Tỷ giá USD/VNĐ được dự báo sẽ dao động lên xuống

Tỷ giá USD/VNĐ được dự báo sẽ dao động lên xuống

Vốn chứng khoán ngoại làm nóng nhà băng

Các ngân hàng thương mại xác nhận, nguyên nhân chủ yếu kéo giá USD xuống thấp so với VND là do dòng vốn lớn từ túi các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột quay lại thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng CP thương mại ngoài quốc doanh (VPBank) nhận xét, một lượng USD lớn đổ vào Việt Nam khiến nhu cầu bán ra để đổi lấy VND tăng vọt. Đây là nguyên nhân chính khiến USD giảm giá trong những ngày gần đây.

 

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng xác nhận, cùng với sự nóng lên của thị trường chứng khoán, 2 tuần gần đây, lượng USD về ngân hàng này dồi dào hơn trước rất nhiều. Ông cho hay, riêng khối khách hàng thông thường mỗi ngày đã bán cho ngân hàng khoảng 5 triệu USD, trong khi thời gian trước chỉ khoảng 3 triệu. Những ngày các tổ chức nước ngoài có nhu cầu đổi tiền USD sang VND để đổ vào thị trường chứng khoán, lượng ngoại tệ đổ về còn nhiều hơn.

 

Hiện lượng USD dồn về Ngân hàng thương mại CP Xuất nhập khẩu (Eximbank) mỗi ngày trung bình khoảng 5 triệu USD, có hôm đột biến tăng gần gấp đôi, lên đến 9 triệu USD. Tình trạng dồi dào USD cũng diễn ra tương tự ở những ngân hàng thương mại cổ phần khác.

 

Lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận xét, tuy chưa thể bằng đầu năm, song lượng nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường đã tăng mạnh.

 

Vn-Index từ chỗ mấp mé ngưỡng 1.000 điểm, vọt lên đỉnh 1.106,6 điểm hôm 3/10. Có hôm, hàn thử biểu tiến thêm đến hơn 30 điểm. Chứng khoán nóng cũng là lúc các quỹ nước ngoài đua nhau rót vốn. Theo quy định, các nhà đầu tư nước ngoài phải đổi ngoại tệ ra tiền đồng để mua chứng khoán, lượng ngoại tệ trên thị trường vì vậy cũng dồi dào hơn.

 

Trong đầu tháng 9, lượng mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 120 tỷ đồng. Những ngày giao dịch sôi động nhất, như ngày 14 và 17/9, dòng vốn ngoại mua vào chỉ đạt trên dưới 117-118 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, đến ngày 19/9, thị trường bắt đầu có chuyển biến, khi giá trị mua vào của các nhà đầu tư ngoại tại riêng sàn TP HCM nhích lên trên 160 tỷ đồng, chiếm 23% giao dịch toàn thị trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư này còn giao dịch thỏa thuận mua vào 3 trái phiếu trị giá gần 146 tỷ đồng. 

 

Từ ngày 20/9, dòng vốn ngoại bắt đầu bứt phá khi giá trị mua vào luôn đạt trên 200 tỷ đồng, và nhích dần từng ngày. Đến ngày 27 cùng tháng, lượng vốn ngoại đổ vào để mua cổ phiếu đột ngột chuyển động mạnh, tăng lên trên 300 tỷ đồng, và đạt tới trên 474 tỷ đồng vào ngày 2/10. Lượng vốn mua vào lúc này đã gấp 2-3 lần số vốn các nhà đầu tư rót vào thị trường trong vòng gần nửa tháng trước.

 

Ngoài những khoản vốn lớn đổ lại vào thị trường, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giao dịch thỏa thuận để mua vào với số lượng vài chục nghìn đến vài trăm nghìn cổ phiếu.

 

Lượng tài khoản mới mở của các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chứng khoán cũng gia tăng rất nhanh, đem theo một lượng ngoại tệ không nhỏ. Nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật, Trung Quốc. Các công ty chứng khoán thậm chí còn lập hẳn một phòng chuyên tư vấn cho nhóm khách hàng này.

 

Thêm vào đó, những thương vụ mua bán cổ phần của các ngân hàng ngoại với các nhà băng nội gần đây làm lượng ngoại tệ thêm lớn. Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) chi 225 triệu USD mua 10% cổ phần của Bảo Việt và tăng vốn góp lên 33,7 triệu USD để sở hữu 15% cổ phần của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Deutsche Bank AG cũng mua 10% cổ phần của Habubank. Theo quy định, khi tính ra vốn chủ sở hữu, các ngân hàng phải quy ra bằng tiền đồng.

 

Tỷ giá đồng đôla giảm liên tục không thể là tin vui với ngân hàng. Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, các nhà băng bán ra theo giá niêm yết đang bị lỗ, đều không muốn nhận thêm USD và "đẩy" VND ra ngoài.

 

Một quan chức của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội thừa nhận, lượng USD đổ vào các ngân hàng trong thời gian gần đây tăng mạnh, song ông này cho rằng, chưa thể khẳng định các ngân hàng thừa ngoại tệ, vì chưa có căn cứ xác thực về lượng USD dồn về là bao nhiêu.

 

Theo vị quan chức này, một lý do khác kéo giá trị USD đi xuống là lượng tiền đồng không tăng lên tương ứng, khi mà Ngân hàng Nhà nước phải theo đuổi chính sách thận trọng để điều tiết cho phù hợp với chủ trương chung hạn chế lạm phát.

 

Một chuyên gia tài chính cũng dự báo, trong bối cảnh lạm phát leo thang như hiện nay, khả năng Ngân hàng Nhà nước mua vào USD rất khó thành hiện thực. Vậy nên, từ nay đến cuối năm, giá USD vẫn duy trì ở mức thấp.

 

Cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nào cho thấy cơ quan này sẽ can thiệp vào tỷ giá USD/VND.

 

Tuy nhiên, theo vị quan chức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, nếu giá USD tiếp tục sụt giảm mạnh so với VND, có thể Ngân hàng nhà nước sẽ mua vào USD hoặc tăng lượng VND và sử dụng một số công cụ tài chính khác.