ROE bình quân 7 năm gần đây của Công ty Khai thác và chế biến đá An Giang đạt tới 46%

ROE bình quân 7 năm gần đây của Công ty Khai thác và chế biến đá An Giang đạt tới 46%

Bài học kinh nghiệm tốt từ SCIC Chi nhánh phía Nam

(ĐTCK) Tháng 6 này, SCIC Chi nhánh phía Nam tròn 10 năm hoạt động. Đây là mô hình thu nhỏ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với rất nhiều sáng tạo và nỗ lực nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

SCIC Chi nhánh phía Nam được thành lập vào ngày 1/6/2007, chịu trách nhiệm theo dõi phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam từ Đồng Nai đến Cà Mau. Chi nhánh thực hiện hầu hết chức năng hoạt động của Tổng công ty, làm cầu nối cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường vốn phía Nam, khu vực tập trung các hoạt động đầu tư, kinh doanh sôi động nhất cả nước.

Phụ trách một danh mục đầu tư khoảng 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong một thập kỷ qua, Chi nhánh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp như trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy trình, quy chế… Tính đến cuối năm 2016, doanh thu cổ tức lũy kế của Chi nhánh đạt 1.429 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân đạt 13%, doanh thu bán vốn lũy kế đạt 3.213 tỷ đồng với hệ số giá 2,4 lần so với giá vốn.

Chủ động, sáng tạo trong thực hiện vai trò đại diện phần vốn nhà nước chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các hoạt động của SCIC Chi nhánh phía Nam, giúp Chi nhánh đạt được nhiều kết quả tích cực. Câu chuyện tại Công ty TNHH một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang là một ví dụ điển hình.

Nhìn lại thời điểm mười năm trước, Công ty TNHH một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang có năng lực sản xuất, tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh rất hạn chế. Chính tình trạng mất đoàn kết, khiếu kiện nội bộ kéo dài nhiều năm liền đã cản trở hoạt động của Công ty.

Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Khai thác và chế biến đá An Giang, SCIC đã quyết liệt chấn chỉnh lại bộ máy nhân sự của doanh nghiệp. Cùng với Ban lãnh đạo mới, Chi nhánh đã cơ cấu lại bộ máy tổ chức, phương thức điều hành sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ sự tham gia sâu sát của SCIC vào việc nâng cao chất lượng công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp, kết quả kinh doanh của Công ty liên tục tăng trưởng mạnh. Đến cuối năm 2016, Công ty có tổng tài sản tăng 3,19 lần; vốn chủ sở hữu tăng 2,26 lần; doanh thu tăng 5 lần; tổng lợi nhuận trước thuế tăng 16,9 lần so với thời điểm năm 2006.

Giai đoạn từ 2010 đến nay, dù bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực đầu tư xây dựng trong cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm đáng kể, nhưng Công ty vẫn duy trì đà tăng trưởng cao liên tục về cả sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Mức tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2016 của Công ty Khai thác và chế biến đá An Giang là 16%, tăng trưởng lợi nhuận hàng năm là 34%. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (ROE) bình quân giai đoạn này đạt tới 46%.

Trường hợp Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX, cũng là một câu chuyện thành công của SCIC nói chung, SCIC Chi nhánh phía Nam nói riêng.

Tại SGC, Người đại diện vốn SCIC nắm giữ vai trò quan trọng trong Hội đồng quản trị, ban điều hành Công ty. Những nhân sự này có tâm huyết, năng lực và giàu kinh nghiệm, gắn bó với doanh nghiệp và đây chính là động lực cơ bản giúp SGC hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Kể từ khi tiếp quản phần vốn nhà nước tại SGC vào năm 2007, cùng với các cổ đông khác, SCIC đã kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát SGC, phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Thông tư hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng. Tại Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2014 - 2018, SGC đã thực hiện tách chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị chuyên trách, không kiêm Tổng giám đốc; đồng thời bầu bổ sung thành viên độc lập và thành viên không điều hành. Cơ cấu Hội đồng quản trị này được xem là phù hợp theo thông lệ quản trị tiên tiến khi cân bằng giữa số lượng thành viên Hội đồng quản trị điều hành và không điều hành, thành viên độc lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị không điều hành.

 CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang có mức tăng trưởng lợi nhuận 152% kể từ khi chuyển giao phần vốn nhà nước cho SCIC

Bên cạnh việc tham gia sâu vào hoạt động của Hội đồng quản trị (4/7 thành viên), SCIC cũng cử một cán bộ đại diện tham gia vào Ban kiểm soát SGC, giúp cho việc giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban điều hành Công ty hiệu quả hơn.

Ngoài ra, SCIC thường xuyên tư vấn, hỗ trợ Công ty trong việc hoàn thiện các quy chế nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện hoạt động của Công ty và diễn biến tình hình của thị trường. Từ đó, hệ thống quy chế nội bộ đã thực sự trở thành công cụ hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hoạt động của Công ty.

SCIC cũng trực tiếp tham gia vào công tác hoạch định chiến lược kinh doanh của SGC. Cụ thể, SCIC đã hỗ trợ Công ty xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thông qua việc thành lập Tổ tư vấn xây dựng chiến lược, bao gồm các chuyên viên đầu tư của Chi nhánh phối hợp với Ban điều hành của Công ty.

Sau hơn 4 tháng triển khai, Đề án chiến lược kinh doanh của SGC hoàn thành đã được Hội đồng quản trị, Ban điều hành Công ty đánh giá rất cao và đã được Đại hội đồng cổ đông ngày 27/4/2016 thông qua. Theo đó, Đại hội cổ đông giao cho Hội đồng quản trị và Ban điều hành triển khai thực hiện chiến lược mà vai trò nòng cốt là Người đại diện vốn SCIC và các cán bộ SCIC kiêm nhiệm.

Có thể thấy, kể từ khi bàn giao về SCIC đến nay, kết quả kinh doanh của SGC có sự cải thiện rõ rệt. Tất cả các chỉ tiêu về vốn, tài sản, doanh thu, lợi nhuận của Công ty đều tăng trưởng mạnh.

Hiệu quả kinh doanh của SGC khá cao và ổn định, có thể thấy qua hệ số thu nhập ròng trên tài sản (ROA) và ROE bình quân giai đoạn 2007 - 2016 lần lượt là 18,05% và 23,21%/năm. Công ty có khả năng tạo tiền tốt, dòng tiền thu vào phần lớn từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền này đủ lớn để tài trợ cho hoạt động đầu tư và chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Công tác quản lý công nợ phải thu, công nợ phải trả và hàng tồn kho được kiểm soát chặt chẽ và ngày càng có nhiều cải thiện.

Nếu chiến lược kinh doanh 2016 - 2020 được thực thi, theo dự kiến của SCIC, doanh thu, lợi nhuận của SGC trong 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) tăng 100% và cổ tức cho cổ đông từ 30 - 35% vốn điều lệ. Ngoài việc mang lại giá trị cổ tức và giá trị cổ phiếu tăng cao cho cổ đông, thương hiệu Sa Giang sẽ ngày càng mở rộng, thu hút quan tâm càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi hội tụ nhiều năng lực từ chuyên môn ngành cho đến tài chính, sự chuyên nghiệp và tầm nhìn dài hạn… Những thành công của Chi nhánh phía Nam SCIC có thể là kinh nghiệm hữu ích cho việc xây dựng các mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Tin bài liên quan