Nguy cơ “lệch pha” giữa tăng trưởng quy mô TTCK và “room” tín dụng cho đầu tư cổ phiếu ngày một lớn

Nguy cơ “lệch pha” giữa tăng trưởng quy mô TTCK và “room” tín dụng cho đầu tư cổ phiếu ngày một lớn

Vốn ngân hàng vào chứng khoán: tư duy 5% đã... lạc hậu

(ĐTCK) Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, cho vay đầu tư cổ phiếu của một tổ chức tín dụng bị giới hạn ở mức không quá 5% vốn điều lệ. 

Từ thực tế thị trường và những lùm xùm xung quanh câu chuyện vay vốn đảm bảo bằng cổ phiếu của nhóm công ty CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG), thị trường một lần nữa đặt câu hỏi: giới hạn 5% vốn điều lệ nêu trên có hợp lý?

Cho vay đầu tư cổ phiếu: 5% vốn điều lệ là chưa hợp lý

Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2015, tổng quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước là 137.093 tỷ đồng, tăng 2,14%; tổng quy mô vốn điều lệ các ngân hàng thương mại cổ phần là 193.977 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2014. Tính chung, tổng quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (không tính ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 331.070 tỷ đồng, tăng gần 5%.

Trong khi đó, trên TTCK, vốn hóa thị trường cuối năm 2015 đạt 1.298.530 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm 2014. Như vậy, cuối năm 2015, xét về con số tuyệt đối và tỷ lệ tăng trưởng, vốn hóa TTCK lớn hơn 3 lần vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại. Thêm vào đó, thanh khoản thị trường tăng lên cùng với việc cổ phần hóa các DNNN lớn, cũng như việc thoái vốn cổ phần sở hữu nhà nước diễn ra khá dày đặc như hiện nay, nhu cầu vốn tài trợ cho tín dụng sẽ ngày một lớn hơn nữa. Đó là chưa nói đến nhu cầu vay vốn đầu tư vào các loại cổ phiếu chưa niêm yết khác.

Ở chiều ngược lại, với khối các ngân hàng thương mại, ở quy mô vốn hiện nay, việc tăng vốn có thể tiếp tục diễn ra, nhưng sẽ khó bứt phá. Vì thế, quy định cho vay đầu tư cổ phiếu của một tổ chức tín dụng không quá 5% vốn điều lệ nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng lệch pha ngày một lớn giữa tăng trưởng quy mô TTCK và “room” tín dụng cho đầu tư cổ phiếu. 

Mục tiêu an toàn hay nắn dòng vốn?

Theo quy định tại Thông tư 36, định nghĩa về cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu bao gồm tất cả các hình thức cho vay mà khách hàng dùng tiền để tài trợ cho việc mua cổ phiếu, góp vốn cổ phần, cũng như cho vay ứng trước tiền đối với khách hàng đã bán chứng khoán và sử dụng vốn vay để mua cổ phiếu.

Với quy định này, dường như mục đích của việc giới hạn tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ tổ chức tín dụng mang tính nắn dòng tiền vào lĩnh vực chứng khoán, hơn là việc đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng. Bởi vì, không tính các khoản cho vay cầm cố bằng chứng khoán, thì các khoản vay được đảm bảo bằng loại tài sản khác như: trái phiếu, vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm, hay cho vay ứng trước tiền bán…, độ rủi ro của ngân hàng trong các giao dịch này rất thấp, nếu tỷ lệ tài sản cầm cố trên các khoản vay ở mức hợp lý.

Vậy “tỷ lệ 5% vốn điều lệ ngân hàng” nêu trên có còn phù hợp, nhất là trong bối cảnh sự lệch pha giữa tăng trưởng quy mô TTCK và vốn điều lệ ngân hàng đang ngày một lớn? Trong khi đó, vốn chủ sở hữu phản ánh năng lực tài chính thực sự của ngân hàng, có thể lại khác xa vốn điều lệ. Xét ở góc độ an toàn cho tổ chức tín dụng, quy định nêu trên hiện không đảm bảo đủ an toàn.

Câu chuyện của một ngân hàng thương mại nhận cầm cố hơn 60% vốn điều lệ CTCP Quốc tế Nông nghiệp HAGL (mã HNG, tính quy đổi theo tỷ lệ sở hữu trái phiếu) cho các khoản trái phiếu đã mua là ví dụ cho thấy, đây mới chính là vấn đề của tín dụng ngân hàng. Cho vay dù với các mục đích khác nhau, nhưng nếu cơ chế quản trị phòng ngừa rủi ro không chặt chẽ, đặc biệt khi đặt quá nhiều “trứng vào một giỏ”, thì rủi ro cho phía ngân hàng là rất lớn. Việc các nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu HNG vay vốn tại ngân hàng là bình thường, nhưng việc một ngân hàng nhận cầm cố quá nhiều cổ phiếu của một doanh nghiệp, dẫn tới nguy cơ trở thành công ty mẹ của một doanh nghiệp là không phù hợp.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quá trình xây dựng Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ đã đưa ra giới hạn về mức cho vay trong tương quan sở hữu của công ty chứng khoán với một doanh nghiệp và với tương quan vốn chủ sở hữu của chính công ty chứng khoán.

Câu chuyện của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, tư duy quản lý theo tỷ lệ 5% vốn ngân hàng vào chứng khoán vẫn để lọt những rủi ro không nhỏ. Mối tương quan giữa dòng vốn ngân hàng vào TTCK, vì thế cần được xây dựng lại theo một tư duy mới, tăng khả năng quản trị rủi ro cho các chủ thể và giảm bớt các hạn chế dòng chảy vốn bằng mệnh lệnh hành chính.

Tin bài liên quan