Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển của dòng vốn FDI trong những năm qua là nguồn lực lớn cho tăng trưởng kinh tế và trở thành một trong những đường dẫn để dòng vốn đầu tư FII chảy vào, nhất

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển của dòng vốn FDI trong những năm qua là nguồn lực lớn cho tăng trưởng kinh tế và trở thành một trong những đường dẫn để dòng vốn đầu tư FII chảy vào, nhất

Xử lý mặt trái của luồng vốn ngoại

Việt Nam đã tự do hóa hoàn toàn giao dịch vãng lai và từng bước tự do hóa giao dịch vốn.

Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, việc quản lý tự do hóa tài chính đang trở thành thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách.

 

Tại diễn đàn "Tự do hóa các giao dịch vốn và sự ổn định khu vực tài chính Việt Nam" do Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với Ngân hàng Công thương Việt Nam tổ chức ngày 17/6/2008, các chuyên gia đã tập trung phân tích sâu về các vấn đề tác động của tự do hóa giao dịch vốn; kinh nghiệm các nước trong việc đảm bảo ổn định khu vực tài chính trong bối cảnh tự do hóa giao dịch vốn.

 

Đặc biệt, diễn đàn còn đề cập đến vấn đề: làm thế nào để Việt Nam kiểm soát tốt, phát huy lợi ích của dòng vốn bên ngoài và hạn chế mặt trái khi chúng đảo chiều.

 

Nỗi lo vốn ngoại đảo chiều

 

Cùng với quá trình tự do hóa tài chính mà nhiều quốc gia đang theo đuổi hiện nay, không ít quốc gia có nền kinh tế phát triển hoặc đang chuyển đổi đã gặt hái được nhiều lợi ích như khắc phục khó khăn cố hữu thiếu vốn, phân bổ nguồn vốn tốt hơn, chuyển giao công nghệ cho những nước thụ hưởng..., từ dòng vốn nước ngoài qua hai kênh FDI (đầu tư trực tiếp) và FII (đầu tư gián tiếp).

 

Tuy nhiên, theo Ths. Đinh Xuân Hà - Vụ Chiến lược và Phát triển ngân hàng - thì ở một bình diện khác, luồng vốn ngoại đã gây ra những lo ngại đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là gia tăng lạm phát, đẩy tỷ giá hối đoái lên cao, đe dọa xuất khẩu và làm mất cân đối cán cân thanh toán quốc tế.

 

Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng FDI trong quý I/2008 chiếm tới 25,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương 26,8 nghìn tỷ đồng.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển của dòng vốn FDI trong những năm qua là nguồn lực lớn cho tăng trưởng kinh tế và trở thành một trong những đường dẫn để dòng vốn đầu tư FII chảy vào, nhất là từ cuối năm 2006.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thâm hụt cán cân vãng lai năm 2007 được tài trợ bằng luồng vốn nước ngoài, nhưng gần đây cơ cấu luồng vốn này đã có sự thay đổi khi dòng vốn FII ròng của năm 2007 lên tới 6 tỷ USD, chiếm 50% tổng lượng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam.

 

Đây là điều đáng lo ngại bởi luồng vốn này tiềm ẩn nhiều rủi ro đảo chiều, nhất là trong điều kiện các giao dịch vốn được tự do hóa ở mức cao. Theo bà Hồng, dòng vốn ngoại (bao gồm cả FDI, FII) mặc dù được đánh giá là nguồn lực cho tăng trưởng nhưng nếu không kiểm soát và hướng chúng theo chiều tích cực, sẽ để lại không ít "phiền toái".

 

Theo đó, những biểu hiện dễ thấy nhất là tăng trưởng nền kinh tế quá nóng, kéo theo lạm phát; làm biến động và thay đổi cơ cấu tài trợ, tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định cán cân thanh toán; đồng bản tệ có thể chịu sức ép lên giá, dẫn đến tính cạnh tranh của nền kinh tế bị kém đi.

 

Để xử lý vấn đề này, nếu sử dụng nghiệp vụ can thiệp để giảm áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán do luồng vốn vào gây ra nhiều khi lại khiến chúng chảy vào nhiều hơn. Chưa kể, dưới áp lực của dòng vốn này cùng với quá trình tự do hóa giao dịch theo cam kết hội nhập, hoạt động vi mô của các ngân hàng thương mại sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, tác động tới độ an toàn và tính thanh khoản toàn hệ thống.

 

Ứng xử như thế nào?

 

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Vụ Chiến lược Phát triển ngân hàng dẫn chứng kinh nghiệm của Ấn Độ khi thực hiện tự do hóa tài chính. Năm 1991, Ấn Độ lâm vào khủng hoảng kinh tế và kể từ đó, nước này đã thực hiện tự do hóa tài khoản vốn tập trung vào việc mở cửa nền kinh tế đối với FDI, đầu tư cổ phiếu nhưng lại hạn chế sự dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các luồng nợ ngắn hạn không ổn định được hình thành từ trước.

 

Dĩ nhiên, cùng với đó, Ấn Độ cũng thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, dự trữ ngoại hối phù hợp và kiểm soát rất chặt các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế. Điều này giải thích tại sao nước này đã vượt qua khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 tương đối dễ dàng.

 

Còn bà Lê Thị Huyền Diệu (Vietcombank) cũng nêu ra một ví dụ thực hiện thành công tự do hóa giao dịch vốn là Malaysia. Khi gặp cú sốc tài chính do quá trình hấp thụ luồng vốn ngoại khá lớn trong một thời gian dài, nước này đã tiến hành một loạt công cụ có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tỷ giá.

 

Chẳng hạn, nghiêm cấm người cư trú bán các chứng khoán ngắn hạn trên thị trường tiền tệ cho người không cư trú; loại bỏ các hành động đầu cơ trên thị trường hải ngoại đối với đồng nội tệ...

 

Đối với Việt Nam thì sao? Bà Dương Thị Bích Thủy (Trung tâm Thông tin tín dụng- Ngân hàng Nhà nước) đưa ra một số biện pháp, trong đó nhấn mạnh những vấn đề sau.

 

Thứ nhất, trước khi thực hiện tự do hóa tài khoản vốn, cần mở cửa dần thị trường tài chính với bước đi thích hợp.

 

Thứ hai, phải tiến hành cải cách liên tục hệ thống dịch vụ tài chính, trong đó đặc biệt chú ý đến tỷ giá, lãi suất, quản lý ngoại hối.

 

Thứ ba, thực hiện khởi đầu tự do hóa giao dịch vốn bằng việc tự do hóa FDI, bởi bản thân dòng vốn này ít bị tác động hơn so với dòng vốn FII khi có biến động tài chính.

 

Thứ tư, làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng trước khi thực hiện tự do hóa giao dịch vốn quốc tế. Trường hợp đặc biệt, có thể đóng cửa các định chế tài chính yếu kém...

 

Thứ năm, tự do hóa giao dịch vốn phải gắn liền với việc tăng cường kỷ luật tài chính; đồng thời tạo lập hạ tầng cơ sở cho thị trường tài chính.

 

Thứ sáu, nên thực hiện các giao dịch vốn dài hạn trước khi tự do hóa các giao dịch vốn ngắn hạn.