Hiện Việt Nam chưa coi thao túng báo cáo tài chính là hành vi thao túng thị trường nghiêm trọng

Hiện Việt Nam chưa coi thao túng báo cáo tài chính là hành vi thao túng thị trường nghiêm trọng

“Xào nấu” số liệu tài chính, cần xử lý hình sự

(ĐTCK) “Tình trạng chênh lệch số liệu tài chính trước và sau kiểm toán xảy ra tại nhiều công ty niêm yết có nguyên nhân từ ý đồ chủ quan của doanh nghiệp trong ‘nhào nặn’ số liệu”, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Mùa đại hội cổ đông năm 2018 đang bắt đầu. Như nhiều kỳ đại hội trước, một trong những nội dung cổ đông tại nhiều doanh nghiệp chất vấn là vì sao số liệu trên báo cáo tài chính của công ty lại chênh lệch lớn, thậm chí đang từ lãi trở thành lỗ nặng và cách giải thích thường gặp của các doanh nghiệp là do nguyên nhân khách quan đã không thuyết phục cổ đông. Ông nhìn nhận gì về tình trạng này?

Có ba lý do để giải thích cho tình trạng số liệu trên báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập khác xa so với sau kiểm toán, thậm chí có doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

Đầu tiên là do năng lực lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế. Đội ngũ kế toán ở nhiều công ty, trong đó có doanh nghiệp niêm yết chưa mạnh.

Thứ hai là hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán của Việt Nam còn không ít khiếm khuyết so với thông lệ và chuẩn mực quốc tế (còn thiếu nhiều chuẩn mực kế toán). Vì thế, chế độ kế toán của Việt Nam không bao phủ hết tình huống trên thị trường với nhiều ngành nghề đa dạng. Điều này khiến cho đội ngũ kế toán khó xử lý trong thực tế.

Ông Phan Lê Thành Long 

Thứ ba là xuất phát từ chính ý đồ can thiệp vào báo cáo tài chính của lãnh đạo doanh nghiệp vì mục đích khác nhau. Chẳng hạn, với doanh nghiệp trên sàn, họ can thiệp vào báo cáo tài chính để “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng… Đó là chưa kể, theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, nếu doanh nghiệp bị lỗ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị buộc hủy niêm yết, nên không loại trừ khả năng doanh nghiệp tìm cách “làm đẹp” số liệu tài chính để không bị rơi vào thua lỗ triền miên, dẫn đến bị buộc phải rời sàn niêm yết.

Khi sai lệch số liệu trên báo cáo tài chính kiểm toán xảy ra, theo ông, đâu là lỗi của doanh nghiệp niêm yết, đâu là trách nhiệm của công ty kiểm toán?

Việc lập báo cáo tài chính là trách nhiệm của doanh nghiệp. Trách nhiệm của kiểm toán là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính dựa trên kết quả kiểm toán, cho nên kiểm toán chỉ có trách nhiệm với mấy trang ý kiến của họ trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà thôi. Thị trường cần rạch ròi ở điểm này.

Tuy nhiên, chất lượng báo cáo tài chính đã được kiểm toán, nhưng vẫn kém, thì cần xem xét ở hai vấn đề.

Đầu tiên là chính bản thân doanh nghiệp đã chủ đích, có ý đồ “xào nấu” số liệu, để cho báo cáo tài chính đẹp. Trong tình huống này, kiểm toán chịu rủi ro.

Vấn đề thứ hai là bản thân kiểm toán đưa ra ý kiến dựa trên chuẩn mực kiểm toán, trong khi chuẩn mực này đưa ra một khung pháp lý, mà nhiều khi kiểm toán được linh hoạt trong khung đó.

Các doanh nghiệp niêm yết và công ty kiểm toán phần lớn tuân thủ các chuẩn mực, tính minh bạch, đạo đức nghề nghiệp, nhưng không loại trừ trường hợp cố tình sai phạm. Trên thực tế, có nhiều trường hợp đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý. Tình trạng này không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã xuất hiện từ những thời gian đầu thị trường chứng khoán hoạt động.

Khi doanh nghiệp cố tình làm đẹp báo cáo tài chính thì liên quan đến tính chính trực của doanh nghiệp, năng lực của kiểm toán. Anh kiểm toán không đủ năng lực, nhất là với những trường hợp doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn, cần đội ngũ kiểm toán lớn tham gia chứng kiến kiểm kê, nhưng không có đủ, hoặc có thể làm được, nhưng phải đối mặt với một mâu thuẫn là giá phí kiểm toán bị khống chế. Mâu thuẫn này không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà thế giới cũng vậy.

Theo ông, tình trạng thao túng báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam hiện có phổ biến và đáng quan ngại không? Tình trạng này gây nên những hệ lụy gì với thị trường?

Thao túng báo cáo tài chính đang diễn ra đáng quan ngại và gây nên nhiều hệ lụy như doanh nghiệp này làm được thì doanh nghiệp khác cũng sẽ làm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Có hai nhóm nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư nước ngoài. Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, xét về thực chất, họ chẳng có quyền gì ngoài quyền mua và bán cổ phiếu, hoạt động chất vấn tại đại hội cổ đông không đáng kể. Còn với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều khi họ không thông thạo thị trường, do bị rào cản ngôn ngữ, các quy định pháp lý, việc thao túng báo cáo tài chính ảnh hưởng đến quyền lợi của họ ngay. Có trường hợp nhà đầu tư “cháy” tài khoản vì doanh nghiệp công bố thông tin gian lận dẫn đến giá cổ phiếu sập sàn nhiều phiên, nhưng nhà đầu tư không bán được.

Thông thường, ở nhiều quốc gia, họ chú trọng bảo vệ hai nhóm nhà đầu tư trên, đặc biệt là trước các rủi ro về gian lận báo cáo tài chính. Không bảo vệ tốt nhà đầu tư nhỏ thì ảnh hưởng đến tính đa dạng của thị trường. Với nhà đầu tư nước ngoài, khi vào một quốc gia đầu tư, họ tìm hiểu rất kỹ rằng, quyền lợi của họ được bảo vệ như thế nào. Nếu không được bảo vệ, cổ đông lớn thích làm gì thì làm, thao túng báo cáo tài chính thì nhà đầu tư ngoại sẽ không vào. Vì thế, những doanh nghiệp có dấu hiệu không minh bạch về công bố thông tin báo cáo tài chính thường có chi phí vốn cao khi huy động vốn.

Thao túng báo cáo tài chính đáng quan ngại như vậy, nhưng chế tài xử lý dường như chưa đủ mạnh?

Đúng là chế tài còn yếu, vì chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính theo hai nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và kế toán.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận báo cáo tài chính, thị trường mong muốn chế tài đủ mạnh theo hướng phải quy thao túng báo cáo tài chính là hành vi thao túng và thu lợi bất chính trong lĩnh vực chứng khoán để xử lý theo chế tài hình sự, chứ áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính thì dễ dẫn đến doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm để đánh đổi thu được mối lợi lớn hơn. Hiện Việt Nam chưa coi thao túng báo cáo tài chính là hành vi thao túng thị trường nghiêm trọng.

Còn quốc tế thì sao?

Ở nhiều thị trường, vì coi hành vi thao túng báo cáo tài chính là vi phạm rất nghiêm trọng, nên họ áp dụng chế tài hình sự để xử lý nhằm đảm bảo tính răn đe, chẳng hạn ở Hồng Kông. Các thị trường phát triển như Mỹ, sau sự kiện gian lận xảy ra ở Công ty Enron năm 2002, Mỹ ban hành Luật Quản trị công ty. Cùng với đó, họ thành lập Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB).

Ủy ban này quản lý cả chất lượng kế toán lẫn kiểm toán. Những doanh nghiệp muốn kiểm toán cho các doanh nghiệp trong diện PCAOB quản lý và giám sát thì phải đạt chuẩn theo quy định của PCAOB. Họ nhấn mạnh vào yếu tố gốc là chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống quản trị công ty, kiểm soát nội bộ.

Với cơ chế hoạt động của PCAOB, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về thao túng báo cáo tài chính thì ủy ban này lập tức công bố thông tin ra ngoài, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh báo cáo tài chính. Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết.

Nhờ quyền lực của PCAOP lớn, đồng thời với chế tài mạnh, nên tuy các hành vi vi phạm xảy ra tinh vi, họ vẫn kịp thời phát hiện và xử lý, qua đó tạo tính răn đe với các hành vi vi phạm, nhất là về thao túng báo cáo tài chính.

Còn ở Việt Nam, do hệ thống chuẩn mực kế toán còn đơn giản, thị trường phát triển chưa lâu, nên các hành vi phạm không quá khó để phát hiện. Vấn đề là nhà quản lý cần quyết tâm đấu tranh với các hành vi vi phạm này để gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, cũng như tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán.

Từ kinh nghiệm quốc tế như vậy, theo ông, Việt Nam nên có một đơn vị chuyên trách giám sát, quản lý chất lượng kế toán các doanh nghiệp niêm yết?

Chúng ta khó có thể thành lập PCAOB độc lập như Mỹ, nhưng có thể xem xét thành lập đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đi liền với đó, cần sửa cơ chế doanh nghiệp buộc phải giải trình theo hướng đi thẳng vào những vấn đề tiềm ẩn gian lận, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, như giao dịch với bên liên quan lớn, giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn…, tránh giải trình hình thức kiểu như chênh lệch lợi nhuận 10% so với kỳ kế toán trước thì doanh nghiệp thường giải trình theo kiểu "nhờ doanh thu tăng, chi phí giảm". Giải trình như thế chẳng ích gì.

Cũng cần hoàn thiện chế tài xử phạt các vi phạm về quản trị công ty theo hướng cập nhật nhanh các hành vi phát sinh từ thực tế, để đảm bảo tính răn đe. Kèm theo đó, cần khẩn trương tiệm cận các chuẩn mực kế toán quốc tế thì mới có thể hoàn thiện hệ thống cơ chế giám sát, xử lý vi phạm, nhất là các vi phạm về thao túng báo cáo tài chính.

Về phần mình, nhà đầu tư cần nâng cao trình độ để “đọc vị” các gian lận trên báo cáo tài chính để bảo vệ mình. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp, ở đó có nhiều chuyên gia về kế toán, kiểm toán sẽ trợ giúp hiệu quả cho nhà đầu tư trong nhận diện các rủi ro về gian lận báo cáo tài chính, để chủ động phòng ngừa rủi ro trong quá trình đầu tư.

Tin bài liên quan