CMC đưa vào hoạt động Data Center thế hệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của ngành ngân hàng như PCI DSS

CMC đưa vào hoạt động Data Center thế hệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của ngành ngân hàng như PCI DSS

Công nghệ mang đến thành công cho hơn 90% ngân hàng tại Việt Nam

(ĐTCK) Thế giới phẳng cùng sự phát triển của ngân hàng số, ngân hàng điện tử chắc hẳn không còn lạ lẫm đối với đại đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, khi internet mới phát triển và các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán lưu trữ dữ liệu, phương thức giao dịch truyền thống thì không ít người bất ngờ khi thấy công nghệ đã thực sự làm thay đổi ngoạn mục cách thức vận hành của các nhà băng.

Ngân hàng số ra đời bắt đầu cho kỷ nguyên mới của ngành ngân hàng

Ngược thời gian trở về những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi ấy các ngân hàng là cỗ máy tiêu tốn một lượng giấy khổng lồ. Các dữ liệu về khách hàng (cả cá nhân lẫn doanh nghiệp) được lưu trên các văn bản giấy và quản lý hoàn toàn thủ công. Khi khối lượng khách hàng còn ít, việc quản lý dữ liệu vẫn đơn giản, song khi ngân hàng càng lớn mạnh, cỗ máy càng cồng kềnh. Điều này khiến cho nhu cầu của các nhà băng cần có một giải pháp để quản trị và lưu trữ hiệu quả ngày càng rõ rệt.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của internet, điện toán đám mây cũng như sự phát triển mạnh mẽ điện thoại di động và các hệ sinh thái đi kèm đã làm thay đổi hoàn toàn hành vi của người tiêu dùng. Họ không còn muốn mất thời gian đến ngân hàng giao dịch trực tiếp.

Điều này bắt buộc các ngân hàng truyền thống phải thay đổi cuộc chơi, chuyển trọng tâm cải thiện năng suất từ hướng tập trung vào ngân hàng sang tập trung vào khách hàng. Từ đó, ngân hàng số, tiền đề của xu hướng Future Bank (ngân hàng tương lai) ra đời. 

Với vai trò một giám đốc công nghệ (CTO) của công ty công nghệ có 20 năm làm việc cùng các ngân hàng, ông Lương Tuấn Thành, CTO Công ty Tích hợp hệ thống CMC (CMC SI – công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC) chia sẻ về vai trò của công nghệ với ngành ngân hàng: “Nhờ công nghệ, các văn bản giấy dần được số hoá bằng cách chuyển sang dạng file mềm bằng hệ thống ECM (Enterprise content management).

Sau đó, quy trình làm việc cũng được số hoá thông qua giải pháp BPM (Business process management). Hai giải pháp này kết hợp để số hoá văn bản, dữ liệu và quy trình, giảm thời gian thực hiện quy trình, kiểm soát được quy trình và văn bản, dữ liệu.

Do dữ liệu khách hàng và các hành vi khách hàng đều được lưu lại và số hoá nên thông qua đó có thể phân tích đánh giá nhằm đưa ra các gói sản phẩm mới phù hợp với khách hàng và quản trị rủi ro chặt chẽ. Có thể nói, công nghệ và ngân hàng số đã làm thay đổi toàn bộ cục diện của ngành ngân hàng Việt Nam”.

Trên thị trường công nghệ Việt Nam, Công ty Tích hợp hệ thống CMC đi đầu về tích hợp hệ thống và bảo mật. Đây cũng là điểm mạnh nhất trong dịch vụ, giải pháp của doanh nghiệp này cung cấp cho ngân hàng.

Ông Thành cho biết, công nghệ đã giúp chúng ta có được không chỉ một ngân hàng trên không gian số để giao dịch tài chính, mà còn là hệ sinh thái hoàn chỉnh. Công ty Tích hợp hệ thống CMC đã tư vấn cho nhiều ngân hàng xây dựng một hệ sinh thái số. Hệ sinh thái này hội tụ nhiều dịch vụ như bảo hiểm, du lịch, nhà hàng, hàng không…

Tuy nhiên, vấn đề mà các ngân hàng Việt gặp phải trên con đường “số hóa” là làm sao để áp dụng công nghệ tiên tiến vừa vặn với nhu cầu thực tế.

Để giải bài toán này, theo ông Lương Tuấn Thành, CMC SI đã luôn giữ vững quan điểm: “Đón đầu xu hướng công nghệ thế giới nhưng không áp đặt cho mọi khách hàng. Muốn làm ra giải pháp hữu ích phải hiểu khách hàng và đo ni đóng giầy cho họ. Như thợ may thủ công phải rất dụng công từ khâu đo đến cắt may, giá thành cao hơn may hàng loạt, nhưng sản phẩm chắc chắn vừa vặn hợp ý. Với CMC SI, giá thành vẫn như vậy, nhưng phải cho ra sản phẩm thủ công. Không làm theo quy trình hàng loạt là cách thức để áp dụng những xu hướng công nghệ mới nhất một cách hiệu quả cho các ngân hàng Việt Nam”.

Doanh nghiệp công nghệ và hành trình 20 năm phía sau cuộc cách mạng số của các ngân hàng

CMC SI trở thành đối tác của các ngân hàng lớn tại Việt Nam từ 1998 - buổi đầu của Internet và mang đến cho các ngân hàng những khái niệm sơ khai của công nghệ số là server, không gian mạng (tài nguyên số) để giảm bớt sự cồng kềnh cho bộ máy quản trị.

Nhờ tính tiên phong trong lĩnh vực tích hợp hệ thống và tận tụy với từng sản phẩm cung cấp cho khách hàng, CMC SI ngày càng được doanh nghiệp tài chính, ngân hàng tin tưởng. Bắt đầu từ con số 0, sau hơn 10 năm, doanh nghiệp này đã tăng trưởng ấn tượng, chiếm 1/4 thị phần ngành ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 2010, CMC SI vẫn cách xa một vài đối thủ mạnh trong và ngoài nước. Chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp này mới thực sự tăng tốc và đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Từ năm 2013 đến nay, CMC SI đã vươn lên đứng đầu với hơn 90% ngân hàng tại Việt Nam là khách hàng của CMC.

Lý giải về sự lớn mạnh vượt bậc này, ông Lương Tuấn Thành - CTO CMC SI Hà Nội chia sẻ: “CMC SI thành công nhờ hướng đi đúng đắn, đó là đầu tư vào các mảng dịch vụ chưa được đối thủ chú ý như ngân hàng số, bảo mật, Future Bank hay giải pháp The Journey to build the Bank Tech capability.

Chúng tôi cũng tập trung vào khai phá thị trường miền Trung và miền Nam, nơi đối thủ còn bỏ ngỏ. Vừa giữ vị thế ở thị trường truyền thống với khách hàng quen mặt biết tên vừa khai phá vùng đất mới thật sự rất vất vả, nhưng đã mang lại thành công”.

 Trung tâm An ninh thế hệ mới CMC SOC sẵn sàng bảo mật cho ngành ngân hàng 24/7

Đầu năm 2018, CMC SI và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã hợp tác và cho ra mắt Hệ thống khởi tạo khoản vay (Loan Origination System - LOS), là một giải pháp quản lý quy trình khởi tạo khoản vay phục vụ cho ngành ngân hàng.

Hệ thống Khởi tạo khoản vay được vận hành hiệu quả trên nền tảng quản lý quy trình nghiệp vụ của Infosys đã mang đến cho Maritime Bank một giải pháp trọn gói, mạnh mẽ, ứng dụng thuận tiện và khả năng mở rộng cao. Nếu được áp dụng rộng rãi, hệ thống này sẽ giúp các ngân hàng có thể xử lý nhanh chóng và chính xác các tài liệu liên quan đến các hồ sơ xin vay và giảm thiểu thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Nói về thành công của CMC SI, ông Thành cho rằng, đó là tạo ra các giải pháp hỗ trợ được khách hàng: “CMC SI thành công khi khách hàng thành công. Quá trình dài làm việc với khách hàng, CMC SI cũng lớn lên theo họ. Giả sử như khách hàng Bảo Việt, ban đầu chỉ là doanh nghiệp bảo hiểm sau mở rộng thêm ngành tài chính, ngân hàng chính là cơ hội để chúng tôi học và tìm tòi cùng họ”.

Công nghệ trong tương lai sẽ tiếp bước cuộc cách mạng thay đổi ngành tài chính, ngân hàng

Thành công ở nhóm khách hàng tài chính, ngân hàng tại Việt Nam, CMC SI đang dần mở rộng làm việc với nhóm khách hàng chính phủ và cao hơn là thuyết phục được các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Thành, khoảng 10 năm gần đây, CMC SI đã dốc sức cho các dự án R&D (nghiên cứu và phát triển) về bảo mật, tích hợp hệ thống. Doanh nghiệp tự hào có hệ thống SOC (Security Operation Centre) và là đơn vị cấp chứng chỉ CITF (The Certificate in International Trade and Finance) về thanh toán điện tử đầu tiên tại Việt Nam.

Trong cuộc cách mạng 4.0, CMC SI sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển các dịch vụ về quản lý, bảo mật dữ liệu bởi đây là tài sản quý giá nhất của mọi ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ nghiên cứu việc áp dụng phân tích dữ liệu trong ngành tài chính ngân hàng để giúp tiên đoán chính xác hơn rủi ro tín dụng, điều mà các ngân hàng Việt Nam đang rất cần.

Thời gian tới, khoảng hơn 90% các ngân hàng trên thế giới sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ để mở rộng dịch vụ thanh toán di động và nâng cao trải nghiệm người dùng. Công nghệ đã và sẽ mang lại những lợi ích thiết thực như tăng tính bảo mật ngân hàng di động, loại bỏ những sai sót và gian lận, đẩy nhanh tốc độ thanh toán, cắt giảm chi phí đến 8 - 12 tỷ USD/năm…

Cá biệt hóa và luôn lắng nghe nhu cầu của các ngân hàng, CMC SI sẽ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ tích hợp chuyên nghiệp, có thể tư vấn, cung cấp giải pháp dịch vụ tổng thể, toàn diện cho một ngân hàng với sự tham gia của hệ sinh thái CMC, gồm tích hợp hệ thống, phần mềm và bảo mật.

CMC là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam với 12 đơn vị thành viên, 2.500 cán bộ, kết quả dự kiến doanh thu năm tài chính 2017 vượt 5.400 tỷ đồng. Trải qua hành trình 25 năm, sự đam mê công nghệ luôn là hành trang giúp mỗi cá nhân đóng góp, đồng hành xây dựng nên một CMC lớn mạnh.

Với thông điệp “Passion for Digital World -  Đam mê chinh phục thế giới số”, CMC tin rằng chỉ có chuyển đổi số và giữ lửa đam mê công nghệ thì mới có thành công. Để có thể làm được điều đó, CMC đặt mục tiêu “Go global”, phải xây dựng một tập đoàn toàn cầu. Ngay từ bây giờ, Tập đoàn đã xây dựng theo chuẩn World Class trong tất cả tổ chức, con người.

Tin bài liên quan