Vốn ngoại: người cũ đi sẽ có người mới đến

Vốn ngoại: người cũ đi sẽ có người mới đến

(ĐTCK) Ông Đặng Nguyên Cường, Trưởng ban điều hành CLB Chứng khoán DoBF cho rằng, việc khối ngoại bán ròng gần đây không đáng ngại và nếu biết nắn dòng tiền vào đúng chỗ thì trong dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ thăng hoa.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của quy chế giao dịch mới tới diễn biến thị trường chứng khoán?

Tôi cho rằng việc thay đổi bước giá trong quy chế giao dịch chứng khoán mới là cách xử lý vấn đề cổ phiếu dưới mệnh giá. Với khoảng 1/3 số cổ phiếu trên sàn đang được giao dịch dưới mệnh giá, nhiều trường hợp cổ phiếu chỉ có 3 bước giá giao dịch, khiến nhà đầu tư không có lựa chọn nào khác là bán sàn, thậm chí bán sàn liên tục trong nhiều phiên để thoát hàng.

Bên cạnh đó, việc chia thành các bước giá nhỏ hơn cũng làm hạn chế việc kê lệnh, hay cung-cầu ảo. Các đội lái rõ ràng không thích điều này vì với các bước giá sát nhau như hiện nay, phía đối diện sẵn sàng bán thẳng hay mua thẳng vào các lệnh đang kê.

Đây cũng là bước chuẩn bị cho giao dịch trong ngày mà pháp luật chứng khoán đã cho phép. Với nhiều mức giá lựa chọn, dân trading có nhiều động cơ hơn để giao dịch, qua đó, thanh khoản thị trường cũng tăng theo.

Ông Đặng Nguyên Cường 

Sự sụt giảm thanh khoản của thị trường trong thời gian qua phải chăng chỉ là do nhà đầu tư chưa quen thuộc với cách thức giao dịch mới?

Việc thay đổi quy chế giao dịch dù sao cũng chỉ là thay đổi về kỹ thuật, mà tác động của kỹ thuật sẽ không lâu, chỉ trong vài phiên. Bản chất của thị trường vẫn phải dựa vào nền tảng cơ bản, vào áp lực cung - cầu tại từng thời điểm. Có thể nhà đầu tư chưa quen với việc nhìn bảng giá mới, nhưng cũng không vì thế mà cản trở họ giao dịch nếu có cơ hội xuất hiện.

Thanh khoản thị trường sụt giảm, theo tôi, là do thị trường đang tìm ngưỡng tích lũy tại vùng điểm hiện tại; đồng thời, nghe ngóng động thái tiếp theo từ hoạt động của khối ngoại cũng như chờ tin mới hỗ trợ cho thị trường. Đây là giai đoạn biên độ dao động của thị trường hẹp, sẽ tương đối khó trading, nên nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, tôi cũng sẽ hạn chế giao dịch tại thời điểm này và lựa chọn việc đứng ngoài quan sát.

Ngoài việc thay đổi về quy chế giao dịch, thông tin khối ngoại bán ròng khá mạnh trong thời gian vừa qua cũng khiến giới đầu tư e ngại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Xem xét hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư 6 tháng đầu năm, chúng tôi nhận thấy, nhiều quỹ đạt mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, gấp 2 - 3 lần kết quả một năm trước đó. Với một quỹ đầu tư, mức tăng trưởng 15 - 20% chỉ trong 6 tháng rõ ràng là con số đáng mơ ước, nên việc chốt một phần lãi và đảo danh mục cũng là điều dễ hiểu. Những cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là VNM, VCB đều có mức định giá cao và tăng trưởng ấn tượng trong cả năm qua.

Bên cạnh đó, 2 quỹ ETF đến kỳ thay đổi danh mục nên hoạt động của họ cũng gây tác động lên thị trường Việt Nam. Tôi không ngại lắm về động thái bán ròng của khối ngoại, kể cả có vài quỹ đóng phải tất toán trong năm nay và năm sau, có người ra rồi cũng sẽ có người vào, miễn là nội lực của thị trường Việt Nam vẫn thể hiện sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.

Với nhiều diễn biến nêu trên, theo đánh giá của ông, kịch bản thị trường chứng khoán cuối năm có thể diễn biến theo hướng nào?

Tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong 2 năm qua, tôi thật sự thất vọng vì không thể đưa cho họ một cơ hội rõ rệt nào, khi hầu hết các kế hoạch cổ phần hóa, bán vốn nhà nước bị chậm lại.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Chính phủ mới, tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm có cung hàng chất lượng, vừa tăng được quy mô, vừa tăng được uy tín cho thị trường. Bên cạnh đó, việc cho phép thực hiện nhiều sản phẩm giao dịch mới: giao dịch trong ngày, phái sinh, quỹ tín thác bất động sản... cũng sẽ khiến nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc phân bổ danh mục.

Từ nay đến cuối năm, có thể thị trường không có nhiều biến động mạnh, nhưng nếu các nhà quản lý biết điều tiết thị trường phù hợp, nắn dòng tiền vào đúng chỗ thì trong dài hạn, thị trường sẽ thăng hoa.

Tin bài liên quan