Ông Trịnh Thanh Cần

Ông Trịnh Thanh Cần

ACBS: Niềm tin của khách hàng là tài sản quý giá nhất

(ĐTCK) Mức độ cạnh tranh trên TTCK Việt Nam hiện nay rất khốc liệt. Trong hơn 80 CTCK đang hoạt động, chỉ các công ty nằm trong Top 10 dẫn đầu thị trường là có doanh thu và lợi nhuận đáng kể. Vì thế, làm thế nào để liên tục đổi mới, mang lại dịch vụ khách hàng vượt trội là bài toán hóc búa đối với bất kỳ CTCK nào. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thanh Cần - tân Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) xung quanh vấn đề này.

Đầu tiên, chúc mừng ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc ACBS. Năm qua, kết quả kinh doanh của Công ty như thế nào?

Năm 2014 có thể xem là bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới của ACBS, Công ty đã gặt hái được những kết quả kinh doanh khả quan khi đứng vị trí thứ 6 trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất. Lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng trưởng 146% so với năm trước đó và chúng tôi cũng đã hoàn thành cơ bản quá trình tái cơ cấu. 

Ông có hài lòng với kết quả này?

Thật ra, nếu so sánh với tiềm năng vốn có của ACBS thì vị thế hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Chúng tôi mong muốn đi nhanh hơn. Chúng tôi kỳ vọng sẽ lọt vào Top 3 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất vào năm tới. 

Liệu mục tiêu này có quá tham vọng, đặc biệt 4 CTCK dẫn đầu đều là những tên tuổi lớn và tỏ ra rất vững mạnh trên thị trường trong các năm qua?

Tôi cho đây là mục tiêu khả khi. ACBS là một công ty có đầy đủ những yếu tố để thành công trên TTCK như thương hiệu mạnh, mạng lưới khách hàng rộng lớn, hệ thống phân phối hiệu quả. Kết quả kinh doanh trong các năm qua chưa phản ánh được hết tiềm năng của Công ty.

ACBS có cơ sở dữ liệu về khách hàng rất quy mô và tiềm năng mà có thể nói chỉ có một số ít CTCK hàng đầu trên thị trường so sánh được. Sức mạnh tài chính cũng là lợi thế lớn của chúng tôi vì nhận được sự hậu thuẫn lớn từ công ty mẹ - Ngân hàng ACB. Vốn điều lệ của ACBS hiện lên tới 1.500 tỷ đồng. 

Trong chiến lược mới, ACBS sẽ mang lại những gì cho khách hàng, khác biệt so với các đối thủ?

Chúng tôi đã lên kế hoạch cải tổ toàn diện từ các mảng kinh doanh như môi giới khách hàng cá nhân, môi giới khách hàng tổ chức, tư vấn tài chính doanh nghiệp đến mảng vận hành và cả quản lý nguồn vốn, đưa toàn bộ hệ thống vận hành ở mức tối ưu.

Trước hết, tôi đang tập trung cải tổ mảng kinh doanh chủ lực của Công ty là môi giới khách hàng cá nhân. Chúng tôi chuẩn bị đưa ra một số chính sách mới quan trọng để đẩy mạnh hoạt động này. Đối với khách hàng, chúng tôi xây dựng chính sách cho vay ký quỹ mới thông thoáng và ổn định, đồng thời chú trọng yếu tố an toàn để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Đối với đội ngũ môi giới, ngoài việc điều chỉnh chính sách hoa hồng phù hợp và tạo động lực kinh doanh, chúng tôi xây dựng cơ chế quản lý mới có định hướng rõ ràng và huấn luyện đội ngũ hoạt động một cách khoa học hơn, phục vụ từng nhóm đối tượng khách hàng theo đúng nhu cầu, đảm bảo sự hài lòng và gắn bó của khách hàng.

Ngoài ra, chúng tôi chú trọng việc phối hợp các nguồn lực nội bộ trong Công ty và với cơ quan chức năng để phát triển các sản phẩm đầu tư mới cung cấp cho khách hàng. Chúng tôi dự báo, thị trường sẽ chào đón các sản phẩm giao dịch mới trong thời gian sắp tới và ACBS cam kết sẽ là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.

Mảng môi giới khách hàng tổ chức lâu nay chưa được tập trung đầu tư đúng mức do thị trường chưa thật sự hấp dẫn. Chúng tôi tin rằng, khi thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2016, thị trường cho mảng môi giới khách hàng tổ chức sẽ phát triển vượt bậc. Để đón đầu xu thế này, chúng tôi đang tập trung xây dựng đội ngũ phân tích và đội ngũ môi giới chất lượng cao với chính sách đãi ngộ xứng đáng và tạo động lực cống hiến.

Một mảng kinh doanh tiềm năng khác là tư vấn doanh nghiệp. ACBS sẽ phối hợp chặt chẽ với ngân hàng mẹ ACB để tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như tư vấn các thương vụ IPO và M&A cho doanh nghiệp tư nhân tiềm năng. 

ACBS có chú trọng đến khía cạnh rủi ro cho khách hàng?

Chúng tôi biết mọi khách hàng đều mong muốn tài sản của mình an toàn, vì thế chúng tôi đã đầu tư mạnh vào hệ thống quản trị rủi ro, bên cạnh học hỏi những kinh nghiệm từ hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp của ngân hàng mẹ. ACBS mới đây cũng đầu tư nâng cao hệ thống core chứng khoán. Hệ thống của ACBS quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của Công ty, mang lại sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Niềm tin của khách hàng đó chính là tài sản quý giá nhất đối với ACBS. 

Để hấp dẫn hơn khách hàng, Công ty có triển khai các sản phẩm đầu tư tài chính mới?

ACBS đang nghiên cứu và dự định sẽ đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới nhằm mang lại giá trị cộng thêm cho khách hàng cá nhân, góp phần khẳng định tên tuổi Công ty. Những sản phẩm đầu tư này sẽ được bán trong hệ thống phân phối khách hàng thương gia của ACB, đến những quyền lợi đặc biệt cho khách hàng VIP của Công ty. 

Có vẻ chương trình hành động trên rất hoành tráng, liệu ông có tự tin mình sẽ thành công?

Trong quá trình 15 năm hoạt động trên thị trường tài chính - chứng khoán Việt Nam, tôi đã có sự may mắn đặc biệt được làm việc sát cánh và học hỏi rất nhiều từ những bậc đàn anh tài giỏi trong ngành. Tôi khởi đầu sự nghiệp tại Việt Nam với VinaCapital vào năm 2003 khi Công ty mới ra đời. Nhờ vậy, tôi có dịp gần gũi và học hỏi rất nhiều từ anh Don Lam, đặc biệt ở sự khéo léo trong quan hệ, nhạy bén và quyết đoán trong kinh doanh.

Sau đó, tôi bén duyên với Ngân hàng HSBC và làm việc trong bộ phận của anh Johan Nyvene, cũng là sếp trực tiếp của tôi tại CTCK TP. HCM (HSC) trong giai đoạn 2011 - 2015. Với anh, tôi học hỏi được sự chuyên nghiệp và tính kỷ luật, quyết tâm cao độ. Trước khi về HSC, tôi làm việc 5 năm tại CTCK Bản Việt, làm trợ lý cho anh Tô Hải và phụ trách mảng phân tích của Công ty. Tại đây, tôi được tham gia gần như tất cả các mảng hoạt động của CTCK, được học hỏi kinh nghiệm thực tế từ một người thầy đầy bản lĩnh và thông minh.

Quá trình đào tạo và trải nghiệm trên đã cho tôi sự tự tin và thoải mái khi quản lý một CTCK, đặc biệt là một công ty có nhiều tiềm năng như ACBS. Tôi hy vọng sẽ điều chỉnh cỗ máy ACBS vận hành một cách hiệu quả và tăng tốc vươn lên trong thời gian tới.

Thành công nào ông cảm thấy tự hào nhất trong quá trình làm việc của mình?

Tôi cảm thấy hài lòng với nhiều việc đã làm, đặc biệt trong giai đoạn công tác ở CTCK Bản Việt và HSC, khi tôi được giao trọng trách quản lý và chủ động trong công việc. Tuy nhiên, việc khiến tôi hài lòng gần đây nhất phải nói đến là đầu năm ngoái, tôi hoàn thành được giao dịch huy động vốn 21 triệu USD cho Tập đoàn Nam Long khi đang làm Giám đốc điều hành Khối Tư vấn tài chính tại HSC.

Tôi hài lòng với giao dịch này vì sự thành công ngoài mong đợi của nó. Trước đó, Nam Long đã làm việc với một CTCK nước ngoài 1 năm và một CTCK trong nước khác gần 2 năm, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Khi có cơ hội tiếp nhận hợp đồng tư vấn này, tôi đã làm việc chặt chẽ với Tổng giám đốc của Nam Long, phân tích thấu đáo về thực tế tình hình thị trường và chọn chiến lược tiếp cận, thương lượng hiệu quả. Sau 6 tháng làm việc căng thẳng, chúng tôi đã hoàn tất được giao dịch huy động vốn với sự tham gia góp vốn của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như IFC, Bridger, Probus.

ACBS: Niềm tin của khách hàng là tài sản quý giá nhất ảnh 2

Ông có nhận định gì về tiềm năng của TTCK Việt Nam trong các năm tới?

TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ so với các thị trường khác nên tiềm năng tăng trưởng rất lớn nếu các yếu tố nền tảng cơ bản cho thị trường được cải thiện như thông tin minh bạch, môi trường vĩ mô.

Tôi tin rằng, những năm kế tiếp, thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn từ tăng trưởng kinh tế khả quan hơn, cũng như các hiệp định thương mại được triển khai như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, chính sách mở “room” cho khối ngoại.

Tin bài liên quan