Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB

CEO Lưu Trung Thái: MB sẽ thay diện mạo mới

(ĐTCK) Là thế hệ lãnh đạo trẻ, trưởng thành từ các vị trí quan trọng của MB với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tân Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ các cổ đông, công chúng đầu tư khi quyết tâm thổi “luồng gió mới”, để MB năng động hơn, hiệu quả hơn. 

Việc Ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2017 tới hơn 20% so với năm 2016 được coi là tín hiệu ban đầu cho những thay đổi đó.

Động lực tăng trưởng của MB đến từ chính sức mạnh hệ thống và những chuyển đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.

MB: đến giai đoạn bứt tốc

Trả lời câu hỏi về suy nghĩ của mình khi nhận vị trí Tổng giám đốc trong bối cảnh MB duy trì bước tăng trưởng ổn định trong 5 năm vừa qua, ông Thái cho rằng, đó là may mắn, vinh dự và ông cảm thấy tự tin khi nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, cán bộ, nhân viên, các cổ đông, đối tác và khách hàng.

“Đối với tôi, được cổ đông, toàn Ngân hàng tin tưởng nên tôi không có sức ép gì lớn. Việc đổi mới là yêu cầu tất yếu đối với mỗi giai đoạn phát triển. Bản thân tôi làm điều này rất thoải mái. Yêu cầu của cổ đông, của bản thân hệ thống chúng tôi và đặc biệt là yêu cầu thị trường rất cao, MB phải năng động, hiệu quả hơn nữa. Đó cũng là mục tiêu điều hành của tôi”, ông Thái chia sẻ.

Trong 5 năm vừa qua, tăng trưởng của Ngân hàng giữ vững sự ổn định, cao hơn bình quân thị trường. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 của riêng mảng ngân hàng đạt mức tăng 17,8%, lợi nhuận hợp nhất là 13,4%. Năm 2017, MB trình Đại hội đồng cổ đông mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%, các chỉ tiêu khác cũng tăng trưởng quanh mốc này.

Trong quan điểm của Tổng giám đốc MB, hoạt động của các doanh nghiệp, kể cả các tổ chức tín dụng, ít có đường đồ thị tăng trưởng thẳng đứng trong khoảng 5 - 10 năm. Thông thường, đồ thị tăng trưởng có hình sin, có lúc đi lên, có lúc đi xuống. Có lúc MB đi ngang, nhưng vị thế của MB vẫn tăng lên. 

“6 năm qua, MB luôn ở trong Top 10 ngân hàng thương mại lớn nhất, thậm chí có lúc nằm trong Top 5. Hiện tại, quy mô và hiệu quả hoạt động của MB ở trong Top 5 - 7 các ngân hàng tại Việt Nam và chúng tôi sẽ phấn đấu để cải thiện vị trí này”, ông Thái nói.

Theo Tổng giám đốc MB, ông cùng Ban điều hành sẽ triển khai thực thi các chiến lược mà Hội đồng quản trị đã đề ra cho giai đoạn 2017 - 2021, nhằm đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu đề ra, nằm trong Top 5 các ngân hàng hàng đầu Việt Nam về hiệu quả kinh doanh.

Trong các năm tới, Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo mức tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao, duy trì mức chia cổ tức từ 11%, phấn đấu lên mức 13 - 15%. Điều may mắn là MB có nền tảng gần 23 năm hoạt động, đã tích lũy và xây dựng nền móng vững vàng, giai đoạn tiếp theo chính là lúc MB hướng đến các mục tiêu tăng trưởng.

Thúc đẩy ngân hàng bán lẻ

Kỳ vọng về một luồng gió mới trẻ trung được thổi vào MB, tạo đà cho một giai đoạn tăng trưởng bứt phá, nhưng câu hỏi đặt ra là, làm cách nào để Ngân hàng đạt được mục tiêu tham vọng đó? Yêu cầu này đưa ra trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt và các ngân hàng đứng sát cạnh MB đã có sự tăng tốc khá mạnh thời gian qua. Tại nhiều ngân hàng, mảng tài chính, tiêu dùng cũng đang được tập trung phát triển và ngân hàng nào cũng có khát vọng vươn lên, bứt phá để khẳng định mình.

MB nhận thức rất rõ câu chuyện sức ép ngành và những thế mạnh, cơ hội tăng trưởng của mình. Động lực tăng trưởng của MB sẽ đến từ chính sức mạnh hệ thống, bao gồm yếu tố con người, quy trình, kinh nghiệm hoạt động của ngân hàng, đối tác ngành, cơ hội tăng trưởng chung của ngành và đến từ yêu cầu tăng trưởng hiệu quả của tất cả các bộ phận.

Người MB rất yêu công việc, yêu Ngân hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới, với một phong cách mới để đảm bảo MB luôn là một khối thống nhất và vẫn đáp ứng được yêu cầu trẻ hóa đội ngũ

- Ông Lưu Trung Thái

Tổng giám đốc MB cho biết, Ngân hàng dịch chuyển mạnh sang mảng bán lẻ, bao gồm cả khách hàng cá nhân và nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), hướng đến việc tăng trưởng 2 nhóm này để nâng tỷ lệ doanh thu từ bán lẻ lên 70% tổng doanh thu. Bán lẻ là một hoạt động vất vả, nhiều giao dịch nhỏ lẻ, tuy nhiên biên lợi nhuận nhóm này cao hơn.    

MB còn một lợi thế chưa khai thác, đó là danh mục khách hàng cơ bản rất lớn có được từ sự hợp tác với đối tác chiến lược. MB đặt mục tiêu tăng khả năng cung cấp sản phẩm cho nhóm khách hàng này, từ đó thay đổi kết cấu lợi nhuận và doanh thu của Ngân hàng. Đây cũng chính là chủ trương mà tân Tổng giám đốc MB áp dụng để thực thi chiến lược phát triển mảng ngân hàng bán lẻ mà MB tập trung ưu tiên cũng như khai thác dư địa khách hàng lớn chưa khai thác.

Không chỉ chú trọng đẩy mạnh mảng bán lẻ, mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập từ phần dịch vụ trên cơ cấu lợi nhuận cũng được ông Thái nhấn mạnh. Theo người đứng đầu Ban điều hành MB, không chỉ năm 2017, trong 5 năm tới đây, MB sẽ tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ này.

Ông Thái cho biết, chủ trương của Ngân hàng là cạnh tranh về phí. Thu nhập từ phí dịch vụ sẽ tăng lên dựa trên chính sách phát triển dịch vụ và khả năng phục vụ khách hàng, chứ không dựa trên việc tăng giá phí. “Giá phí của MB sẽ luôn nằm trong nhóm cạnh tranh nhất thị trường’, ông Thái nhấn mạnh.

Kỳ vọng mảng tài chính tiêu dùng

Cuối năm 2016, MB đã ký hợp đồng liên doanh với đối tác Nhật Bản là Shinsei Bank để cùng phát triển Công ty tài chính tiêu dùng MB (MCredit). Ra đời sau trong bối cảnh mảng tài chính tiêu dùng bị chi phối bởi 2 ông lớn khác khiến thị trường tò mò về chiến lược cạnh tranh của MCredit. Tuy nhiên, ông Thái cho biết, MB khá tự tin với lĩnh vực này.

Trong năm 2016, MB đã lựa chọn đối tác Nhật Bản hợp tác với MCredit. Đó là sự lựa chọn rất khắt khe và là bước đi tất yếu để MB phát triển mảng này. Shinsei nằm trong Top 3 công ty tài chính tiêu dùng tại Nhật Bản, đã có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đang phục vụ trên 20 triệu khách hàng. Shinsei sở hữu hệ thống công nghệ cho phép xử lý toàn bộ quy trình phục vụ khách hàng, từ khâu nhận hồ sơ đến khâu giải nhân, thu hồi nợ.

Năm 2017, MB sẽ thực hiện 4 chuyển dịch chiến lược then chốt gồm: ngân hàng số, củng cố quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro vượt trội và quản lý hiệu quả hoạt động các công ty thành viên.     

Tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất lớn, với quy mô khoảng 25 tỷ USD, đủ lớn cho 2 - 3 công ty nữa tham gia thị trường. MCredit hướng đến những khách hàng chưa tham gia thị trường này. Với kinh nghiệm quản lý tín dụng của MB, công nghệ và kinh nghiệm từ đối tác Nhật Bản, MCredit sẽ thu hút khách hàng bằng giá phí hợp lý do quản lý tốt nợ xấu.

“Chúng tôi tin rằng, lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng sẽ phải giảm xuống. Lợi thế cạnh tranh của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ nằm ở công nghệ, mô hình kinh doanh tốt và quản trị rủi ro chặt chẽ. Đây là lý do trong thời gian qua, MCredit tập trung vào kiểm nghiệm mô hình trước khi thúc đẩy tăng trưởng. Từ quý III năm nay, tôi tin MCredit sẽ bắt đầu mang lại kết quả kinh doanh tốt cho MB”, ông Thái chia sẻ về chiến lược phát triển mảng tài chính tiêu dùng của MB.

Kỳ vọng, mảng tài chính tiêu dùng sẽ đóng góp khoảng 5 - 7% tổng lợi nhuận của MB, hướng đến mức 10% trên tổng cơ cấu lợi nhuận toàn hệ thống.

Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của MCredit, theo Tổng giám đốc MB, trong 5 năm tới, các công ty thành viên của MB sẽ phải phấn đấu đạt tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu tối thiểu tương đương ngân hàng mẹ, phấn đấu đến năm 2021, các công ty thành viên đóng góp khoảng 20% lợi nhuận toàn hệ thống.

Một MB đổi mới…

Đặt yêu cầu tăng trưởng hiệu quả kinh doanh cao, ông Thái cho rằng, bên cạnh chiến lược phát triển khách hàng, các ngành nghề kinh doanh, thì thay đổi chính diện mạo, sức mạnh nội tại MB cũng là một yếu tố được đặt lên hàng đầu.

“Người MB rất yêu công việc, yêu Ngân hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới để sẵn sàng thích nghi với các thế hệ nhân viên mới sau này, với một phong cách mới để đảm bảo MB luôn là một khối thống nhất, dù vẫn đáp ứng được yêu cầu trẻ hóa đội ngũ”, ông Thái nói.

Một chia sẻ khác từ vị Tổng giám đốc của MB là chủ trương đẩy mạnh số hóa trong hoạt động ngân hàng. Điều này không chỉ giúp MB tiết kiệm chi phí hoạt động, mà còn rút ngắn được thời gian ra quyết định nội bộ và nâng cao khả năng phục vụ khách hàng, quản trị rủi ro. Đồng thời, việc đưa các sản phẩm, dịch vụ lên kênh số giúp gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

“Hình ảnh MB trong thời gian tới sẽ trẻ trung và năng động hơn để hấp dẫn khách hàng hơn, đặc biệt là khách nhóm khách hàng trẻ”, ông Thái nói.

Tin bài liên quan