UBCK sẽ xem xét đề xuất sửa đổi quy định về chế tài xử lý vi phạm tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP theo hướng tăng nặng

UBCK sẽ xem xét đề xuất sửa đổi quy định về chế tài xử lý vi phạm tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP theo hướng tăng nặng

Xử lý cổ đông nội bộ vi phạm, răn đe kép

(ĐTCK) Với cách thức công bố thông tin rõ ràng hơn về người vi phạm công bố thông tin trước và sau giao dịch cổ phiếu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), thị trường, giới đầu tư không còn phải… “đoán mò” về đối tượng vi phạm là cổ đông nội bộ của doanh nghiệp hay người có liên quan như trước đây.

DN cẩn trọng hơn khi cổ đông nội bộ vi phạm bị “chỉ mặt đặt tên”

Sau khi ĐTCK phản ánh ý kiến của giới đầu tư về việc UBCK khi công khai quyết định xử phạt cổ đông nội bộ vi phạm các quy định về công bố thông tin trước và sau khi mua, bán cổ phiếu chỉ nêu địa chỉ của người vi phạm, khiến thị trường, giới đầu tư rất khó nhận diện được người vi phạm có phải là cổ đông nội bộ, hoặc những người có liên quan đến cổ đông nội bộ hay không, UBCK vừa thay đổi cách thức công khai thông tin về đối tượng vi phạm này.

Theo đó, khi công khai quyết định xử phạt cổ đông vi phạm quy định về công bố thông tin trước và sau khi giao dịch cổ phiếu, UBCK đã đề cập cụ thể chức danh của cổ đông tại doanh nghiệp hoặc mối liên hệ giữa đối tượng bị xử phạt với cổ đông nội bộ của doanh nghiệp. Điển hình, ngày 24/9, UBCK đã ban hành quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với ông Nguyễn Hoàng Phương, thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Dầu khí Cửu Long (CCL) vì thực hiện giao dịch chứng khoán không đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, ông Phương đăng ký bán 1.409.375 cổ phiếu CCL trong thời gian dự kiến từ ngày 8/5/2015 đến 6/6/2015, nhưng trong hai ngày 6-7/5/2015, ông Phương đã bán 1.164.000 cổ phiếu CCL...

Với cách công khai quyết định xử phạt vi phạm quy định về công bố thông tin trước khi giao dịch cổ phiếu như trên, UBCK đã giúp thị trường, giới đầu tư không còn phải “đoán mò” về mối liên quan giữa người vi phạm với doanh nghiệp/cổ đông nội bộ của doanh nghiệp.

Sự thay đổi trên, theo một số ý kiến, sẽ cải thiện được tính răn đe với cả cổ đông nội lẫn doanh nghiệp. Khi đó, để không phải chịu tiếng xấu, các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường giám sát, nhắc nhở cổ đông nội bộ nghiêm túc tuân thủ các quy định về công bố thông tin trước và sau khi giao dịch cổ phiếu.

Bởi việc để xảy ra vi phạm về công bố thông tin giao dịch trước và sau giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ và người có liên quan không chỉ gây thiệt hại về vật chất, danh dự cho cổ đông nội bộ, mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của doanh nghiệp.

Mặt khác, việc minh bạch mối liên quan giữa các đối tượng vi phạm với cổ đông nội bộ của doanh nghiệp còn giúp thị trường, giới đầu tư thuận lợi hơn trong giám sát mức độ vi phạm, tái phạm của cổ đông, nhóm cổ đông nội bộ tại các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp giới đầu tư có thêm một kênh để đánh giá về độ đàng hoàng của ban lãnh đạo doanh nghiệp, yếu tố có ý nghĩa quan trọng theo góc nhìn của giới đầu tư khi đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp.

Giới đầu tư cũng kỳ vọng, sự thay đổi về cách thức công bố thông tin sai phạm của cổ đông nội bộ như trên sẽ được UBCK duy trì và áp dụng triệt để hơn trong thời gian tới, qua đó góp phần cải thiện tính minh bạch, công bằng trên thị trường, thu hút hiệu quả hơn các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường.

Chế tài xử phạt sẽ nặng hơn

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Vụ Thanh tra, UBCK cho biết, thời gian qua, UBCK và hai Sở GDCK luôn thực hiện giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin khi giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan. 

Đại diện UBCK cho biết thêm, ngoài đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi có dấu hiệu trục lợi liên quan đến giao dịch của cổ đông nội bộ, người có liên quan, thời gian tới, UBCK sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả xử lý, răn đe phòng ngừa vi phạm.

Theo đó, UBCK sẽ xem xét đề xuất sửa đổi quy định về chế tài xử lý vi phạm tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, theo hướng điều chỉnh phù hợp với tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đối với các vi phạm có số lượng cổ phiếu giao dịch lớn; tăng cường vai trò của các thành viên thị trường trong phối hợp giám sát...       

Tin bài liên quan