Ðể Nhà nước “được” bán vốn giá tốt hơn

Ðể Nhà nước “được” bán vốn giá tốt hơn

(ĐTCK)  Qua thực tiễn tư vấn thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang niêm yết theo quy định tại Nghị định 91/2015/NÐ-CP, phản ánh từ phía công ty chứng khoán cho thấy, đang bộc lộ bất cập.

Cụ thể, liên quan đến cơ chế chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, Nghị định 91/2015 quy định: đối với công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM, việc chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán. 

Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

Quy định trên đã và đang gây khó cho hoạt động thoái vốn, đồng thời đánh mất cơ hội thoái vốn được giá cao cho cổ đông nhà nước.

Lý do là bởi ngay cả khi có cơ hội bán vốn giá cao (vượt ngoài biên độ giao dịch của cổ phiếu trên sàn), cổ đông nhà nước vẫn không thể thực hiện được do vướng quy định tại Nghị định 91/2015.

Như chia sẻ của một số công ty chứng khoán, quá trình tư vấn từng chứng kiến có những cổ phiếu giá “treo” trên sàn chỉ 2.000 - 3.000 đồng/cổ phiếu, nhưng có nhà đầu tư sẵn sàng mua với giá 10.000 đồng/cổ phiếu với số lượng lớn để đỡ phải mất thời gian mua gom, nhưng quy định hiện hành không cho phép họ mua như vậy.

Thực tế, trước khi có quy định tại Nghị định 91/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từng chấp thuận cho phép bên bán vốn được phép giao dịch thỏa thuận ngoài biên độ giá với bên mua, cách này mang lại lợi ích tốt hơn cho Nhà nước.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 91/2015 có hiệu lực (ngày 1/12/2015), UBCK không chấp nhận cho các đơn vị bán vốn thoái theo phương thức này, mà phải triển khai thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận và giá phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

Thực tế trên cho thấy, nếu không sớm tháo gỡ bất cập hiện tại, thì không chỉ gây vướng mắc, mà còn gây thiệt thòi cho Nhà nước khi thoái vốn ở các công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, hoặc nắm giữ nhưng không chi phối.

Mang câu chuyện bất cập từ thị trường phản ánh đến lãnh đạo Bộ Tài chính thì được biết, sở dĩ Nghị định 91/2015 định ra hai phương thức thoái vốn là khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận trong biên độ là nhằm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong thoái vốn.

Ông cũng thừa nhận, thực tiễn áp dụng cơ chế này đang bộc lộ bất cập, trong đó có thể xuất hiện tình huống Nhà nước không thu được lợi ích tối ưu khi nhà đầu tư muốn mua lớn và sẵn sàng trả giá cao, vượt biên độ.

Quy định hiện hành tuy đạt được mục tiêu là công khai, minh bạch, chống “đi đêm” và chống lợi ích nhóm khi thoái vốn, nhưng lại không đạt mục tiêu khác không kém phần quan trọng là phải mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, cho dân.

Ðể khắc phục bất cập trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đang cân nhắc phương án đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định tại Nghị định 91/2015 theo hướng cho phép đấu giá rộng rãi để chọn nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao nhất.

Phương thức này vẫn đáp ứng yêu cầu minh bạch trong thoái vốn, nhưng mang lại lợi ích tốt hơn cho các bên.

"Cởi trói" những ràng buộc pháp lý để dòng tiền chảy theo quy luật thị trường là cách tốt nhất để thực thi sự minh bạch và hiệu quả trong bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tin bài liên quan