Vững nền tảng, đón cơ hội

Vững nền tảng, đón cơ hội

(ĐTCK) Trong bản tin mới nhất cung cấp cho nhà đầu tư, VinaCapital nhận định rằng, Việt Nam đang có nhiều cải cách lớn, trong đó nhiều hoạt động dựa vào khu vực công giờ được chuyển sang khu vực tư nhân.

Điều này sẽ góp phần thúc đẩy quản trị nhà nước, một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của một quốc gia, một nền kinh tế. Trong tiến trình ấy, TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi và chắc chắn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, dù có thể cần thời gian để chính sách được thực thi đúng như các nhà làm luật mong muốn.

Giá trị mua ròng của khối ngoại tăng từ 2,3 triệu USD lên trên 8 triệu USD sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là một ví dụ, VinaCapital phân tích.

Chẳng cần nhìn đâu xa, những phương thức như bán cổ phần, bán bớt những tài sản Nhà nước không cần nắm giữ, cho thuê tài sản, hợp đồng quản lý, hợp đồng xây dựng - hoạt động - chuyển giao (BOT)… đã có những đóng góp lớn trong việc giúp Chính phủ Malaysia giảm bớt gánh nặng hành chính và tài chính của Chính phủ, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Kết quả là nền kinh tế Malaysia cất cánh, thị trường vốn tăng quy mô gấp hơn 10 lần trong vòng 5 năm.

Tại Việt Nam, cùng với quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN được đẩy nhanh và quyết liệt, sự tăng trưởng bền vững trở lại của nền kinh tế và hội nhập ngày một sâu rộng hơn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều tin tưởng TTCK sẽ đi trước và phát triển.

Không phải tự nhiên mà hàng loạt hãng thông tấn trong và ngoài nước liên tục đưa tin như: “TTCK Việt Nam sắp được nâng hạng”, “Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á”, “Việt Nam có thể vượt Thái Lan và Phillippines”… 

Kinh nghiệm từ các TTCK khu vực và thế giới cũng cho thấy, những CTCK lớn trên thế giới hiện có quy mô bằng toàn bộ các CTCK hiện tại của Việt Nam cộng lại. Rõ ràng, số lượng CTCK không quan trọng bằng quy mô và chất lượng CTCK.

Cơ hội mới đang đến là điều mà nhiều người cảm thấy. Nhiều nhà đầu tư cảm nhận được độ ngấm của chính sách tái cơ cấu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các CTCK, những người đi tiên phong trên TTCK, không có lý do để ngồi yên. Họ đang khẩn trương làm mới mình, từ sức mạnh tài chính, nhân sự, công nghệ và đặc biệt là quản trị doanh nghiệp để đón đầu vận hội mới.

Từ những biến động gần đây trên thị trường cũng như sự trưởng thành của nhà đầu tư, có thể dự đoán rằng, tình trạng các CTCK đang hoạt động tại Việt Nam tập trung nhiều về lượng, nhưng chưa mạnh về chất, thậm chí nhiều CTCK hoạt động rất yếu kém, sẽ dần biến mất.

Thay vào đó, thị trường sẽ có ít CTCK hơn nhưng những công ty phát triển sẽ có năng lực tài chính lớn hơn nhiều so với hiện nay, cơ cấu sản phẩm, chất lượng dịch vụ và sự chuyên nghiệp sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ.

Kinh nghiệm từ các TTCK khu vực và thế giới cũng cho thấy, những CTCK lớn trên thế giới hiện có quy mô bằng toàn bộ các CTCK hiện tại của Việt Nam cộng lại. Rõ ràng, số lượng CTCK không quan trọng bằng quy mô và chất lượng CTCK.

Bước sang giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế, điều quan trọng là CTCK cần đưa ra các sản phẩm hiệu quả để thuyết phục nhà đầu tư chuyển từ thói quen gửi tiền tiết kiệm sang đầu tư trên TTCK. Làm thế nào để nhà đầu tư có thể chọn và tin tưởng bỏ tiền vào doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều đó cần vai trò rất lớn của các CTCK.

Có nhiều doanh nghiệp tốt để bỏ vốn, không chỉ làm lợi cho nhà đầu tư, mà còn đảm bảo cho tương lai tươi sáng của CTCK và rộng hơn là cả nền kinh tế. Chỉ khi nào cung vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế đi bằng hai chân, ngân hàng và TTCK, thì ngành chứng khoán mới có thể tạo ra vị thế mới cho mình.

Tin bài liên quan