10 năm VSD: Vững nền tảng, sáng tương lai

(ĐTCK) Là tổ chức hạ tầng sau giao dịch duy nhất tại Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) gắn liền với chặng đường 10 năm đầy ắp thăng trầm và phát triển không ngừng trên TTCK. Được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập (3/10/2016), Tổng giám đốc VSD Dương Văn Thanh chia sẻ, phần thưởng này là niềm hạnh phúc lớn lao của VSD sau những nỗ lực không ngừng, quyết tâm xây dựng và gìn giữ niềm tin thị trường.

 Tổng giám đốc VSD Dương Văn Thanh

10 năm hoạt động của VSD cũng là chặng đường nền kinh tế Việt Nam trải qua rất nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có một diện mạo khác hẳn sau 10 năm. VSD thì sao, thưa ông?

Những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, tiếng nói và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít rủi ro và thách thức, đặc biệt là từ những tác động đa chiều do các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, biến động giá dầu, các xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế và chu kỳ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đem lại. Trong bối cảnh đó, TTCK Việt Nam dù non trẻ, nhưng đã vững vàng phát triển và đang là điểm sáng trong thu hút dòng vốn gián tiếp, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, với mức vốn hóa thị trường năm 2015 tương đương 34% GDP.

Là tổ chức hạ tầng sau giao dịch duy nhất, VSD đã trải qua chặng đường 10 năm gắn liền với những thăng trầm và phát triển không ngừng trên TTCK Việt Nam. Nếu những năm đầu thành lập, Trung tâm chỉ cung cấp dịch vụ cho các cổ phiếu niêm yết trên Trung tâm GDCK Hà Nội và TP. HCM, thì đến nay, VSD đã mở rộng và thực hiện cung cấp các dịch vụ sau giao dịch cho các thị trường bao gồm: thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt, thị trường tín phiếu kho bạc, thị trường UPCoM, kết nối với Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển khoản trái phiếu chính phủ để phục vụ giao dịch cho thị trưởng mở (OMO), triển khai dịch vụ chuyển quyền sở hữu cho chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết…

Không dừng lại ở phạm vi cung cấp các dịch vụ truyền thống, VSD đã và đang phát triển các dịch vụ gia tăng và các dịch vụ mới như dịch vụ vay, cho vay chứng khoán, đại lý chuyển nhượng quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục ETF, dịch vụ quản lý tài sản thế chấp, cấp mã số giao dịch trực tuyến, bỏ phiếu điện tử và tới đây là dịch vụ bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP. 

Âm thầm đứng sau thị trường thực hiện chức năng đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ cho các giao dịch, xin ông chia sẻ thêm về những nỗ lực VSD đã và đang thực hiện, nhằm tăng tính hiệu quả trên TTCK Việt Nam?

Để triển khai khối lượng công việc ngày càng tăng theo quy mô thị trường, đồng thời tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK, trong thời gian vừa qua, VSD đã không ngừng đổi mới, cải tiến các hoạt động nghiệp vụ, bao gồm:

(i) Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, đáp ứng yêu cầu xử lý đăng ký cho các công ty đại chúng với số lượng ngày càng tăng, bên cạnh việc triển khai cung cấp dịch vụ lưu ký đồng thời với đăng ký, nhằm giảm chi phí cho tổ chức phát hành và các bên liên quan;

(ii) Chuyển đổi mô hình quản lý tài khoản lưu ký từ 2 cấp sang mô hình quản lý tài khoản kết hợp, cho phép VSD không chỉ quản lý tài khoản tổng của thành viên, mà còn thực hiện quản lý thông tin chi tiết đến từng nhà đầu tư;

(iii) Cải tiến quy trình thực hiện đăng ký trái phiếu chính phủ sau ngày tổ chức đấu thầu từ 4 ngày làm việc xuống còn 1 ngày làm việc;

(iv) Rút ngắn thời gian, quy trình thanh toán từ chiều T+3 rút xuống sáng T+3 và từ 1/1/2006 rút xuống T+2, ngang bằng với một số ít các thị trường phát triển;

(v) Đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm giúp rút ngắn thời gian đăng ký từ 10 ngày với tổ chức và 5 ngày với cá nhân, xuống còn 5 ngày với tổ chức, 3 ngày với cá nhân và từ 1/1/2016 xuống chỉ còn 1 ngày. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. 

Bên cạnh sức mạnh nội lực VSD, xin ông chia sẻ về hoạt động quan hệ quốc tế mà VSD đã thiết lập để học hỏi, tiến đến bước nâng hạng và hội nhập của TTCK Việt Nam, thưa ông?

Về quan hệ quốc tế, ngay sau khi đi vào hoạt động tháng 5/2006, VSD đã chủ động nghiên cứu và có các bước đi cần thiết để dần hội nhập với khu vực và thế giới. Hiện VSD là thành viên của một số hiệp hội, tổ chức chuyên ngành mang tầm khu vực và quốc tế như: thành viên của Hiệp hội Các tổ chức Lưu ký và bù trừ chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ACG), Hiệp hội Các cơ quan cấp mã quốc gia (ANNA), Diễn đàn ABMF, tham dự các cuộc họp của Nhóm công tác hạ tầng thị trường vốn ASEAN (ACMI).

Trong hợp tác song phương, chúng tôi đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức lưu ký tại các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hiệp hội Tài chính Viễn thông toàn cầu (SWIFT).

Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, VSD đã học hỏi được các kinh nghiệm, chuẩn mực và thông lệ tốt của quốc tế  trong lĩnh vực sau giao dịch để cập nhật, từ đó nghiên cứu, áp dụng cho TTCK Việt Nam, góp phần vào mục tiêu nâng hạng thị trường. 

Một trong những yếu tố cốt lõi, quyết định sức cạnh tranh của các thị trường vốn là hệ thống công nghệ thông tin. Tại VSD, 10 năm qua, công tác này được tổ chức như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi luôn xác định công nghệ thông tin là “xương sống” trong quá trình phát triển và cung cấp các dịch vụ sau giao dịch. Chính vì vậy, VSD đã chủ động đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới và đưa vào sử dụng năm 2010. Hệ thống mới cho phép theo dõi thông tin sở hữu chứng khoán đến từng nhà đầu tư, thay vì quản lý ở cấp tài khoản tổng của các khách hàng như trước đây, đồng thời cho phép kết nối với thành viên qua cổng giao tiếp điện tử (nay là cổng giao tiếp trực tuyến). Việc quản lý thông tin chi tiết đến từng nhà đầu đã giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và hoạch định chính sách.

Bên cạnh đó, VSD cũng đã áp dụng chữ ký số nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống; thực hiện nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ cho quỹ đầu tư, bổ sung các chức năng hệ thống liên quan đến hoạt động vay, cho vay chứng khoán; đưa vào ứng dụng thành công bộ điện chuẩn ISO15022 trên cổng giao tiếp trực tuyến nhằm giảm bớt các khâu xử lý thủ công, giảm thiểu rủi ro, đẩy nhanh quá trình điện tử hóa các hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm.

Hiện nay, VSD đang tập trung mọi nguồn lực, phối hợp với các đối tác để hoàn thành dự án đầu tư xây dựng hệ thống bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh và Đề án chuyển chức năng thanh toán giao dịch trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước để kịp vận hành vào quý I/2017. Đây là các dự án quan trọng, chắc chắn khi triển khai sẽ đem lại hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển của thị trường.

Trong thời gian tới, VSD sẽ nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu chính và dự phòng thảm họa theo đúng thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn và liên tục trong hoạt động của một tổ chức hạ tầng sau giao dịch trên TTCK.

Nếu 10 năm đầu là chặng đường tạo dựng nền tảng thì 10 năm tiếp theo, VSD định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?

10 năm qua, những thành tựu VSD đạt được luôn có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự phối hợp ủng hộ của các đơn vị liên quan, sự tin tưởng của các thành viên thị trường và công chúng đầu tư đã dành cho VSD.  Kế thừa nền tảng 10 năm tạo dựng, chúng tôi xác định sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng VSD ngày càng vững mạnh, hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao sức cạnh tranh của TTCK Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, VSD sẽ tập trung vào 5 định hướng chính. Thứ nhất, nâng cao chất lượng quản trị, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của VSD đối với công chúng. Thứ hai, tái cấu trúc hệ thống thanh toán thông qua việc thiết lập đầy đủ các cơ chế thanh toán phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam và thông lệ chung của quốc tế. Thứ ba, bên cạnh các dịch vụ truyền thống, phát triển các dịch vụ tiện ích theo nhu cầu của thị trường. Thứ tư, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy mục tiêu thành lập thị trường trái phiếu chung khu vực ASEAN+3 và tham gia liên kết khu vực ASEAN (ASEAN Link). Thứ năm, tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ của VSD.

Tôi tin rằng, nền tảng vững vàng sẽ giúp VSD vững bước trên con đường tương lai, góp sức xây dựng TTCK Việt Nam lành mạnh, hiệu quả.

 “Lưu giá trị, gửi niềm tin, nâng vị thế” TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD

10 năm VSD: Vững nền tảng, sáng tương lai ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trao Quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (UBCKNN) giữ chức Chủ tịch HĐQT VSD kể từ ngày 1/9/2016 

Năm 2016 đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động của VSD, đồng thời cũng là năm mở ra chương mới trong lịch sử phát triển của VSD. Đây là chặng đường dựng xây những nền tảng hạ tầng cơ bản, những giá trị cốt lõi, tạo đà để VSD ngày càng lớn mạnh. Trên chặng đường ấy, chúng tôi luôn tự hào đã và đang không ngừng nỗ lực để cung cấp một cách hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch; đảm bảo cho hệ thống thanh toán chứng khoán quốc gia vận hành an toàn, bảo mật, giúp TTCK hoạt động thông suốt, hiệu quả, khẳng định vai trò không thể thiếu của VSD trên TTCK.

Trong giai đoạn tới, với nền tảng và các giá trị cốt lõi được hình thành suốt 10 năm hoạt động, chúng tôi cam kết luôn cố gắng, nỗ lực đồng hành cùng thị trường, đảm trách tốt hơn nữa vai trò là tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ  sau giao dịch, sẵn sàng đáp ứng cho giai đoạn chuyển biến mạnh về cả về lượng và chất của thị trường, để TTCK Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò là một kênh dẫn vốn, là cầu nối thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

VSD sẽ bước tiếp trên con đường tương lai bằng thông điệp: “Lưu giá trị, gửi niềm tin, nâng vị thế”.

Tin bài liên quan