Ảnh Internet

Ảnh Internet

Câu chuyện tăng trưởng dài hạn của KSB

(ĐTCK) Duy trì quy mô lớn nhất ngành đá, biên lợi nhuận gộp dần cải thiện sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn, Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) đang từng bước thực hiện mục tiêu 5 năm đề ra, trở thành doanh nghiệp đứng đầu về lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Dẫn đầu trữ lượng khai thác đá xây dựng

Đặc thù của các doanh nghiệp đá xây dựng phụ thuộc vào thời hạn và trữ lượng khai thác, trong khi việc xin giấy phép khai thác mới không dễ thực hiện. Do vậy, với các doanh nghiệp sở hữu được nhiều mỏ đá và hội đủ 2 yếu tố trên là lợi thế cạnh tranh rất lớn, trong bối cảnh nhu cầu xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng ngày một tăng cao, còn tài nguyên thì ngày càng khan hiếm hơn.

KSB là doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm và được xếp vào doanh nghiệp có trữ lượng khai thác lớn nhất trong ngành, ước tính trữ lượng đá khoảng còn lại (đối với các mỏ cũ) đạt trên 32 triệu m3. Với trữ lượng này, doanh thu của KSB có thể được duy trì khả năng tăng trưởng trong các năm tiếp theo, nhất là thời gian khai thác các mỏ đá của KSB kéo dài đến năm 2029.

Có thể kể đến như mỏ Phước Vĩnh, diện tích 29,62 ha, trữ lượng gần 14,5 triệu m3 nguyên khối; mỏ Tân Mỹ diện tích khai thác 41 ha, trữ lượng 22 triệu m3, công suất 1 triệu m3/năm; mỏ Tân Đông Hiệp, với trữ lượng lớn nhất, chất lượng đá tốt và vị trí thuận tiện, cũng đang trong quá trình xin giấy phép mới để khai thác ở độ sâu 150 m, thời hạn đến hết năm 2019. Theo ước tính, nếu được gia hạn thành công, KSB sẽ có thêm 4,5 triệu m3 đá tại mỏ Tân Đông Hiệp trong 2 năm.

Cùng với đó, KSB đã lên kế hoạch và từng bước thực hiện việc đầu tư mở rộng trữ lượng khai thác đá, dự tính nâng trữ lượng lên mức 100 triệu m3. Bước đầu, KSB đã tiến hành nâng công suất khai thác tại 2 mỏ Tân Mỹ và Phước Vĩnh, thực hiện các thủ tục để xin chủ trương của UBND Tỉnh Bình Dương về việc cho phép thăm dò, khai thác mỏ Tam Lập diện tích 16,3 ha, trữ lượng hơn 7,6 triệu m3 đá nguyên khối.

Cuối năm 2017, HĐQT KSB đã ra nghị quyết về việc đầu tư 2 mỏ đá ở Thanh Hóa và Nghệ An. Cụ thể, KSB dự chi 25 tỷ đồng để mua lại 30% cổ phần của Công ty cổ phần Phú Nam Sơn, đơn vị sở hữu mỏ đá Gò Trường tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Với trữ lượng lên đến 10 triệu khối đá nguyên khối, mỏ Gò Trường kỳ vọng mang về cho KSB doanh thu mỗi năm trên 150 tỷ đồng. KSB cũng sẽ chi gần 14 tỷ đồng để sở hữu 70% mỏ Bãi Giang tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An với trữ lượng khai thác lên đến 5 triệu khối đá nguyên khối, kỳ vọng mang về trên 100 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo KSB, đây là hai mỏ đá chiến lược, có đầu ra rõ ràng và kỳ vọng mang lại doanh thu cao so với tổng mức đầu tư. Ngoài ra, KSB cũng đang thực hiện việc đánh giá lại trữ lượng và rà soát pháp lý các mỏ đá tại khu vực Tân Cang (Đồng Nai) và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đa dạng sản phẩm, ổn định nguồn thu

Theo kế hoạch chia sẻ với cổ đông, từ năm 2018, KSB sẽ có ít nhất 50.000 m3 cát nhân tạo được bán ra thị trường và sẽ tăng thêm sau đó. Hiện KSB đang có 2 nguồn nguyên liệu chính từ đá và đá chính phẩm, cát nhân tạo là sản phẩm kèm theo. Cát nhân tạo (đá mi bụi) có ở 2 mỏ là Tân Hiệp và Phước Vĩnh. Trong đó, mỏ Phước Vĩnh có sản lượng đá mi bụi khoảng 250.000 - 350.000 m3. KSB cũng đang khảo sát một mỏ khác ở khu vực Vĩnh Hòa, mỏ này có đá xây dựng và sản phẩm đá để làm cát xây dựng gần giống với cát tự nhiên.

Sử dụng cát nhân tạo được các chuyên gia dự báo sẽ là xu hướng chính cho các doanh nghiệp trong ngành khi cát tự nhiên đang ngày càng khan hiếm hơn, đồng thời có nhiều đặc tính nổi trội như chủ động được chất lượng cát, chẳng hạn tách được cát thô cho bê tông, cát mịn cho tô trát, từ đó doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ngoài khai thác khoáng sản, KSB đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp. Đây là mảng nằm trong kế hoạch của KSB nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định trong tương lai. Năm 2017, KSB đã chi 300 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp KSB. Ông Ngô Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Phát triển khu công nghiệp KSB cho biết, trước mắt, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng và cho thuê Khu công nghiệp Đất Cuốc, đồng thời đang đàm phán mua lại một khu công nghiệp có tiếng ở TP.HCM.

Từ nay đến 2020, với tổng diện tích khu công nghiệp hơn 53 ha, dự kiến KSB sẽ có doanh thu khoảng 650 tỷ đồng và hơn 1.865 tỷ đồng doanh thu từ việc cho thuê diện tích khu mở rộng. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng cho thuê, KSB sẽ đầu tư hệ sinh thái khu công nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu nhà xưởng, vừa cung cấp đầy đủ nhà ở, dịch vụ tài chính, vận chuyển, y tế, giáo dục, văn hoá, giải trí.

Trước mắt, KSB sẽ dành 19,23 ha xây dựng khoảng 1.000 ngôi nhà, trường học, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí… nhằm đáp ứng yêu cầu nhà ở cho đội ngũ chuyên gia, công nhân viên các công ty trong Khu công nghiệp Đất Cuốc và các khu vực lân cận.   

Năm 2017, doanh thu của KSB đạt hơn 1.094 tỷ đồng, tăng 28,7% so với thực hiện năm 2016 và vượt 6,7% kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế đạt 277,3 tỷ đồng, tăng 34,8% so với năm 2016 và vượt 15,5% kế hoạch.

Tin bài liên quan