Ðấu giá cổ phần, đúng thời điểm, đúng cách sẽ đắt hàng

Ðấu giá cổ phần, đúng thời điểm, đúng cách sẽ đắt hàng

(ĐTCK) Những ngày đầu tháng 6 này, thị trường chứng khoán đón nhận thông tin về một đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) “khủng long” trong năm 2017, đó là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 

Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định xác định giá trị doanh nghiệp BSR.

Theo đó, tại thời điểm 31/12/2015, BSR được định giá 72.879 tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD. Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để BSR thực hiện các công việc tiếp theo nhằm hoàn tất kế hoạch cổ phần hóa. Dự kiến, BSR sẽ thực hiện IPO trong quý IV năm nay.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, thị trường đã xuất hiện nhiều phân tích “đoán già, đoán non” về độ hấp dẫn của đợt IPO này, thậm chí cả những tiên đoán về một phiên đấu giá khó có thể thành công, dựa trên những khó khăn và vài lần “chậm tiến độ” IPO của doanh nghiệp trước đây so với kế hoạch dự kiến.

Nhìn một cách trực diện, BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa. Vị thế của doanh nghiệp ở thời điểm thị trường vốn Việt Nam đang được quan tâm mạnh mẽ có một sức hấp dẫn riêng.

Sản lượng sản xuất lũy kế của BSR từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay đạt khoảng 47 triệu tấn, với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD. Doanh thu 5 tháng đầu năm 2017 đạt 29,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước vượt kế hoạch 1.600 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho Công ty.

BSR hiện đã hợp tác với 21 trên tổng số 31 đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước.

Các nhà đầu tư trên thị trường sẽ là người quyết định mua cổ phần hay không. Tất nhiên, doanh nghiệp phải có yếu tố cơ bản tốt, nhưng thời điểm cũng như cách thức bán cổ phần sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc chào bán cổ phần thành công. Chậm chưa chắc đã không tốt.

Trường hợp của Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC) đã cho thấy rõ điều đó.

Phiên đấu giá 120 triệu cổ phần của VGC cuối tháng 5 vừa qua có kết quả vượt dự đoán của phần lớn nhà đầu tư tham gia. Cũng đã rất lâu, thị trường mới chứng kiến có phiên đấu giá thu hút đông nhà đầu tư tham gia đến vậy.

Phiên đấu giá thu hút 1.026 nhà đầu tư, trong đó có 78 tổ chức, tổng số khối lượng đăng ký mua là 314 triệu cổ phần.

Trước phiên đấu giá, nhiều nhà đầu tư và cả giới phân tích nhận định, mức giá trúng bình quân 14.000 đồng/cổ phần đã là cao, thậm chí không ít người còn nghĩ đến kịch bản, một số quỹ đăng ký số lượng mua lớn để nhà đầu tư cá nhân bỏ giá cao, còn mình sẽ bỏ giá thấp và trúng thầu ở giá thấp hơn giá bình quân.

Tuy nhiên, với kết quả giá đấu thành công cao nhất là 17.300 đồng/CP, giá đấu thành công thấp nhất là 15.400 đồng/CP, giá bình quân 16.175 đồng/CP và có tới 102 triệu cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài đấu giá thành công, thì khó có thể xảy ra kịch bản “bẫy việt vị” nhà đầu tư.

Vậy mà hơn 2 năm trước, cụ thể là tháng 2/2014, cổ phần VGC “ế chỏng, ế chơ”. Doanh nghiệp chào bán 76.947.600 cổ phần nhưng chỉ có 19.487.200 cổ phần được đăng ký mua (chiếm 25,3% lượng chào bán), với giá đấu thành công 10.300 đồng/CP.

Nếu BSR cổ phần hóa và IPO vào năm 2014 hoặc 2015, có lẽ chưa chắc đã “thiên thời, địa lợi” như thời điểm cuối năm nay.

Tin bài liên quan