Động lực cho MB vững tiến

Động lực cho MB vững tiến

(ĐTCK) Sự gắn bó của các cổ đông, nhân tố mới trong HĐQT đến từ SCIC và chiến lược phát triển theo mô hình tập đoàn là động lực cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tiếp tục vững tiến trên thương trường.

Niềm tin cổ đông

Khác hẳn với sự vắng vẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của rất nhiều DN, hơn 600 nhà đầu tư đã có mặt sáng 28/4 để tham dự ĐHCĐ MB năm 2016. Không ít gương mặt quen thuộc, những quân nhân đã gắn bó với MB từ ngày đầu thành lập. Gương mặt mỗi người có thể già đi theo năm tháng, nhưng sự gắn bó dường như vẫn nguyên vẹn như ngày đầu.

Cổ đông Nguyễn Thị Dung chia sẻ, cô mua cổ phiếu MB đã hơn 10 năm nay, có thời giá cổ phiếu lên cao gấp 10 lần, nhưng cô không bán. Cô giữ cổ phiếu MB vì niềm tin vào Ngân hàng. “Năm nào tôi cũng đi Đại hội của MB và tôi hài lòng với kết quả của Ngân hàng. Cổ tức không cao vọt như một số DN khác, nhưng rất ổn định và cao hơn lãi suất gửi ngân hàng”, cô Dung nói.

Báo cáo tại Đại hội, Thiếu tướng Lê Công, Tổng giám đốc MB cho biết, sau 5 năm thực thi chiến lược, các chỉ tiêu quy mô, chất lượng, hiệu quả của MBGroup hầu hết tăng gấp đôi và tăng trưởng bền vững. Tổng tài sản tăng 2,02 lần (từ 109.623 tỷ đồng lên 221.042 tỷ đồng).

Lợi nhuận MB Group tăng gần 1,5 lần (từ 2.288 tỷ đồng lên 3.221 tỷ đồng), tiếp tục là ngân hàng nằm trong nhóm dẫn đầu hệ thống các ngân hàng TMCP Việt Nam về lợi nhuận và các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động (ROA, ROE, lợi nhuận/người, lợi nhuận/điểm kinh doanh, chi phí/lợi nhuận…). Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới mức 2%. Vốn điều lệ đạt 16.000 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với 2010 là 7.300 tỷ đồng), với sự tham gia của nhiều cổ đông lớn và uy tín trong và ngoài Quân đội, đảm bảo mức chia cổ tức ≥10% trong nhiều năm.

Cũng báo cáo với cổ đông, ông Lê Công cho biết, năm 2016, MB sẽ xây dựng và triển khai chiến lược 2016-2020 đồng thời hoàn thiện và làm sâu sắc các giải pháp Chiến lược 2011-2015 theo hướng xây dựng Ngân hàng thuận tiện. Mục tiêu năm 2016 là tổng tài sản tăng 10-12%; vốn điều lệ tăng lên 17.100 tỷ đồng; nợ xấu duy trì dưới 2%, lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ 3.550 tỷ đồng và cổ tức trả cổ đông khoảng 10%.

Thiếu tướng chia sẻ, trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 26/4 vừa qua, MB đã kiến nghị NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng lên mức 20% trong điều kiện nền kinh tế 2016 có dấu hiệu cải thiện. “Ở mức tăng trưởng tín dụng này, MB sẽ có điều kiện hỗ trợ về vốn nhiều hơn cho các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là khối DN, góp sức thúc đẩy nền kinh tế đi lên”, ông Lê Công nói. 

Nhân tố mới trong HĐQT MB

Diễn biến mới tại ĐHCĐ của MB năm nay là sự xuất hiện của cổ đông chiến lược Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hiện sở hữu 10% vốn điều lệ MB và đề cử người tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng. 100% cổ đông MB đã chấp thuận bổ sung ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SCIC vào HĐQT của MB, nhiệm kỳ đến năm 2019.

Theo báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Chí Thành có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, ngân hàng, hiện kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco và Phó chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Liên quan đến nhân tố mới SCIC, cổ đông đặt câu hỏi giá cổ phiếu bán cho SCIC có phải là mệnh giá hay không và liệu SCIC sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của Ngân hàng TMCP Quân đội? Thiếu tướng Lê Công chia sẻ, ĐHCĐ năm trước đã giao cho HĐQT chọn lựa cổ đông chiến lược phù hợp với tiêu chí của Ngân hàng và thống nhất giá bán cho cổ đông chiến lược thấp hơn 25% thị giá cổ phiếu. “Việc bán cổ phiếu cho SCIC thực hiện theo đúng Quyết nghị của Đại hội 2015, chứ không phải bán tại mệnh giá”, ông Lê Công nói. 

Về vai trò của SCIC, ông Lê Công chia sẻ, là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, SCIC có tệp khách hàng rộng lớn và chất lượng. SCIC là cổ đông chiến lược của Ngân hàng, MB có điều kiện khai thác và chia sẻ tệp khách hàng với SCIC, đồng thời các công ty thành viên của MB cũng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tệp khách hàng của SCIC. “Việc SCIC trở thành cổ đông chiến lược của MB còn thể hiện sự tin tưởng của Nhà nước, của Bộ Tài chính vào sự phát triển bền vững của MB”, Thiếu tướng Lê Công nói.

100% tờ trình của HĐQT đã được thông qua tại Đại hội. Theo đó, trong 5 năm tới, MB sẽ tăng năng lực kinh doanh theo mô hình tập đoàn, tăng năng lực kinh doanh của các công ty thành viên, đưa vào hoạt động Công ty bảo hiểm nhân thọ (MB Life) và Công ty tài chính tiêu dùng (MB Finance). Ngoài việc vững bước của Ngân hàng mẹ, HĐQT MB cho biết, sẽ thúc đẩy các công ty thành viên gia tăng hiệu quả hoạt động, đóng góp tốt hơn vào hiệu quả chung của Tập đoàn.              

NHNN đặt niềm tin MB sẽ tiếp tục vững tiến

Động lực cho MB vững tiến ảnh 1

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước 

5 năm qua, MB có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, tạo thế và lực mới cho Ngân hàng. Xét về hiệu quả hoạt động, MB nằm trong TOP 5 ngân hàng dẫn đầu là xứng đáng. Riêng trong khối ngân hàng cổ phần, MB hiện đang ở vị trí dẫn đầu. Năm 2015, MB giảm nợ xấu xuống dưới mức 2% đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của toàn ngành ngân hàng là nợ xấu dưới 3%.

Điểm nổi bật của MB là luôn chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương thị trường, việc này không phải ngân hàng nào cũng làm được, nhưng ở MB do có gốc quân đội, gốc người lính, nên MB đã làm rất tốt. 5 năm qua, MB cũng đã từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động và quản trị điều hành. NHNN đánh giá cao nỗ lực của MB và đặt niềm tin vào việc MB sẽ tiếp tục vững tiến.

Tin bài liên quan