Đầu tư cho nông nghiệp, thực hiện “Tam nông” là ưu tiên hàng đầu của Agribank - Ảnh: Hoài Nam

Đầu tư cho nông nghiệp, thực hiện “Tam nông” là ưu tiên hàng đầu của Agribank - Ảnh: Hoài Nam

Agribank bồi đắp “nền móng” cho tương lai

(ĐTCK) Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn phải song hành với vai trò là ngân hàng đầu tàu cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Khó khăn vẫn bộn bề nhưng một tương lai ổn định, bền vững là điều có thể kỳ vọng bởi những kế hoạch đã được vạch rõ. Đó là những nội dung chính được ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2015. 

Dường như hoạt động của Agribank  “ổn” hơn so với 1 năm trước, Ban Lãnh đạo Ngân hàng đã có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng hoạt động?

Nhà báo dùng từ “ổn” hơn, có nghĩa là mặc dù đã có những tín hiệu lạc quan, nhưng vẫn còn đó những khó khăn phía trước. Đúng là như vậy!

Agribank vừa phải trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn và hiện tại còn tiếp tục đối mặt với những thách thức rất lớn. Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, Agribank vẫn khẳng định là ngân hàng thương mại có tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ và quy mô hoạt động lớn nhất tại Việt Nam, làm tốt vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển “Tam nông” nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Mặc dù chính mình đang gặp khó khăn nhưng Agribank vẫn dành gần 5 nghìn tỷ đồng để miễn giảm lãi chia sẻ khó khăn với khách hàng và thực hiện an sinh xã hội. Agribank được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng tín nhiệm với tương lai phát triển ổn định…

Kết thúc năm 2014, Agirbank đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng như tổng tài sản Có đạt 762.869 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014. Đến thời điểm 31/3/2015, tổng nguồn vốn đạt 711.682 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 591.608 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn duy trì mức độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 74,6%/tổng dư nợ.

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ này trong khi còn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức, tác động từ khách quan cũng như nội tại, Agribank không còn cách nào khác phải cùng nhau đoàn kết, chung sức, đồng lòng để vượt qua khó khăn, thực hiện bằng được định hướng xây dựng một Agribank đoàn kết, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.

Cùng với việc kiện toàn, bổ sung nhân sự lãnh đạo cấp cao, Agribank cũng có sự đổi mới tư duy và phương pháp quản trị điều hành, định hướng kinh doanh. Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy trụ sở chính, địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.  HCM.  Mở rộng mạng lưới về khu vực nông thôn; ưu tiên hàng đầu cho việc cải tiến quy trình, quy chế nghiệp vụ trong tất cả các lĩnh vực từ huy  động vốn đến cấp tín dụng  và phát  triển các sản phẩm dịch vụ...

Agibank đã đặt ra yêu cầu vừa phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng vừa đảm bảo tuân thủ nguyên tắc “ba tay” để giảm thiểu tối đa rủi ro về đạo đức cũng như nghề nghiệp, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đảm bảo các tỷ lệ an toàn…

Toàn hệ thống Agribank đang quyết tâm thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu của Chính phủ, NHNN đối với Agribank. Từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên Agribank thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những tồn tại để đối diện, không né tránh, không ngừng nâng cao trình độ, đổi mới tư duy, ý thức trách nhiệm, thái độ đến tác phong đối với công việc. Đồng thời, chủ động và tích cực hơn trong khắc phục hậu quả và đấu tranh với tiêu cực trong chính nội bộ Agribank.

 Ông Trịnh Ngọc Khánh

Với những gì đã thực hiện 1 năm qua và trong Đề án tái cấu trúc ngân hàng, ông tâm đắc tới giải pháp nào nhất?

Ngày 15/11/2013, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015. Nhiệm vụ chính đặt ra đối với Agribank khi thực hiện Đề án này đó là: Thứ nhất, tập trung đầu tư cho “Tam nông”, bởi với tên gọi cũng như nhiệm vụ mà Agribank được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và NHNN giao phó đó là “mặt trận” nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Theo đó, mục tiêu đến 2015, cho vay lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tỷ lệ khoảng 80% dư nợ (riêng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân chiếm tỷ lệ tối thiểu 70%).

Thứ hai, tập trung xử lý nợ xấu, giảm về mức tiêu chuẩn, tăng vốn tự có đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động.

Thứ ba, thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp lại lao động, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tiện ích để tăng thu ngoài tín dụng, hướng tới hội nhập.

Mặc dù Đề án tái cơ cấu Agribank được Thống đốc phê chuẩn ngày 15/11/2013, nhưng trên thực tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, từ trước đó Agribank đã được NHNN cùng đồng hành với tinh thần vừa triển khai, vừa hoàn thiện các nội dung tái cơ cấu. Trong bối cảnh sức ép cạnh tranh gay gắt, song Agribank vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ của NHTM Nhà nước, đi đầu trong thực hiện tín dụng chính sách, an sinh xã hội…

Để đạt được những kết quả nêu trên, Agribank đã thay đổi toàn bộ hệ thống cơ chế chính sách về tín dụng. Hàng loạt văn bản về quy trình, quy chế được ban hành mới và triển khai tập huấn đến tận cán bộ cơ sở, đồng thời triển khai hoàn thiện cơ chế quản trị nội bộ để khuyến khích tăng năng suất lao động, đổi mới phong cách phục vụ…

Tất cả đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng, những người đã đặt niềm tin và cùng đồng hành với Agribank trong suốt chặng đường 27 năm qua. Nhiều giải pháp đã được áp dụng và triển khai quyết liệt, nhưng tôi cho rằng, trong giai đoạn quan trọng này, yếu tố con người và sự đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương giữ vai trò quyết định.

Trên thực tế, hệ thống của Agribank quá lớn, có thể nói là lớn nhất trong hệ thống các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Để “đẩy” hệ thống này vận chuyển theo quỹ tích khác là điều không đơn giản. Ông thấy còn vấn đề gì phải làm cho tương lai Agribank?

Với vai trò đầu tàu, câu hỏi này là trăn trở không chỉ của riêng tôi, mà của cả tập thể Ban lãnh đạo Agribank.

Agribank là NHTM duy nhất Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, với 40.000 cán bộ, nhân viên, mạng lưới hoạt động trải dài khắp cả nước, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền, trình độ khác nhau… do đó để vận hành và lái “đoàn tàu” vừa làm nhiệm vụ chính trị vừa hoạt động kinh doanh cạnh tranh như các NHTM khác là một việc vô cùng khó, còn rất rất nhiều việc phải làm. Thế giới luôn vận động và phát triển thì ngân hàng chúng tôi cũng vậy, đòi hỏi phải luôn đổi mới và phấn đấu vươn lên.

Theo tôi thì khó có thể nói “còn vấn đề gì phải làm” mà chỉ có thể nói được việc gì phải làm trước việc gì làm sau, việc gì mình tự làm được, việc gì cần sự giúp đỡ của người khác mới thành công.

Theo đó, việc đầu tiên là lấy lại uy tín và thương hiệu truyền thống của Agribank để nâng cao năng lực cạnh tranh kể cả trong nước và quốc tế, thành công trong hội nhập.

Để làm được việc này, nhiều nội dung cần triển khai. Có những nội dung nếu chỉ cần quyết tâm và sức mạnh nội tại thì chúng tôi sẽ nỗ lực và tin rằng có thể làm được, dù không được ngay nhưng cùng với thời gian chắc chắn sẽ hoàn thành.

Cũng có việc chúng tôi cần sự hỗ trợ giúp đỡ nhiều hơn nữa của cộng đồng như:  các bạn hàng, cơ quan truyền thông, cơ quan bảo vệ pháp luật... và điều chúng tôi ước muốn có càng sớm càng tốt để vừa mở rộng cho vay nông nghiệp, nông dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách “tam nông” của Đảng và nhà nước  mà không vi phạm các chỉ tiêu an toàn hệ thống của NHNN đó là tăng vốn điều lệ. Nguyện vọng này chắc phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của Chính phủ và Quốc hội.

Đi vào chi tiết hoạt động, Agribank vẫn đặt thị trường chủ yếu vào khu vực nông nghiệp, nhưng thời gian gần đây, Agribank đang quan tâm lớn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, điều gì khiến Agribank tài trợ cho các dự án này?

Trước hết phải khẳng định rằng “nông nghiệp công nghệ cao” là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ. Có thể nói, muốn phát triển nông sản hàng hóa, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” và cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp nước ngoài, mở rộng xuất khẩu thì phát triển đầu tư cho “nông nghiệp công nghệ cao” là một trong những yêu cầu bắt buộc. Đây cũng chính là “lối thoát” cho tín dụng tam nông hiện nay và cả trong tương lai.

NHNN đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, những mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Trên thực tế, Agribank đã triển khai hình thức cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân.

Đây là hình thức mới trong sản xuất nông nghiệp được Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới…

Agribank ra đời, gắn bó, trưởng thành cùng “Tam nông” thì không có lý do gì lại đứng ngoài cuộc, trong khi các mô hình mới này đang rất cần được khuyến khích nhân rộng.

Tuy nhiên, để triển khai thành công trong tương lai, Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN cùng các bộ, ngành  phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai cụ thể. Đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân…

Qua quá trình phục vụ nông nghiệp, ông thấy đâu là tiềm năng của ngành này và Agribank nên có sự thay đổi gì trong cách tiếp cận vay và cho vay?

Hiện nay, ngày càng có nhiều TCTD, tập đoàn dành sự quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó để thấy ngành này còn rất nhiều tiềm năng. Và đồng thời cũng cho thấy hiện nay và trong tương lai, sẽ có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Agribank mặc dù đã khẳng định được Thương hiệu mạnh trên thị trường tài chính tín dụng nông thôn, nhưng nếu không có sự thay đổi, cải tiến trong cách làm thì cũng sẽ tụt hậu và thậm chí phải nhường “sân chơi”.

Vì thế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Agribank đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp…

Đồng thời, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất; kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; cho vay cầm cố giấy tờ có giá/thẻ tiết kiệm…

Trong đề án tái cơ cấu, chúng tôi cũng đang đề xuất Thống đốc NHNN cho triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn với chi phí thấp hơn.

Về câu chuyện mở rộng hoạt động ra nước ngoài, ông có thể chia sẻ thêm điều gì?

Agribank là định chế tài chính uy tín, có quan hệ với trên 1.000 ngân hàng đại lý tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Là ngân hàng tiên phong, giữ vị trí chủ đạo hoạt động thanh toán biên mậu với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Năm 2005, Agribank đã mở Văn phòng đại diện tại Thủ đô Phnômpênh và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác Campuchia. Ngày 28/6/2010, Agribank khai trương Chi nhánh Agribank tại quốc gia này.

Hiện tại, Agribank đang xúc tiến triển khai sự hiện diện tại CHDCND Lào, với mong muốn tiếp tục thiết lập “cầu nối” thị trường tài chính - ngân hàng giữa Việt Nam với các nước láng giềng và tạo tiền đề để Agribank mở rộng mạng lưới vươn ra khu vực và thế giới, hội nhập thành công kinh tế quốc tế.

Tin bài liên quan