Agribank: “Đầu tàu” Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Agribank: “Đầu tàu” Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

(ĐTCK) Trải qua gần 30 năm gắn bó, đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đến nay Agribank khẳng định vai trò ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam trên nhiều phương diện.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 do Chính phủ tổ chức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cam kết, Agribank tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, một chương trình mà Agribank gắn bó, đồng hành ngay từ những ngày đầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đi đầu cho vay xây dựng nông thôn mới

Trải qua gần 30 năm gắn bó, đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đến nay Agribank khẳng định vai trò ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam trên nhiều phương diện.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Agribank đạt trên 980.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn trên 911.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng trên 735.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “tam nông”. Đặc biệt, Agribank là ngân hàng duy nhất có số lượng khách hàng vay vốn lên đến con số hàng triệu.

Với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước với hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên hùng hậu hơn 40.000 người, am hiểu, gắn bó địa phương, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới các cấp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở khu vực nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi sinh, môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, phát triển bền vững.

Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011, sau 5 năm triển khai, Agribank đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 8.985 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước. Dư nợ cho vay gần 280.000 tỷ đồng, với trên 2,5 triệu khách hàng, khẳng định vị thế hàng đầu hệ thống tổ chức tín dụng của Agribank trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới, tháng 8/2016, Agribank chủ động ký thỏa thuận với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc hợp tác trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, gồm hỗ trợ vốn tín dụng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuỗi giá trị…

Trên nền tảng hợp tác chặt chẽ từ năm 1997 với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay hệ thống tổ vay vốn của Agribank đã được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ vay vốn đang hoạt động, trên 939.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ tổ vay vốn quản lý 44.400 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 0,2%.

Với mong muốn tăng cường sự phối hợp trong thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới, tháng 9/2016, Agribank ký kết thỏa thuận liên ngành với 2 Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các bên triển khai cơ chế, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55/2015/NĐ-CP) một cách sâu rộng, có hiệu quả, giúp hội viên của các Hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.

Đặc biệt, Agribank chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng, phong phú và luôn đổi mới, cải tiến phù hợp với môi trường, điều kiện cũng như dân trí khu vực nông thôn; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng; tập trung cho vay, đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn tín dụng đầu tư.

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1 - 2%/năm. Kể cả trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ tái cơ cấu vừa qua, mỗi năm, bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, với số tiền gần 1.400 tỷ đồng trong 3 năm từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống.

Nguồn vốn của Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới tập trung vào các lĩnh vực: chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn.

Trong đó, trên 70% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới dành cho đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nông thôn - là lĩnh vực có tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn.

Có thể khẳng định, với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có đóng góp không nhỏ vào sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, giúp người dân tự vươn lên xoá đói, giảm nghèo.

Ghi nhận đóng góp của Agribank, nhiều đơn vị, cá nhân của Ngân hàng được Đảng, Chính phủ tặng Bằng khen, Giấy khen vì đã có thành tích trong Chương trình “Cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Agribank được Đảng, Chính phủ ghi nhận là “Doanh nghiệp có thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới”.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh khẳng định, chương trình tín dụng trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 của Agribank tiếp tục là đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Agribank cam kết chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Kiến nghị giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình

Thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank cho thấy, ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thì ở đó người dân dễ tiếp cận vốn ngân hàng và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, nợ xấu cũng thấp hơn. Với mong muốn thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Agribank kiến nghị:

Thứ nhất, Nhà nước cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực tế tại nhiều địa phương, người nông dân vẫn sản xuất manh mún, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng thấp, giá thành cao, không có thương hiệu và chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ đã làm cho chi phí vốn tăng cao và hoạt động của ngân hàng trở nên quá tải. Mỗi cán bộ tín dụng Agribank hiện phải phục vụ từ 500 - 1.000 hộ nông dân vay vốn, có nơi còn cao hơn.

Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nhằm giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay chính ở thị trường trong nước.

Thứ ba, phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng. Nông nghiệp là lĩnh vực có rủi ro thiên tai bất khả kháng cao, trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, Nhà nước cần hiện diện trong lĩnh vực tái bảo hiểm các khoản vay lớn để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng vật nuôi.

Thứ tư, mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp, nông thôn. Thực tế, tài sản trên đất nông nghiệp (như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá) theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trong khi đó, việc xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro.

Thứ năm, tách bạch giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng cần được hưởng những ưu đãi của chính sách tương tự các đơn vị sản xuất - kinh doanh như: ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, chính sách thuế…