TS. Alan T. Pham

TS. Alan T. Pham

Vốn ngoại vẫn ở lại với TTCK Việt Nam

(ĐTCK) “Trong cái nhìn của các nhà quản lý quỹ đầu tư chuyên nghiệp, TTCK Việt Nam đang bị điều chỉnh do chịu tác động tiêu cực của giá dầu thế giới giảm, nhưng thị trường vẫn trong chu kỳ tăng. Dòng vốn ngoại vẫn ở lại với thị trường, dự báo lượng vốn vào ròng có thể đạt 250 triệu USD trong năm nay so với 300 triệu USD của năm ngoái”, TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital trao đổi với ĐTCK.

Trong nhiều phiên giao dịch gần đây, khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu. Theo ông, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có tiếp tục bán ra cổ phiếu và rút vốn khỏi TTCK Việt Nam?

Quan ngại tác động tiêu cực khó lường của giá dầu thế giới giảm, nên gần đây, khối ngoại liên tục bán ròng, nhất là với nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, động thái này mang tính tái cơ cấu danh mục đầu tư hơn là tín hiệu rút lui khỏi thị trường. Dòng vốn này vẫn đang ở lại với TTCK Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, trong bối cảnh VN-Index sụt giảm mạnh, giá nhiều cổ phiếu tốt đã giảm sâu, kinh tế vĩ mô năm 2014 có thêm nhiều tín hiệu tích cực.

Dự báo trong năm nay, lượng vốn mà khối ngoại giải ngân ròng vào TTCK Việt Nam đạt 200 - 250 triệu USD, so với khoảng 300 triệu USD của năm ngoái. Nếu không có “sự cố” giá dầu thế giới bất ngờ giảm mạnh, thì nhiều khả năng VN- Index sẽ vượt mức tăng trưởng của năm 2013 là 22%, cũng như dòng vốn ngoại vào ròng có thể vượt mức đạt được trong năm ngoái. 

Vốn ngoại vẫn ở lại với TTCK Việt Nam ảnh 1
Đang xuất hiện quan ngại một số quỹ đóng huy động vốn từ nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam âm thầm tính chuyện rút vốn, một phần do TTCK bất ngờ có diễn biến tiêu cực khi chịu tác động của giá dầu thế giới giảm, một phần do cơ chế nới “room” cho NĐT nước ngoài chậm được triển khai. Ông có nhận thấy động thái không tích cực này?

Nhận thấy khả năng sắp tới mặt bằng lãi suất USD tại Mỹ có thể tăng, nên một số dòng vốn đang thoái ở các thị trường mới nổi để chuyển hướng đầu tư vào thị trường Mỹ nhằm đón đầu xu hướng lãi suất có thể tăng. Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam chưa nằm trong nhóm các thị trường mới nổi, cộng với lượng vốn mà khối ngoại đầu tư vào thị trường hiện chưa nhiều, nên ít chịu tác động bởi động thái rút vốn của các quỹ ngoại.

Trên thực tế, đúng là một số quỹ đóng huy động vốn từ NĐT nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam đang thoái một số khoản đầu tư, nhưng quan sát từ thị trường cho thấy, dòng vốn này chưa có tín dấu hiệu rút khỏi thị trường cổ phiếu (ngoại trừ đang rút vốn trên thị trường trái phiếu), mà đang tìm kiếm cơ hội giải ngân vào các lĩnh vực tiềm năng như: bất động sản, xây dựng, thực phẩm, gần đây là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài, họ không bị chi phối nhiều bởi diễn biến thị trường trong ngắn hạn.

Còn về vấn đề “room”, đúng là việc trì hoãn nới “room” cho NĐT nước ngoài đang khiến khối ngoại khó khăn hơn trong tìm cách dịch chuyển các dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam. Do đó, càng trong bối cảnh TTCK gặp khó khăn hiện tại, Chính phủ Việt Nam cần sớm xem xét nới “room”, để tạo cú hích trong thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn ngoại đổ vào TTCK. Ngoài hình thức xem xét nới “room” trực tiếp cho NĐT nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các DN đang niêm yết, Việt Nam cũng nên triển khai thêm một hình thức nới “room” khác. 

Đó là hình thức nào, thưa ông?

Đó là nới “room” cho NĐT nước ngoài có cơ hội sở hữu lượng lớn cổ phần tại các DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty mà Việt Nam chuẩn bị cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Giới đầu tư nước ngoài vẫn dành sự quan tâm đáng kể tới các đợt IPO các DNNN lớn. Tuy nhiên, nếu sắp tới vẫn tái diễn các thương vụ chào bán có lượng cổ phần đưa ra IPO quá thấp, như trường hợp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (lượng cổ phần đưa ra IPO chỉ chiếm hơn 3,4% tổng lượng cổ phần), thì không chỉ khó thu hút dòng vốn ngoại, mà còn làm nản lòng NĐT nước ngoài.

Với những DN không thuộc danh mục các ngành nghề mà cổ đông nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối, Việt Nam nên tạo đột phá trong gia tăng tối đa lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài nói chung, cho NĐT nước ngoài nói riêng, để họ thực sự có tiếng nói quyết định trong DN, lý tưởng hơn là họ được làm chủ DN sau IPO.

Cùng với giải pháp nới “room” trên, quá trình xác định giá trị DNNN để tiến hành CPH minh bạch và hợp lý hơn sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp lớn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan