Ðầu năm, ngắm tiền “nhàn rỗi” mà... thèm

Ðầu năm, ngắm tiền “nhàn rỗi” mà... thèm

(ĐTCK) 2,57 triệu tỷ đồng là lượng tiền mặt mà người dân, các doanh nghiệp gửi tại 8 ngân hàng niêm yết gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, ACB, MBBank, Eximbank, VIB, NCB - theo thống kê của Zing.vn tính tại thời điểm cuối năm 2016.

Số tiền này lớn đến mức gấp 1,5 lần giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam, hay nói cách khác, lượng tiền nhàn rỗi gửi ở 8 ngân hàng đủ sức “mua đứt” 1,5 lần toàn bộ số DN có mặt trên TTCK Việt Nam với thời giá hiện tại.

Với quy mô TTCK Việt Nam đang tăng rất nhanh theo hiệu lệnh đốc thúc cổ phần hóa và lên sàn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tương quan về lượng tiền nhàn rỗi với quy mô vốn hóa TTCK chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh từng tháng, thậm chí có thể đảo nghịch hiện trạng 1,5 - 1 sau 1 năm nữa. Tuy nhiên, quy mô TTCK càng lớn, thị trường càng cần có nhiều giải pháp tăng sức hút dòng tiền để duy trì thanh khoản, từ đó, mới có thể tạo nên giá trị cho các chủ thể tham gia.

Tại nhiều TTCK phát triển, nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư chiếm vị trí chủ đạo trên thị trường, nhưng tại Việt Nam, chủ thể này vẫn ở một vị trí rất khiêm tốn.

Chia sẻ dịp đầu Xuân Ðinh Dậu, ông Phạm Văn Hoàng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, cuối năm 2016, Việt Nam có 30 quỹ đầu tư chứng khoán (1 quỹ đóng, 8 quỹ thành viên, 18 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 1 quỹ bất động sản), với tổng giá trị tài sản quản lý khoảng 7.300 tỷ đồng.

Con số 7.300 tỷ đồng ngành quỹ quản lý này chưa tính đến số tiền nhận ủy thác đầu tư (hàng trăm tỷ đồng), nhưng dù vậy, số tiền “trong tay” ngành quỹ vẫn còn quá nhỏ nếu so với trên 2,5 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi nằm tại 8 ngân hàng niêm yết hiện nay.

Ở góc độ ngành chứng khoán, ông Phạm Văn Hoàng cho biết, Việt Nam đã có hầu hết các loại quỹ đầu tư theo thông lệ quốc tế và vì thế năm 2017, nhà quản lý sẽ tập trung nâng cao chất lượng và đạo đức người hành nghề, phổ cập rộng rãi đến người dân và tạo những điều kiện dễ dàng cho việc góp vốn vào quỹ.

Trên bình diện chung, bối cảnh TTCK đang có nhiều thuận lợi cho ngành công nghiệp quản lý quỹ, khi TTCK có nhiều hàng hóa mới và bản thân các quỹ do có cơ hội chọn lựa tốt hơn, đã chứng tỏ được hiệu quả sinh lợi cao trong năm 2016. Câu hỏi lớn nhất là làm cách nào để dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh hơn vào kênh đầu tư này.

Ở tầm vĩ mô, hiện tại, người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng không phải chịu thuế thu nhập, trong khi góp vốn vào quỹ thì lợi tức nhận được sẽ phải chịu thuế. Bất cập này đã được các công ty quản lý nói đến nhiều lần, nhưng Nhà nước chưa có hướng xử lý và đây được cho là nguyên nhân căn bản khiến tiền từ dân chúng không chọn quỹ mà đầu tư.

Công ty quản lý quỹ mỏi mòn mong chính sách thay đổi, nhưng nếu chính sách không thay đổi thì “kho tiền” cả triệu tỷ đồng gửi ngân hàng lãi suất thấp hiện nay vẫn là cơ hội rất lớn cho các quỹ gọi vốn, thông qua việc sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp với khẩu vị người có tiền và chứng minh hiệu quả đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Nhìn hàng triệu tỷ đồng gửi ngân hàng, nhận lãi suất bình quân khoảng 4%/năm, các công ty quản lý quỹ nghĩ gì? Lãnh đạo nhiều đơn vị như Quản lý quỹ Việt Nam, Quản lý quỹ SSIAM, Quản lý quỹ MB, Quản lý quỹ Bảo Việt... đều chung khát vọng huy động được thêm vốn vào quỹ hiện có, nhất là quỹ mở (không giới hạn quy mô), hoặc tạo lập thêm quỹ mới để hút vốn. Tuy nhiên, để tiền nhàn rỗi chọn chảy vào các quỹ, từ đó chảy mạnh vào TTCK Việt Nam, ngoài nỗ lực của các quỹ, của ngành, nên chăng chính sách phát triển ngành quỹ được Chính phủ quan tâm thực thi, góp phần điều chỉnh hướng chảy của tiền mặt trong dân chúng.

Tin bài liên quan