Vốn ngoại chọn chảy theo cách mới

Vốn ngoại chọn chảy theo cách mới

(ĐTCK) 43.000 tỷ đồng là tổng số dư nợ ký quỹ chứng khoán mà các công ty chứng khoán báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tính đến cuối tháng 5/2018. Con số này giảm khoảng 10% so với cuối tháng 4/2018 nhưng lại cao hơn thời điểm cuối năm 2017 khoảng 12%.

Dòng tiền margin này không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định hiện hành (Thông tư 203/2015/TT-BTC) thì nhà đầu tư nước ngoài không được phép giao dịch ký quỹ. Nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài không được sử dụng tiền vay (tại các CTCK Việt Nam) để đầu tư chứng khoán Việt Nam.

Tháng 5/2018, TTCK chứng kiến nhiều phiên nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh như các phiên 21/5 (436 tỷ đồng), 22/5 (596 tỷ đồng), 25/5 (508 tỷ đồng)... Lượng bán ròng này chủ yếu tập trung vào nhóm VN30 thuộc ngành bất động sản, ngân hàng là những ngành đã tăng giá mạnh từ cuối năm 2017 và quý I/2018. Tuy nhiên, giá trị vốn ngoại chảy vào ròng lũy kế 5 tháng đầu năm nay đạt khoảng 2,35 tỷ USD (bằng 80% mức vào ròng của cả năm 2017) và cao hơn nhiều so với mức vào ròng năm 2016 (1,28 tỷ USD).

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Vì sao vốn ngoại vào ròng và việc vào ròng này chảy theo các kênh nào? Thực tế, khác với cách nhà đầu tư cá nhân chọn mua cổ phiếu, các tổ chức đầu tư nước ngoài khi chọn đầu tư vào TTCK thường trải qua những giai đoạn nghiên cứu, thẩm định cơ hội. Có những thương vụ đầu tư lớn, thời gian thẩm định kéo dài vài năm, nhất là các nhà đầu tư kỹ tính đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không phải thương vụ nào khối ngoại cũng thắng, nhưng khi họ có những lý do vững tin để đầu tư, việc bán ra trên TTCK chủ yếu là để tái cơ cấu danh mục trong một giai đoạn nhất định. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường, các quỹ ngoại trên TTCK Việt Nam không có tâm trạng tháo chạy, cắt lỗ, mất bình tĩnh như nhiều nhà đầu tư cá nhân vừa phải trải qua trong những phiên đỏ lửa tháng 5.

Sự "vào, ra" của khối ngoại là một quá trình sàng lọc. Sau giai đoạn mua rải trên sàn, vốn ngoại gần đây có xu hướng chọn chảy vào một số thương vụ lớn, phù hợp với cách tư duy và "khẩu vị" đầu tư của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đó là mua để nắm giữ một vị thế vững trong doanh nghiệp và cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vinhomes, Thép Việt Ý, Bán lẻ kỹ thuật số FPT, Chứng khoán TP.HCM... là những cái tên được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 5, mua trong trạng thái TTCK chung rơi điểm.

Ðiểm mới đáng chú ý là vốn ngoại đang để mắt tới không gian phái sinh. Tháng 5, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở tăng 12,77% so với tháng trước, đạt 30.995 tài khoản. Tổ chức nước ngoài cũng bắt đầu giao dịch nhiều hơn trên TTCK phái sinh, với 992 hợp đồng được giao dịch thực hiện trong tháng 5, gấp 5 lần so với tháng 4.

Theo dự kiến, tháng 6, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ ra mắt tại HOSE. Cùng với đó, sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đang được HNX gấp rút xây dựng, sẽ mở thêm không gian cho vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam.

Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán từng kiến nghị Bộ Tài chính nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài cũng được giao dịch ký quỹ để tạo sự công bằng với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, vốn ngoại chưa cần ký quỹ cũng đang có tổng giá trị danh mục trên 36 tỷ USD, tính đến đầu tháng 6/2018. Ðây là mức vốn hóa cao nhất của khối ngoại trên TTCK Việt Nam từ trước tới nay.

Tin bài liên quan