Xử lý mâu thuẫn cổ đông lớn: Đối thoại hơn đối đầu

Xử lý mâu thuẫn cổ đông lớn: Đối thoại hơn đối đầu

(ĐTCK) Vụ việc cổ đông lớn Red River Holding của VCS phủ quyết toàn bộ nội dung ĐHCĐ vừa qua đang nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý và NĐT.

> ĐHCĐ Vicostone: Cổ đông lớn cố tình phá đám?

> ĐHCĐ VCS: phủ quyết toàn bộ các nội dung

> Red River Holding và Beira Ltd có phạm luật?  

Do Đại hội đồng cổ đông không thông qua việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (theo yêu cầu của Quy chế quản trị DNNY), HĐQT CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS) đã bổ nhiệm Tổng giám đốc mới kể từ ngày 9/4. 

Doanh nghiệp sẽ phải tổ chức ĐHCĐ lần 2, lặp lại căng thẳng là điều không ai muốn. Song để giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn, hướng đi khả thi nhất là các nhóm cổ đông lớn ngồi lại, đàm phán với nhau trên cơ sở vì mục tiêu chung để doanh nghiệp phát triển, nhất là thời điểm kinh doanh đang rất khó khăn như hiện nay. Đầu tư Chứng khoán ghi nhận các ý kiến của cơ quan quản lý và chuyên gia độc lập.

 
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam :

Luật Doanh nghiệp không có quy định nào để giải quyết các trường hợp như ĐHCĐ lần đầu của VCS bất thành, do vấp phải sự phủ quyết của cổ đông lớn đại diện cho 36% cổ phần. Ở các nước, hai bên có thể đưa vụ việc ra tòa án để xem xét giải quyết. Tuy nhiên,  tại Việt Nam , ngay cả khi đưa vụ việc ra tòa án, cũng không giải quyết được bế tắc. Lý do là tòa án phải đưa ra phán quyết dựa trên cơ sở pháp lý, trong khi pháp luật hiện hành chưa đề cập đến vấn đề này.

Trước thực trạng trên, cách tốt nhất là hai bên cần đi đến thỏa hiệp. Thỏa hiệp luôn luôn là bài toán DN và các nhà đầu tư cần phải dự phòng để giải quyết các tình huống không mong muốn, nhằm đạt mục tiêu đề ra. Hai bên cần ngồi lại, lắng nghe mong muốn chính đáng của nhau, trên cơ sở đó cân nhắc các yếu tố được - mất, để đi đến một thỏa thuận mà hai bên chấp nhận được.

Có nên điều chỉnh Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan để xử lý trường hợp tương tự như VCS? Tôi cho rằng không nên, bởi quy định pháp lý đã thiết kế các “chốt” 65%, 75%... để điều chỉnh về quyền biểu quyết.  Khung pháp lý không thể xé nhỏ các ngưỡng này và chạy theo những trường hợp mang tính cá biệt.

 
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội:

Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã nhận được văn bản giải trình kết quả cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2012 của CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS). Chúng tôi sẽ tìm hiểu lý do dẫn đến phản ứng phủ quyết toàn bộ các nội dung đại hội của cổ đông là tổ chức nước ngoài, mong muốn đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam . Sở cũng đang đối chiếu lại các quy định của DNNY cũng như các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan để đề xuất hướng xử lý gửi lên UBCKNN. Theo quan điểm của tôi, cách tốt nhất là hai bên có sự đàm phán với nhau vì lợi ích của doanh nghiệp. Về phía Sở, chúng tôi sẽ làm việc vì quyền lợi của công chúng đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

 
Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật CTCK SSI:

Theo tôi, việc phủ quyết của Red River Holding chỉ thể hiện quyền cổ đông thông qua việc biểu quyết bằng lá phiếu, không vi phạm các quy định hay lợi dụng ưu thế của cổ đông lớn.

Chỉ có thể nói họ lợi dụng quyền nếu dùng thông tin nội bộ, lợi dụng đại diện của mình trong HĐQT hay Ban điều hành để tư lợi... Red River Holding biểu quyết bằng quyền cổ đông, vì vậy, VCS nên coi việc phủ quyết này như kết quả biểu quyết bình thường của bao cổ đông khác.

Thực tế cũng đã có không ít trường hợp cổ đông lớn dùng lá phiếu của mình để phủ quyết một số vấn đề được thảo luận tại cuộc họp ĐHCĐ của DN niêm yết.

CTCP hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, ai có vốn lớn, người đó có quyền quyết định, áp đặt thông qua biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ. Để giải quyết tình trạng này, cổ đông lớn của DN và Ban điều hành nên thảo luận và đưa ra hướng giải quyết, tránh tranh chấp gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN.

Diễn biến phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2012 của VCS và phản ứng của Red River Holding đã thu hút sự quan tâm của nhiều DN niêm yết và các nhà đầu tư trên thị trường. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, Red River Holding là tổ chức đầu tư rất “kín tiếng”, hiện là cổ đông lớn của nhiều DNNY trên TTCK Việt Nam như Hòa Phát, Nhựa Tiền Phong, PVI, Dabaco, Licogi 16, Everpia… Đây đều là các DN đang hoạt động hiệu quả. Quan điểm đầu tư tại Việt Nam của Red River Holding là gì, tại sao quỹ đầu tư lại có phản ứng mạnh như phủ quyết cả báo cáo tài chính đã được kiểm toán của VCS? Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ để có cuộc trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Quỹ. Đại diện tổ chức này cho hay do đang bận chuyến công tác nước ngoài nên lãnh đạo Quỹ sẽ có cuộc trao đổi trực tiếp với Báo trong tháng 4.