Dòng vốn Hàn Quốc chảy mạnh
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tục đón nhận thêm nhiều dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc.
Ngày 28/3/2018, nhóm quỹ đầu tư thuộc Công ty Quản lý quỹ Korea Investment Management Co,. Ltd (KIM) của Hàn Quốc, bao gồm KITMC Worldwide Vietnam Fund 2 và KIM Vietnam Growth Equity Fund, công bố trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI) từ ngày 26/3/2018 với tỷ lệ sở hữu 5,08%. Đây là thương vụ đầu tư mới nhất của KIM trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, các quỹ đầu tư thuộc KIM đã đầu tư vào nhiều cổ phiếu niêm yết trong những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018 và trở thành cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (PAC) từ tháng 6/2017, Công ty cổ phần Ðầu tư Thương mại SMC (SMC) từ tháng 11/2017, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) từ tháng 1/2018. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư này nắm giữ một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, HPG, GAS, VCB…
Trong lĩnh vực bảo hiểm, tháng 5/2017, Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI) - Tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI) - một trong những đơn vị có thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam. Đến tháng 8/2017, SFMI chi 533 tỷ đồng để nắm giữ 20% cổ phần PGI thông qua phát hành riêng lẻ.
Trong lĩnh vực chứng khoán, ngoài thương vụ đầu tư của KIM vào VCI, tháng 9/2017, KB Securities - công ty con của KB Financial (Hàn Quốc) đã chi khoảng 33 triệu USD để mua gần 100% cổ phần của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI). Tháng 11/2017, NH Investment & Securities Co., Ltd (Hàn Quốc) đã nâng sở hữu tại Công ty Chứng khoán Woori CBV lên 96,15% vốn điều lệ.
Hiện nay, nhà đầu tư Hàn Quốc đang trực tiếp sở hữu không ít công ty chứng khoán tại Việt Nam như Worri CBV, MSI, Shinhan Việt Nam, KIS Việt Nam, Mirae Asset…
Đối với lĩnh vực bất động sản, trong đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cuối tháng 11/2017, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial - doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, trực thuộc Tập đoàn Teakwang, đã chi khoảng 430 tỷ đồng để sở hữu 10,2% cổ phần DIG.
Trong tháng 5/2017, báo chí Việt Nam và Hàn Quốc đưa tin Teakwang ngỏ ý muốn mua cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn Gemadept (GMD). Trong thời gian này, một tập đoàn khác đến từ Hàn Quốc là CJ mua lại phần vốn góp của GMD tại một công ty bất động sản và hai công ty vận tải.
Cụ thể, sau khi mua 15% phần vốn còn lại của GMD tại Gemadept Tower trong tháng 10/2017, CJ Logistics nhận chuyển nhượng lần lượt 50,9% và 49% phần vốn góp của GMD tại liên doanh CJ Gemadept Logistics và CJ Gemadept Shipping trong tháng 1/2018.
Một số ý kiến nhận định, CJ có thể sẽ mua cổ phần GMD - doanh nghiệp hàng đầu ngành logictics Việt Nam, trong thời gian tới. Trong khu vực, CJ đã và đang góp vốn vào nhiều doanh nghiệp logicstics tại Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Á.
Kỳ vọng hợp tác lâu dài
Bên cạnh những thương vụ đầu tư tài chính đơn thuần, tại nhiều doanh nghiệp, sau khi sở hữu cổ phần, nhà đầu tư Hàn Quốc đã để lại dấu ấn khi tham gia sâu vào quản trị, điều hành, giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động.
Chẳng hạn, Tập đoàn E-Land trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) từ năm 2009, giữa lúc TCM gặp nhiều khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và chỉ thoát lỗ nhờ đánh giá lại cách tính khấu hao tài sản.
Với việc E-Land cử thành viên tham gia Hội đồng quản trị và Ban điều hành TCM, trực tiếp định hướng, quản lý từ thu mua nguyên vật liệu đến sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm…, kết quả kinh doanh của TCM có sự chuyển biến rõ nét. Năm 2017 vừa qua, doanh thu của TCM đạt 3.209 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 192,6 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,1 lần và 38,5 lần năm 2008. Năng lực sản xuất của TCM được mở rộng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành dệt may Việt Nam. Thị giá cổ phiếu TCM trên sàn chứng khoán hiện cao hơn 6 lần so với thời điểm E-Land đầu tư năm 2009.
Tính đến tháng 3/2018, E-Land sở hữu 43% cổ phần TCM, 3/6 thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc TCM là các đại diện đến từ đối tác Hàn Quốc. Việc Đại hội đồng cổ đông năm 2017 của TCM thông qua phương án mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100% được xem là động thái để E-Land tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu và tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị, điều hành của TCM trong thời gian tới.
KIS Việt Nam cũng là một trong những điển hình về sự hỗ trợ quản trị và tài chính của nhà đầu tư Hàn Quốc, giúp doanh nghiệp “đổi vận”.
Tiền thân là Công ty Chứng khoán Gia Quyền, thuộc nhóm công ty chứng khoán vừa và nhỏ, năm 2010, KIS thua lỗ 57,6 tỷ đồng. Sau khi được Tập đoàn KIS của Hàn Quốc mua lại và tăng vốn, đầu tư nhân sự, đẩy mạnh cho vay ký quỹ (margin)…, đến nay, KIS đã góp mặt trong Top 10 về thị phần môi giới và chất lượng dịch vụ được đánh giá cao.
Tại PGI, kết thúc năm 2017, năm đầu tiên đánh dấu sự hợp tác chiến lược với cổ đông ngoại, PGI đạt kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu bảo hiểm 2.331 tỷ đồng, tăng 12,8%; lợi nhuận sau thuế 127,4 tỷ đồng, tăng 24,9% so với năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 8,7%, thuộc Top cao nhất trong khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Hợp tác với SFMI, Ban lãnh đạo PGI kỳ vọng sẽ tận dụng được kinh nghiệm 60 năm hoạt động của đối tác để phát triển kênh bán bảo hiểm trực tuyến, tiếp thị sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm soát tổn thất…, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Tại GMD, đối tác Hàn Quốc quyết định để Công ty tiếp tục trực tiếp điều hành sản xuất - kinh doanh tại 2 liên doanh trên. Ban lãnh đạo GMD chia sẻ, việc hợp tác giữa GMD và CJ Logistics kỳ vọng sẽ đưa GMD trở thành doanh nghiệp logistics hàng đầu khu vực thông qua tận dụng lợi thế kinh doanh của cả hai bên. GMD có kinh nghiệm, am hiểu địa phương và mối quan hệ hợp tác tốt với các đối tác lớn, còn CJ Logistics có lợi thế trong ngành logistics với mạng lưới ở tất cả các châu lục.
Triển vọng thu hút vốn gia tăng
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016. Trong đó, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư. 2 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư từ Hàn Quốc đạt 851,2 triệu USD, chiếm 25,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam, đứng đầu danh sách.
Những năm qua, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong làn sóng di chuyển vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc nhờ chi phí sản xuất thấp, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, cơ cấu dân số trẻ, khung pháp lý cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi… Song song với trực tiếp thành lập doanh nghiệp, phát triển dự án, các thương vụ mà nhà đầu tư Hàn Quốc góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp niêm yết, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị.
Trong năm 2018, hoạt động thoái vốn, bán vốn nhà nước dự kiến diễn ra sôi động, nhiều doanh nghiệp đầu ngành đang lựa chọn đối tác chiến lược như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3…, số lượng thương vụ góp vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Ngày 13/3/2018, Ban lãnh đạo Taekwang Power, thành viên Tập đoàn Taekwang đã làm việc với lãnh đạo PV Power để tìm kiếm cơ hội trở thành cổ đông chiến lược.
Đầu tháng 3/2018, báo chí Hàn Quốc đưa tin, KEB Hana Bank, thuộc Tập đoàn tài chính Hana đang có kế hoạch trở thành cổ đông của BIDV trong quá trình Ngân hàng tìm kiếm đối tác chiến lược.
Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư cổ phiếu PV Oil” tháng 1/2018, Tổng giám đốc PV Oil Cao Hoài Dương cho biết, một trong 6 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký muốn trở thành đối tác chiến lược của Tổng công ty đến từ Hàn Quốc.
Dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc tăng mạnh là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tìm kiếm đối tác chiến lược, tận dụng tiềm lực tài chính, kinh nghiệm của đối tác, tạo ra lợi thế cạnh tranh và động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng giống như dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản hay châu Âu, theo lãnh đạo một hiệp hội doanh nghiệp của Hàn Quốc, một trong những khó khăn của nhà đầu tư xứ Kim chi khi tìm hiểu đối tác Việt Nam là tính minh bạch của nhiều doanh nghiệp chưa cao và chất lượng quản trị còn hạn chế. Đây là điều các doanh nghiệp Việt muốn gọi vốn xứ Hàn cần sớm khắc phục.