Cơ hội tăng trưởng dài hạn
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam là 1 trong 21 nước được IMS Health xếp vào nhóm có tăng trưởng ngành dược cao nhất (pharmerging markets). Nhóm này được coi là động lực phát triển cho ngành dược thế giới, dự kiến sẽ sớm chiếm khoảng 1/3 tổng tiêu thụ thuốc toàn cầu so với mức 1/4 hiện tại.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở khoảng thấp nhất khi chi tiêu thuốc trên đầu người còn cách xa ngưỡng trung bình 85 USD/người của nhóm. Chưa kể, việc sắp qua thời kỳ dân số vàng, chuẩn bị già hóa, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng thuốc tại thị trường nội địa sẽ dần tăng lên trong tương lai, vì vậy, dư địa tăng trưởng trong dài hạn của ngành dược còn rất lớn.
Với các lý do kể trên, không khó hiểu khi Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các tập đoàn dược phẩm nước ngoài.
Theo đó, để thâm nhập sâu vào thị trường, nhiều tập đoàn quốc tế sử dụng chiến lược M&A các doanh nghiệp dược phẩm lớn trong nước để tận dụng cơ sở sản xuất và đặc biệt là hệ thống phân phối sâu rộng, bởi theo quy định của Việt Nam, các doanh nghiệp dược phẩm ngoại không được trực tiếp phân phối thuốc mà phải thông qua các công ty trong nước. Xu thế này được thể hiện khá rõ ở những “anh lớn” ngành dược trong vài năm qua.
Nhà đầu tư ngoại chen chân
Tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), CFR International SPA được ví von có pha bắt đáy thành công khi chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược, sở hữu 44,69% vốn của Công ty vào năm 2011, thời điểm giá cổ phiếu đang ở mức thấp kỷ lục. 5 năm sau, DMC điều chỉnh trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và chỉ vài ngày sau, CFR International SPA lập tức mua 2 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối, 51,7%.
Với hoạt động kinh doanh tích cực, diễn biến giá cổ phiếu DMC gây ấn tượng trên thị trường, giúp nhiều nhà đầu tư có mức sinh lời bằng lần khi đầu tư cổ phiếu trong khoảng năm 2016 - nửa đầu năm 2017. Thông qua CFR International SPA, công ty mẹ là Abbot, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Hoa Kỳ cũng đã thực hiện hợp đồng giao dịch nhằm nhượng quyền một số sản phẩm của Tập đoàn cho DMC, gia tăng doanh thu tại thị trường Việt Nam.
Sự hợp tác win-win, hai bên cùng có lợi cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Pymepharco (PME), doanh nghiệp có lợi nhuận đứng thứ hai ngành dược, với cổ đông lớn là hãng dược phẩm Stada (Đức) đã tham gia đầu tư từ năm 2008. Nhờ sự chuyển giao công nghệ từ đối tác chiến lược này, Pymepharco đã thành công trong việc nâng cấp dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP - EU.
Cụ thể, Công ty đã thành công trong đợt tái xét lần 3 tiêu chuẩn GMP - EU cho xưởng Cephalosporin thuốc viên vào đầu tháng 10/2017, sắp tới sẽ hoàn thành dự án đầu tư tiêu chuẩn GMP - EU cho xưởng Cephalosporin thuốc tiêm vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Công ty sẽ triển khai kế hoạch đầu tư dự án Nhà máy thuốc viên Non - Betalactam theo tiêu chuẩn GMP - EU trong năm 2018. PME mới niêm yết ngày 8/11 vừa qua và cổ đông lớn này chưa có kế hoạch thoái vốn tại Công ty.
Với trường hợp của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho, một doanh nghiệp dược phẩm của Nhật Bản đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn, sở hữu 24,44% vốn điều lệ DHG thông qua việc nhận chuyển nhượng từ 34 cổ đông ngoại (chủ yếu là nhóm các quỹ liên quan đến Dragon Capital và VinaCapital).
Tại Đại hội đồng cổ đông DHG mới đây, đại diện cổ đông lớn Taisho cho biết, Taisho không có ý định thâu tóm và mong muốn hợp tác cùng phát triển với DHG.
Cụ thể, Taisho đã đề xuất một chương trình lớn với các gói đóng góp về nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy R&D, quản trị sản xuất, hợp tác kinh doanh với Công ty. Tuy nhiên, Nghị quyết HĐQT DHG vào tháng 7 đã thông qua việc nới room ngoại lên 100% khiến giới đầu tư tin rằng, việc cổ đông ngoại Taisho nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% chỉ là vấn đề thời gian. Hiện tại, cổ đông lớn nhất tại DHG vẫn là SCIC đang nắm giữ 43,31% vốn.
Vào thời điểm này, diễn biến thu hút sự chú ý lớn của thị trường là hoạt động thoái vốn của quỹ ngoại tại Công ty cổ phần Traphaco (TRA). Tuy nhiên, ngay khi quỹ ngoại rút lui, nhà đầu tư nước ngoài khác đã chen chân vào. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dược phẩm lớn trong nước đã được các nhà đầu tư ngoại sớm đưa vào tầm ngắm và sẵn sàng hành động khi có cơ hội.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng TP. HCM (HOSE), Magbi Fund Limited và Super Delta Pte Ltd vừa trở thành cổ đông lớn của Traphaco với tổng tỷ lệ sở hữu gần 16,63 triệu cổ phiếu, tương ứng 40% vốn điều lệ Công ty.
Theo lịch sử giao dịch, đây chính là 2 tổ chức đã thực hiện mua thỏa thuận từ Mekong Capital, Vietnam Holding Limited và một số nhà đầu tư ngoại khác trong phiên ngày 6/11 với mức giá 141.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 2.353 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với thị giá khoảng 123.000 đồng/cổ phần của cổ phiếu TRA.
Thông tin ban đầu, cả 2 tổ chức này mới được thành lập trong vài tháng gần đây, trong đó, Magbi Fund Limited có trụ sở tại HongKong và Super Delta Pte Ltd có trụ sở tại Singapore.
Thực tế, diễn biến cổ phiếu TRA đã có sự đột biến ngay từ cuối tuần trước, khi khối lượng khớp lệnh ở mức cao nhất trong lịch sử, hơn 934.000 đơn vị (phiên ngày 3/11), đẩy thị giá cổ phiếu tăng lên 132.500 đồng/cổ phiếu.
Vốn dĩ, TRA là cổ phiếu có thanh khoản thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc, do vậy, việc khối lượng giao dịch tăng đột biến đã gây bất ngờ cho giới đầu tư. Trước khi danh tính 2 tổ chức mua cổ phần trên được công bố, theo luồng tin trên thị trường, có khả năng một công ty dược phẩm Hàn Quốc sẽ mua cổ phần từ đợt thoái vốn của Mekong Capital.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích trong ngành, thương vụ này khá kín tiếng và do đó, khó để đánh giá tác động việc xuất hiện cổ đông mới trong hoạt động của doanh nghiệp.
Giả định nhà đầu tư mới chỉ là nhà đầu tư tài chính thì thương vụ này đơn thuần là “giao dịch trao tay”, có thể sẽ không tác động lớn đến hoạt động Công ty. Ngược lại, nếu nhà đầu tư ẩn danh là một tổ chức cùng ngành, thì nhiều khả năng câu chuyện sẽ tương tự như với các doanh nghiệp đã mở cửa với đối tác ngoại như DHG, DMC, PME.
Theo đó, Traphaco có thể nhận thêm sự hỗ trợ từ đối tác về vốn, quản trị và đặc biệt là chuyển giao công nghệ - điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển bền vững, trong bối cảnh các công ty đầu ngành đang rất chú trọng đến việc đầu tư nâng cấp/xây mới nhà máy theo tiêu chuẩn cao hơn.
Cần lưu ý, TRA là doanh nghiệp đông dược hàng đầu, với năng lực sản xuất được mở rộng nhờ nhà máy mới, có hệ thống phân phối mạnh và đi sâu đến tận các vùng nông thôn Việt Nam, thị trường chiếm tỷ trọng lớn vẫn ở Miền Bắc. Với lợi thế này, việc trở thành mục tiêu hấp dẫn với các tập đoàn dược phẩm nước ngoài không phải không có cơ sở và câu chuyện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dược phẩm sẽ lại trở nên thú vị hơn khi có sự tiếp sức từ các đối tác ngoại.
Một trường hợp “đi ngược” lại chính sách mở cửa của nhiều doanh nghiệp dược lớn là Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) khi vẫn chưa có động thái nới room ngoại. Với lãnh đạo IMP, câu chuyện chống thâu tóm rất được Công ty chú trọng.
Imexpharm được đánh giá là doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, kiên định với mục tiêu “thuốc của IMP chỉ có một chất lượng và chất lượng tốt nhất mà doanh nghiệp có thể sản xuất được”. Theo đó, Công ty đã chú trọng đầu tư nhà máy tiêu chuẩn hiện đại, hiện đang sở hữu 3 dây chuyền sản xuất kháng sinh đạt tiêu chuẩn EU-GMP.
Cơ cấu cổ đông IMP chủ yếu là các nhà đầu tư tài chính, và theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, có khá nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài trong những năm qua đã quan tâm và đặt vấn đề trở thành cổ đông chi phối 51% tại IMP nhưng chưa thành.