Vốn ngoại mới chảy mạnh vào 10% doanh nghiệp niêm yết

Vốn ngoại mới chảy mạnh vào 10% doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, toàn thị trường hiện có 75 doanh nghiệp (DN) có sở hữu từ 30% trở lên của vốn nước ngoài trong tổng số 718 DN niêm yết. Có trên 200 DN niêm yết, vốn ngoại không “ngó ngàng” gì tới hoặc chỉ sở hữu rất nhỏ (dưới 1% vốn). Trên con đường nâng hạng TTCK Việt Nam, ngoài nỗ lực chính sách, các DN cũng phải nỗ lực rất nhiều mới có thể được MSCI chấp thuận.

Để nâng hạng, nhà đầu tư ngoại phải “gật đầu”

Trong một hội thảo mới đây, ông Valentin Laiseca, đại diện MSCI tại thị trường Đông Nam Á cho biết, bên cạnh việc xem xét các tiêu chí định lượng, khi quyết định nâng hạng cho một TTCK, MSCI còn tham vấn ý kiến của các nhà đầu tư.

Theo đó, việc nâng hạng của TTCK Việt Nam cần sự hợp sức của các DN, bởi chỉ khi DN xây dựng được niềm tin và thuyết phục được nhà đầu tư chuyên nghiệp góp vốn, cơ hội họ “gật đầu” trong tham vấn nâng hạng cho thị trường chung mới có thể thành hiện thực.

Hiện trạng TTCK Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017 giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên sàn niêm yết (HOSE và HNX) cao kỷ lục, đạt 13.199 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, giao dịch của khối ngoại cũng sôi động hơn những năm trước, mua ròng 1.474 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chỉ số chứng khoán tăng điểm, đưa chứng khoán trở thành một trong những kênh đầu tư có mức sinh lợi tốt nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, quan sát danh sách mua ròng của khối ngoại có thể thấy, vốn ngoại có sự chọn lọc và phân hóa rất cao. Dòng vốn chọn chảy nhiều hơn vào các DN có triển vọng tăng trưởng, chứ không trải rộng theo mức tăng trưởng chung của thị trường.

Trong khi nhiều mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng như VNM, HPG, CTD, GAS…, thì không ít mã đang chịu tình trạng vốn ngoại bán ròng PVD (-710 tỷ đồng), PVS (-580 tỷ đồng), MSN (-492 tỷ đồng)…

Đó là chưa kể còn trên 200 mã cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài không “ngó ngàng” gì đến hoặc chỉ mua tỷ lệ quá nhỏ. Toàn TTCK Việt Nam mới chỉ có 7 DN (tức chưa đầy 1% số DN niêm yết) có sở hữu vốn ngoại trên 50% (xem bảng).

Quan sát các DN được khối ngoại mua ròng nhiều cho thấy, điểm chung là các doanh nghiệp đầu ngành, quy mô, thị phần lớn, kết quả kinh doanh tăng trưởng và có triển vọng tăng trưởng cao. Những doanh nghiệp vốn ngoại không ngó đến chủ yếu do kém minh bạch, kinh doanh yếu ớt, một số ít trường hợp do DN có cổ đông lớn chiếm đa số vốn, không tạo cơ hội cho nhà đầu tư chuyên nghiệp mua lượng lớn cổ phần.

Cải cách phải từ chính doanh nghiệp

Trên phương diện quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP, đưa ra những quy chuẩn về quản trị doanh nghiệp đại chúng. Trong ngành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự án Luật sửa đổi Luật Chứng khoán đang được hoàn thiện, sẽ thúc đẩy các thành viên thị trường đến những chuẩn mực cao hơn, nhất là trong việc huy động vốn, phát triển sản phẩm mới…

Những quy chuẩn mới này cũng sẽ buộc các DN trên sàn phải nỗ lực, nếu không muốn bị đào thải hoặc bị bỏ rơi trong “cuộc chơi” của nhà đầu tư, trong bối cảnh TTCK lớn rất nhanh về quy mô với không ít DN lớn đã và sắp lên sàn.

Chưa tính theo các quy chuẩn pháp lý mới, các DN niêm yết phải rời sàn vì yếu kém trong kinh doanh hoặc quản trị đang ngày càng nhiều. Nếu như năm 2010, chỉ có 6 doanh nghiệp hủy niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán, thì năm 2013 là 37 mã, năm 2014 là 34 mã và năm 2015 là 35 mã…

Từ đầu năm đến nay, toàn thị trường có gần 20 DN niêm yết bắt buộc hủy niêm yết do vi phạm công bố thông tin, lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, âm vốn điều lệ. Chưa kể, nhiều báo cáo tài chính dù được kiểm toán vẫn khiến nhà đầu tư “chết đứng” bởi khoản lỗ, thất thoát tài sản bất ngờ xuất hiện.

Dư luận thường nhắc đến phi vụ tại CTCP Khoáng sản miền trung (MTM) hay những câu chuyện xảy ra tại FID, KSK, KHB, PTK, KTB… mà cơ quan điều tra đang xử lý, như những ví dụ cho thấy tình trạng kém minh bạch và chưa có công cụ giám sát hiệu quả sự trung thực của DN trên TTCK Việt Nam.

Toàn thị trường có tới 35,6% DN niêm yết đang có cổ phiếu giao dịch dưới thị giá, cho thấy, nhà đầu tư nói chung không “mặn mà” gì với việc trở thành “ông chủ” của các DN loại này. Để hướng đến việc TTCK Việt Nam được nâng hạng, bên cạnh việc khích lệ và thúc đẩy nhiều DN tốt trở nên tốt hơn, thì thị trường còn một khoảng lớn các DN phía sau cần phải nỗ lực kinh doanh và quản trị hiệu quả. Số DN loại này lên tới vài trăm nếu quy chuẩn niêm yết không có sự nâng cấp so với quy chuẩn định danh trong Luật Chứng khoán.

Tin bài liên quan