghệ Haldor Topsoe A/S. Dự án NH3 (mở rộng) do liên danh nhà thầu thực hiện là Tập đoàn Technip (cũng chính là nhà thầu xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ) và PTSC.

Còn Nhà máy NPK Phú Mỹ sử dụng công nghệ của Hãng Incro SA (Tây Ban Nha) có hơn 35 năm kinh nghiệm trong công nghệ sản xuất phân bón, chủ yếu chuyên sâu trong lĩnh vực sản xuất phân DAP và NPK. Ngoài sở hữu các nhà máy sản xuất phân DAP/NPK, Incro SA còn cung cấp các loại công nghệ sản xuất DAP/NPK, đã được áp dụng thành công tại hơn 70 nhà máy ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Brazil, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Tunisia, Colombia, Ả-rập Xê-út...

Công nghệ ống phản ứng của Incro SA trong lĩnh vực DAP/NPK được biết đến là một công nghệ nổi trội so với các đối thủ cung cấp bản quyền sản xuất DAP/NPK khác trên thế giới. Tới thời điểm hiện tại, hơn 20 nhà máy sử dụng công nghệ hóa học tương tự như dự án của PVFCCo được lắp đặt trên thế giới. Dự án NPK Phú Mỹ là dự án đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ hoá học của Incro SA với liên danh nhà thầu thực hiện là Công ty ThyssenKrupp Industrial Solutions và PTSC.

Tin bài liên quan