Năm 2014, DCM đạt lợi nhuận sau thuế trên 820 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với năm 2013 và vượt 25% kế hoạch

Năm 2014, DCM đạt lợi nhuận sau thuế trên 820 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với năm 2013 và vượt 25% kế hoạch

Cổ phiếu DCM thêm cơ hội cất cánh

(ĐTCK) Giữ đúng lời hứa với nhà đầu tư khi IPO, ngày 31/3 tới, CTCP Phân bón  hóa chất Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Đạm Cà Mau) sẽ niêm yết cổ phiếu DCM trên HOSE. Trong bối cảnh khan hiếm hàng hóa chất lượng trên thị trường, DCM được giới phân tích đánh giá có nhiều tiềm năng để cất cánh.

Nền tảng vững

Là dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bài bản với công nghệ của các nước G7, tiên phong với sản phẩm đạm hạt đục có nhiều ưu thế, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, PVCFC đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường. Hiện Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng là lựa chọn số 1 tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và đang tiếp tục được mở rộng một cách chắc chắn ra các vùng thị trường khác trong nước cũng như sang Campuchia, một thị trường rất giàu tiềm năng.

DCM là cổ phiếu có các yếu tố cơ bản tốt dựa trên hoạt động doanh nghiệp liên tục tăng trưởng. Năm 2014, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau rất khả quan khi Nhà máy vận hành vượt công suất thiết kế. PVCFC đã đưa ra thị trường 805.000 tấn phân đạm, mang về doanh thu gần 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt trên 820 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với năm 2013 và vượt 25% kế hoạch.

Quý I/2015, Công ty tiếp tục duy trì đà thành công của năm 2014, ước thực hiện các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh vượt 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát của ĐTCK, trên thị trường tự do, cổ phiếu DCM đang được chào mua quanh mức giá 15.000 đồng/CP. Tuy nhiên, hầu như không có nhà đầu tư nào bán ra cổ phiếu. CTCK Bảo Việt (BVSC) khuyến nghị tích cực về cổ phiếu này nhờ định giá hấp dẫn và lợi thế doanh nghiệp.

Xét về lợi thế, Đạm Cà Mau hiện đang được nhận rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), trong đó có việc cam kết chính sách giá khí đầu vào, đảm bảo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ổn định ở mức bình quân 12%/năm. Ngoài ra, mức thuế TNDN áp dụng cho Đạm Cà Mau cũng đang ở mức rất ưu đãi (0% tới hết năm 2015 và 5% tới hết năm 2024).

BVSC đánh giá cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, Đạm Cà Mau liên tục có lãi kể từ khi đi vào sản xuất, với mức ROE trung bình đạt gần 20% trong 2 năm qua, trong khi thị phần của Công ty liên tục phát triển. “Sau khi niêm yết, Đạm Cà Mau có tiềm năng trở thành một blue-chip trên sàn chứng khoán”, BVSC nhận định. 

Tiềm năng tăng trưởng mạnh

Giới đầu tư quan tâm rất lớn tới khả năng vượt lợi nhuận định mức của Đạm Cà Mau trong tương lai. Quan sát các hoạt động và chiến lược mở rộng thị trường của Công ty trong thời gian qua, có cơ sở để kỳ vọng vào điều này.

Theo chiến lược phát triển kinh doanh của Đạm Cà Mau, thị trường mục tiêu chính của Công ty gồm Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia. Đây là các thị trường có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô diện tích trồng trọt của vùng rộng lớn; địa hình chủ yếu là đồng bằng, khí hậu thuận lợi cho canh tác, phát triển nông nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và đặc biệt xuất khẩu những mặt hàng nông sản có giá trị cao; khoảng cách địa lý từ Nhà máy Đạm Cà Mau đến các vùng tiêu thụ trên khá gần so với các thị trường khác. Điểm nội bật nhất là nhu cầu urê của 3 thị trường trên có quy mô lớn, sức tiêu thụ ổn định. Những yếu tố này giúp PVCFC phát huy tối đa thế mạnh, trong đó quan trọng nhất là điều kiện thuận lợi về địa lý, giảm thiểu chi phí logistic, duy trì giá bán hợp lý nhằm cạnh tranh vượt trội so với đối thủ trên thị trường.

Trong quý I, vị thế của Đạm Cà Mau tại các thị trường mục tiêu tiếp tục được khẳng định. Đơn cử, tại thị trường Tây Nam Bộ, sản phẩm Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đang là lựa chọn số 1 của người sử dụng, nhờ đó doanh số bán hàng của Công ty cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Tại thị trường Campuchia, ngày 25/3/2015, PVCFC đã chính thức ký hợp đồng đại lý với 4 công ty nội địa, tạo ra bước ngoặt và tiền đề tốt để đưa sản phẩm Đạm Cà Mau có mặt rộng rãi trên thị trường này. PVCFC sẽ triển khai các hoạt động quảng cáo, truyền thông, tiếp thị trực tiếp tới người nông dân Campuchia nhằm nâng cao hơn nữa hình ảnh, thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm theo cam kết của Đạm Cà Mau với khách hàng. Đây cũng chính là cơ hội để Đạm Cà Mau tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho biết , hiện tại có một số công ty trong nước và nước ngoài đang tiếp xúc để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty.

Giới phân tích chứng khoán nhận định, định hướng huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đại chúng hóa doanh nghiệp một cách thực chất sẽ giúp cải thiện năng lực quản trị của Công ty, tạo ra nền tảng bền vững và sức bật mạnh mẽ cho cổ phiếu DCM trong thời gian tới.

Tin bài liên quan