Ông Đoàn Hồng Việt, CEO DGW (đứng thứ 3 từ trái sang) và ông John Sculley, cựu CEO Apple trong sự kiện ra mắt sản phẩm Obi tại Việt Nam

Ông Đoàn Hồng Việt, CEO DGW (đứng thứ 3 từ trái sang) và ông John Sculley, cựu CEO Apple trong sự kiện ra mắt sản phẩm Obi tại Việt Nam

Digiworld: Tạo khác biệt bằng dịch vụ giá trị gia tăng

(ĐTCK) Là DN phân phối sỉ đầu tiên cung cấp các dịch vụ chuyên biệt, từ phân tích thị trường, marketing, sale, phân phối logicstic và dịch vụ sau bán hàng, CTCP Thế giới số - Digiworld (DGW)  là lựa chọn cho các nhãn hàng quốc tế muốn nhập thị trường Việt Nam. 

Hiện công ty đã trở thành đối tác phân phối độc quyền của nhiều hãng điện thoại thông minh.

Digiworld có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ thông tin và kỹ thuật số, nhưng đến năm 2013, Công ty mới tham gia phân phối điện thoại di động. Nhận thấy tiềm năng thị trường ở phân khúc bình dân còn rất lớn nên ngay từ đầu, Digiworld đã tập trung phát triển mảng phân phối điện thoại di động hướng tới tầng lớp có thu nhập trung bình với những sản phẩm của thương hiệu Nokia. Nhờ kinh nghiệm phân phối sỉ lâu năm và xây dựng được hệ thống đại lý rộng khắp và chính sách bảo hành uy tín cùng những dịch vụ giá trị gia tăng vượt trội, Công ty đã nhanh chóng chiếm vị trí thứ ba về thị phần phân phối điện thoại di động.

Trong năm 2014-2015, trước lo ngại thị phần điện thoại di động của Nokia bị sụt giảm do sự thay đổi chiến lược toàn cầu về sản phẩm của hãng, Công ty phát triển các nhãn hàng mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Digiworld đã trở thành nhà phân phối độc quyền cho các thương hiệu điện thoại Wiko, Obi Worldphone, CINK TAB và trở thành nhà nhập khẩu các sản phẩm Apple chính hãng tại Việt Nam.

Đáng chú ý, dù thương hiệu Obi và Wiko còn khá mới mẻ trên thị trường nội địa, nhưng Digiworl đã có những thành công đáng kể trong phân phối điện thoại các thương hiệu này. Được biết, chỉ sau một năm ra mắt, thương hiệu Wiko đã tiêu thụ được 256.008 chiếc qua hệ thống 6.000 đại lý của Digiworld khắp cả nước. Còn với Obi, chỉ sau 4 tháng có mặt tại thị trường Việt Nam (cũng là thị trường đầu tiên mà sản phẩm được giới thiệu và bán ra trên thế giới), sản phẩm đầu tiên của Obiworld là Obi SF1 đã lọt vào Top5 điện thoại xuất sắc nhất 2015 của Tech Award. Dự kiến, Digiworld cùng Obi sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều mẫu điện thoại chất lượng, giá hấp dẫn trong năm 2016.

Đặc điểm nổi bật của thị trường điện thoại di động Việt Nam là khoảng cách giữa phân khúc nông thôn và thành thị vẫn còn khá xa. Trong khi ở thành thị, sản phẩm smartphone cao cấp phát triển mạnh, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu thì thị trường ở nông thôn vẫn còn bỏ ngỏ và là cơ hội cho những sản phẩm thuộc phân khúc bình dân. Điều này cũng lý giải vì sao Obi và Wiko lại có những thành công bước đầu nhanh chóng tại thị trường Việt Nam, bởi đây cũng là phân khúc mục tiêu mà cả hai hãng này hướng tới. Ngoài ra, bản thân thương hiệu Wiko của Pháp đã chinh phục được các thị trường khó tính ở châu Âu; còn Obi là thương hiệu điện thoại của Mỹ vừa trình làng, do cựu CEO Apple, John Sculley, đồng sáng lập. Chính những điều này đã tạo được niềm tin ngay từ đầu đối với khách hàng, lại đáp ứng được bài toán “vừa túi tiền nhưng chất lượng tốt”.

Với cái bắt tay với Obi, Wiko để phân phối độc quyền, Digiworld đã hỗ trợ tư vấn toàn bộ chiến lược, đề xuất kế hoạch và thực thi, giúp đối tác tiếp cận thị trường thành công. Digiworld cũng là nhà phân phối duy nhất cung cấp đầy đủ các dịch vụ giá trị cho hãng: từ phân tích thị trường đến bảo hành sản phẩm. Chẳng hạn, với sản phẩm Wiko, Digiworld phân phối cho các đại lý tại khu vực nông thôn trước. Bên cạnh đó, Digiworld cũng phát triển 5 trung tâm dịch vụ khách hàng DGCare có thể giải quyết đến 95% các yêu cầu dịch vụ trong vòng 3 ngày làm việc.

Dự kiến, trong năm 2016, Digiworld sẽ tiếp tục giới thiệu đến người tiêu dùng 2 thương hiệu điện thoại mới; trong đó, có Intex, thương hiệu smartphone được sản xuất tại Ấn Độ, hiện đang đứng thứ 2 tại thị trường được coi là thung lũng Sillicon của châu Á. Đây được kỳ vọng là cơn gió mới trên thị trường smartphones tại Việt Nam thay thế các điện thoại Trung Quốc không có tên tuổi. Mục tiêu của Công ty là mảng điện thoại di động sẽ chiếm khoảng 60 - 65% tổng doanh thu trong những năm tới. Ngoài ra, Digiworld tiếp tục đẩy mạnh những dịch vụ giá trị gia tăng để tạo thêm sự khác biệt, nhằm đạt được mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020.

Đối với lĩnh vực laptop, Digiworld sẽ tiếp tục phát huy hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam, nắm bắt xu hướng thị trường để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường. Mặc dù xu hướng sử dụng tablet tăng cao, nhưng Digiworld xác định, sản phẩm này không thể thay thế laptop, do vậy, trong thời gian tới, thị trường laptop vẫn rất tiềm năng. Digiworld dự kiến, năm 2016 đạt doanh thu 5.392 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 173,5 tỷ đồng.                                

Tin bài liên quan