Xanh vì xu thế, xanh vì nhân văn

Xanh vì xu thế, xanh vì nhân văn

(ĐTCK) Để thu hút dòng vốn lớn quốc tế, các doanh nghiệp và TTCK Việt Nam phải hướng đến chuẩn mực phát triển xanh. Nhưng vì sao phải xanh và cần bắt đầu từ đâu để mỗi chủ thể, mỗi doanh nghiệp đưa được ý niệm xanh vào hành động? Đầu tư Chứng khoán đi tìm sự chia sẻ của Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội bà Nguyễn Thị Hoàng Lan cho hai câu hỏi đó.

Xanh vì xu thế, xanh vì nhân văn

Tiếp chúng tôi sau giờ làm việc, vẫn phong thái của một người phụ nữ đôn hậu, bà Lan cười tươi như hoa nắng và hỏi thăm những câu chuyện gia đình. “Khát vọng Xanh”, chủ đề của Báo Tết năm nay, theo bà Lan, là một khát vọng đẹp.

Đó là tâm huyết và giấc mơ tương lai của nhiều chủ thể. Nhưng để đi đến ngày xanh ấy sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn nâng tầm chuyên nghiệp và văn minh từ hoạt động của mỗi chủ thể, cũng như cách các chủ thể tương tác với xã hội, với môi trường xung quanh.

Với chủ thể mang sứ mệnh là trung tâm của sự phát triển kinh tế - các doanh nghiệp, vì sao phải xanh? Bà Lan cho rằng, chuẩn mực đầu tư quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, hướng đến các doanh nghiệp xanh và có tiềm năng phát triển bền vững.

Tư duy kinh doanh này nếu được thực thi thì các doanh nghiệp không chỉ góp sức tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, không chỉ đóng góp cho tăng trưởng GDP đất nước, mà còn góp sức cho cuộc sống nhân sinh bền vững, an lành

-    Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành HNX

Thực tế, hàng nghìn quỹ đầu tư quốc tế đã ký cam kết đầu tư xanh và ở Việt Nam, một số quỹ lớn như Dragon Capital cũng đã đưa ra những tiêu chí xanh (danh mục “đầu tư xanh”) khi xem xét đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút dòng vốn lớn, nhất là dòng vốn nước ngoài thì việc chuẩn bị cho những bước đi xanh là không thể không làm.

Hướng tới mục tiêu đó, cùng với việc tuân thủ những quy định mang tính chuẩn mực quốc tế cao khi huy động vốn, cơ chế giám sát khi giải ngân, doanh nghiệp sẽ tiến đến sự phát triển bền vững từ chính hành động nội tại.

Liên quan đến khía cạnh đời sống, phát triển kinh doanh xanh mang ý nghĩa nhân văn khi các doanh nghiệp tạo nên giá trị mới cho mình, nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và xã hội.

“Tư duy kinh doanh này nếu được thực thi thì các doanh nghiệp không chỉ góp sức tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, không chỉ đóng góp cho tăng trưởng GDP đất nước, mà còn góp sức cho cuộc sống nhân sinh bền vững, an lành”, bà Lan nói.

Tại Việt Nam, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2020, trong đó định hướng việc xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu của tăng trưởng xanh là do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

5 năm vừa qua, theo bà Lan, câu chuyện về "xanh" được nhiều bộ ngành đề cập, đã được “văn bản hóa”, tuy nhiên, để đi đến hiện thực, với các sản phẩm cụ thể thì cần đổi mới về tư duy kinh doanh, sự nỗ lực kết nối đồng bộ đủ mạnh của cả hệ thống, của từng bước đi có thể, bắt đầu từ những sản phẩm “xanh” riêng của từng ngành trọng điểm, sau đó lan tỏa ra nền kinh tế.

Để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản phẩm xanh, trên thế giới cũng có nhiều bài học kinh nghiệm về sự hỗ trợ từ nhà nước rất hay, nhất là khi hành động cho mục tiêu tăng trưởng xanh đã thành một xu hướng rõ nét.

Ví dụ, tại Nam Phi, để phát triển nguồn năng lượng điện từ quạt gió, Chính phủ ra đầu bài cho doanh nghiệp xây dựng phương án tìm vốn và tìm đối tác chiến lược với sự hỗ trợ không phải bằng thuế hay trợ giá, mà bằng việc cam kết mua sản phẩm điện sạch của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có được chính sách như vậy sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm đối tác, kêu gọi các nguồn lực tài chính để hình thành nên một ngành công nghiệp điện sạch, phục vụ cho phát triển đất nước.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan 

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào điện mặt trời và được miễn thuế đất, được Chính phủ cam kết mua điện trong 20 năm. Những "hạt giống" này cần nhân rộng và theo bà Lan, nếu mỗi bộ, ngành xác định một số sản phẩm xanh cụ thể trong lĩnh vực mình và nỗ lực đưa sản phẩm đó vào chương trình hành động để thành hiện thực thì rất có thể sẽ tạo nên trào lưu phát triển xanh trên chặng đường thực thi Chiến lược đến năm 2020 mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Khát vọng chứng khoán Xanh

TTCK Việt Nam trải qua năm 2017 với những dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và chất lượng. Chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index tăng tương ứng 48% và 46%, đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 80,5% so với năm 2016.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân của trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành là 13,5 năm, dài hơn 4,8 năm so với mức bình quân năm 2016. Đặc biệt, lãi suất trúng thầu giảm trên tất cả các kỳ hạn và thanh khoản đạt gần 9.000 tỷ đồng/bình quân phiên, một kỷ lục mà mấy năm trước nằm trong giấc mơ của thị trường.

Tăng mạnh trên mọi chỉ tiêu đánh giá, nhưng chứng khoán Việt đã xanh chưa? Theo bà Lan, xanh hóa chứng khoán là một quá trình, ở đó, những hạt mầm đầu tiên đã được gieo từ một dự án hợp tác giữa GIZ và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trên cơ sở dự án này, HNX đã xây dựng Đề án phát hành thí điểm trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trình Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Tài chính đã rất quyết liệt để hai địa phương đầu tiên là TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thí điểm.

Đến nay, TP.HCM đã phát hành được một phần trong kế hoạch huy động 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho nhiều dự án, còn Bà Rịa - Vũng Tàu đã có đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên, huy động vốn cho 8 dự án xanh.

Trên khắp cả nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều địa phương khác đang rất cần  thu hút vốn để đầu tư cho các dự án xanh tại địa phương mình. Việc chung tay từ cơ quan quản lý đến các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc này sẽ mang đến sự lan tỏa cho một môi trường xanh đúng nghĩa, kể cả trong kinh doanh.

Nếu như trái phiếu xanh đã có những hạt giống đầu tiên như vậy, thì các doanh nghiệp phải làm gì để gieo những hạt giống cho cổ phiếu xanh? Theo bà Lan, doanh nghiẹp xanh trước hết phải xanh ở tư duy quản trị.

Bà Lan dẫn ra bài học từ nhiều doanh nghiệp Nhật khi doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng quản trị hiện đại, nhưng giữa con người với con người lại cư xử ấm áp như một gia đình. Khi đó, họ sẽ chung tầm nhìn dài hạn và hướng đến những khát vọng cao cả, chứ không phải chỉ là tìm ra nhiều lợi nhuận trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển.

Chắc chắn một doanh nghiệp xanh phát triển bền vững thì sẽ có một đội ngũ lãnh đạo và tập thể người lao động bền vững. Hoạt động của họ sẽ hướng tới việc mang lại lợi ích cho xã hội và con người một cách dài hạn, thay vì tìm kiếm lợi nhuận với bất kỳ giá nào.

Rõ ràng, sẽ thật khó mong sàn chứng khoán giữ vững đà tăng trưởng cao và xanh lâu dài nếu nội tại các chủ thể trên TTCK, đặc biệt là khối doanh nghiệp không bước theo con đường phát triển xanh. Con đường đó, theo bà Lan, rất cần tiếp tục được các cơ quan quản lý khích lệ, cũng như mỗi chủ thể cụ thể hóa bằng sản phẩm, bằng hành động.

Có như vậy mới mong đến năm 2020, sắc xanh của phát triển bền vững được rõ nét hơn trong bức tranh của nền kinh tế, tạo đà lan tỏa khát vọng phát triển bền vững trong tầm nhìn dài hạn hơn. Giấc mơ hôm nay sẽ là hiện thực của ngày mai, nếu chúng ta cùng mong muốn và hành động. 

Tin bài liên quan