Vốn ngoại lại “dập dòm” tìm doanh nghiệp đầu tư

Vốn ngoại lại “dập dòm” tìm doanh nghiệp đầu tư

(ĐTCK) Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho DN tư nhân trong khối tư vấn, sản xuất, kinh doanh về tiêu dùng, bán lẻ phát triển. Tuy nhiên, các quỹ hiện tại không dễ tìm doanh nghiệp để đầu tư.

Theo lãnh đạo Mekong Capital, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, kể cả khối kinh tế tư nhân, nhưng sức cạnh tranh của DN còn yếu, vì chất lượng quản trị công ty thấp hơn các tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này sẽ mang đến những cơ hội tốt cho các DN có thể tuyển dụng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có thực tiễn quản trị tốt, bởi các quỹ đầu tư nước ngoài thường ưu ái cho các DN có xu hướng phát triển đội ngũ quản trị hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Được biết, Quỹ MEF III của Mekong Capital đã được khai trương vào tháng 5 vừa qua. Hiện tại, MeKong Capital đã huy động được 87,4 triệu USD trên tổng số vốn cam kết tối đa là 150 triệu USD. “Chúng tôi dự định sẽ giải ngân 1 - 2 khoản đầu tư cho Quỹ MEF III trong vài tháng tới. MEF III sẽ đầu tư vào các lĩnh vực định hướng tiêu dùng như: bán lẻ, nhà hàng, nhóm hàng tiêu dùng nhanh và dịch vụ khách hàng, những lĩnh vực đầu tư truyền thống của Quỹ”, ông Chris nói.

Để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, ông Chris cho rằng, các DN tư nhân của Việt Nam cần có sự thay đổi và phải nâng tầm quản trị, đầu tư vào con người.

Điều cần thiết mà các DN tư nhân phải làm để nâng cao năng lực, theo MeKong Capital, là tuyển dụng, phát triển đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, xác định những mục tiêu có thể đo lường và khen thưởng đội ngũ quản lý khi đạt được những mục tiêu đó.

Trong nhiều trường hợp, các DN cũng nên đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển văn hóa DN, đồng thời quan tâm hơn đến việc tiếp thu “những thông lệ tốt” từ nước ngoài.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cho biết, hiện nay, DN tư nhân đang chiếm hơn 96% số lượng DN đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, nhưng lại là khu vực có thời gian phát triển chưa dài và không có được lợi thế kinh doanh như DN Nhà nước và khối FDI.

Trong khi đó, ước tính năm 2013 - 2014, đây là khu vực DN đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.

Trung bình mỗi năm, các DN tư nhân tạo ra hơn 500.000 việc làm, chiếm khoảng 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối DN. Trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, với nỗ lực của mình, khối tư nhân vẫn bền bỉ hoạt động, duy trì tỷ lệ đóng góp cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua.

Theo thông tin từ VCCI trong cuộc họp giữa kỳ với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, diễn ra ngày 9/6/2015, trong số các DN hoạt động tại Việt Nam, chỉ có 2% DN lớn, 2% DN vừa, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời, gần 2/3 số DN tư nhân tại Việt Nam vẫn kinh doanh không có lãi. Thế nhưng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhắm đến khối kinh tế tư nhân của Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng được cho là có tiềm năng.

Mục tiêu của Mekong Capital khi vào thị trường Việt Nam là lựa chọn đầu tư vào các DN tư nhân. Theo ông Chris, kể từ giữa những năm 90, số lượng các DN có thể đầu tư vào ngày càng nhiều. Đây là khu vực rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư nước ngoài như MeKong Capital thường đầu tư nhiều hơn vào các DN thuộc loại hình tư nhân, bởi các DN Nhà nước nhìn chung chưa hấp dẫn đầu tư. Tuy khung pháp lý đã được cải thiện, chẳng hạn như Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, nhưng tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn của các DN Nhà nước và muốn đầu tư phải có sự chấp thuận của Nhà nước.

Ngoài ra, nếu đầu tư vào khối tư nhân, Quỹ sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đến kết quả của các khoản đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả các khoản đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả các khoản đầu tư đó.       

Tin bài liên quan