Ông Nguyễn Đức Hưởng (ngoài cùng bên phải) tới thăm hộ gia đình ông Quàng Văn Muôn tỉnh Điện Biên

Ông Nguyễn Đức Hưởng (ngoài cùng bên phải) tới thăm hộ gia đình ông Quàng Văn Muôn tỉnh Điện Biên

Bữa cơm với thịt cùng LienVietPostBank

(ĐTCK) Khủng hoáng giá lợn hơi. Không bán được lợn. Người nông dân khóc ròng. Đó là những thông tin liên tục được phản ánh trên các phương tiện truyền thông những tuần qua. Trong bối cảnh này, không chỉ thông báo “giải cứu”, đích thân lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank đã xuống địa phương để nắm bắt tình hình cốt lõi và giúp đưa ra phương án xử lý.

Ông Quàng Văn Muôn, Đội 5, Yên Cang, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, đàn lợn của gia đình có 42 con, trong đó một lứa lợn có 9 con to nhất, khoảng 1 tạ/con nhưng những tuần qua vẫn nằm im trong chuồng, không xuất được.

“40.000 đồng/kg là giá hòa vốn, dưới mức này tôi phải chịu lỗ, nhưng lái buôn chỉ mua với giá 30.000 đồng/kg. Gia đình đã vay tiền ngân hàng gần 200 triệu đồng để chăn nuôi, giờ sao bán với giá lỗ quá như vậy”, ông Muôn nói.

Không bán được nhưng cũng không thể để đàn lợn chết nên gia đình ông vẫn phải chịu chi phí cho ăn hàng ngày, tuy nhiên, chỉ duy trì 2 bữa, thay vì 3 bữa như trước kia. “Vì bớt 1 bữa, đến giờ ăn, đàn lợn kêu ầm ĩ nhưng cũng không còn cách nào khác”, ông Muôn than thở.

Câu chuyện của ông Muôn cũng giống như rất nhiều hộ chăn nuôi lợn khác trên cả nước. Tìm mọi cách để có thể bán được lợn với giá tốt nhất là điều không tưởng trong thời điểm hiện tại, thay vào đó, những người chăn nuôi chấp nhận chịu lỗ trong chừng mực nào đó.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp HĐQT LienVietPostBank cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, đồng thời chia sẻ với người nông dân trước những khó khăn được Ngân hàng coi là nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, LienVietPostBank kêu gọi cán bộ nhân viên tự nguyện đóng góp 1 ngày lương cơ bản nhằm “Hỗ trợ người dân các vùng bị thiệt hại nặng do giá thịt lợn giảm” với tổng số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng cũng trích 1 tỷ đồng từ Quỹ từ thiện để chung tay mang “Cơm có thịt lợn” cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, Ngân hàng công bố gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt heo đông lạnh... với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là 1 năm. Theo đó, trong hai ngày 25 và 26/5/2017, LienVietPostBank phối hợp cùng UBND tỉnh Điện Biên, Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức Chương trình “Cơm có thịt lợn” trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động tiếp nối kế hoạch giải cứu đàn lợn, hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi được LienVietPostBank triển khai liên tục trong thời gian qua.

Theo khảo sát của LienVietPostBank, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giá bán lợn kỳ vọng có lãi của người nông dân là 45.000 đồng/kg. Do đó, LienVietPostBank đã quyết định thu mua 8.700 kg lợn thịt với mức giá trên và 80 con lợn giống, với tổng chi phí gần 600 triệu đồng.

Trong ngày 25 và 26/5/2017, LienVietPostBank trao tặng 600 kg lợn thịt cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên, 1.000 kg lợn thịt và 50 con lợn giống dành tặng cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Pa Thơm, Thanh Luông, Tây Trang, tiểu đoàn huấn luyện cơ động tỉnh và 7.100 kg lợn thịt và 30 con lợn giống trao tặng cho 498 hộ nghèo tại 8 xã của huyện Điện Biên. Ngoài ra, tại “Lễ hội ẩm thực Tây Bắc”, LienVietPostBank đã tài trợ 100 triệu đồng nhằm góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực các tỉnh vùng Tây Bắc đến với du khách cả nước.

Ông Hưởng chia sẻ: “Chúng ta chưa thể đi tới nhiều điểm để chứng kiến người dân cơ cực vì nuôi heo như thế nào. Tôi cho rằng, việc giải cứu này mới chỉ là cứu được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. LienVietPostBank triển khai trên góc độ: cứu trực diện, qua đó rà soát nhu cầu bảo vệ đàn heo là cần bao nhiêu vốn để cho vay lãi suất thấp. Cốt lõi là sau khi cứu đợt này sẽ không có lần sau nữa”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hưởng việc cho vay không thể phát triển theo kiểu nhỏ lẻ mà cần tập trung vào những trung tâm, doanh nghiệp sản xuất lớn có cam kết thu mua sản phẩm chăn nuôi từ người nông dân, từ đó giải quyết khâu đầu ra. Đây mới là cách giải quyết tận gốc vấn đề.

Hiện tại, ông Muôn đã phần nào vơi bớt nỗi lo khi cán bộ, nhân viên LienVietPostBank về tận nơi mua 9 con lợn trên 1 tạ với giá 45.000/kg. Tuy vậy, vẫn còn đó 33 con lợn trong đàn với tình hình không lấy làm khả quan. Với ông Muôn và nhiều hộ chăn nuôi khác, nỗi lo vẫn còn đó, với mong muốn được Nhà nước, các ngân hàng hỗ trợ phần nào.            

Trước đó, LienVietPostBank đã chính thức tổ chức Chương trình “Cơm có thịt lợn” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tại đây, Ngân hàng đã có các hoạt động thiết thực như: mua lợn từ thiện tận gốc tại các hộ dân chăn nuôi, mang “bữa cơm có thịt lợn” cho các học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh  Kon Tum, Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Kon Tum và bà con dân tộc có hoàn cảnh khó khăn... Dự kiến, sau “Cơm có thịt lợn” tại tỉnh Điện Biên, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Bạc Liêu vào tháng 6/2017.

Tin bài liên quan