Vốn cho margin: Vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng trực chờ

Vốn cho margin: Vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng trực chờ

(ĐTCK) Dường như cả CTCK và ngân hàng đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho Thông tư 36. Với câu chuyện huy động vốn mới của CTCK, vốn cho margin là... chuyện nhỏ.

Đã có ý kiến cho rằng, Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ tạo ra một cú sốc về tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất mà thị trường nhận được trong ngắn hạn, có thể sẽ là cú sốc tâm lý, nhiều hơn là cú sốc dòng tiền thực sự.

Margin: CTCK còn nhiều dư địa

BCTC công ty mẹ CTCP Chứng khoán SSI cho thấy, tại ngày 30/9/2014, Công ty 2.535 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 3 tháng được hạch toán vào đầu tư ngắn hạn. Trong khi đó, số dư cho vay giao dịch ký quỹ của SSI tại cùng thời điểm này là hơn 1.949 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu 5.376 tỷ đồng.

Tại thời điểm trên, SSI có tổng giá trị các khoản vay thấu chi hơn 1.350 tỷ đồng tại các ngân hàng BIDV, BaoViet Bank, VPBank, nhưng các khoản này đều được đảm bảo bằng tiền gửi tiết kiệm của Công ty. Điều này có nghĩa là, cơ hội để SSI tăng cho vay ký quỹ là rất lớn, dù Công ty có dùng đến vốn vay hay không.

Tại CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), tính đến hết quý III/2014, với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 2.390 tỷ đồng, số dư cho vay giao dịch ký quỹ lên tới 1.884 tỷ đồng, nhưng do tập trung hoạt động chủ yếu thiên về dịch vụ chứng khoán, nên HSC cũng mới chỉ dùng đến 100 tỷ đồng vốn vay ngân hàng.

Tương tự với SSI, HSC, CTCP Chứng khoán FPTS, dù hoạt động margin phát triển mạnh, nhưng Công ty cũng chỉ sử dụng rất ít lượng vốn vay ngân hàng. BCTC quý III/2014 của FPTS cho thấy, trong kỳ, công ty này chỉ sử dụng 194 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn và được hoàn trả ngay. Trong khi đó, FPTS cũng có khoản tiết kiệm kỳ hạn trên 3 tháng.

Thống kê với 3 CTCK thuộc top10 thị phần môi giới trên cho thấy, các CTCK vẫn chưa sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng. Con số hơn 17.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực chứng khoán như thống kê của UBCK cuối tháng 10/2014, dù tăng mạnh so với đầu năm 2014, càng có cơ sở hơn để cho rằng, rất ít phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng và có cơ hội tăng trưởng tiếp tục khi TTCK tích cực.

Ngân hàng: không bất ngờ với Thông tư 36

Trước khi được chính thức ban hành, Dự thảo Thông tư 36 đã được NHNN gửi tới các ngân hàng thương mại. Từ đầu năm nay, thị trường đã xôn xao với thông tin sẽ giới hạn tỷ lệ cho vay cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ ngân hàng. Điều này có nghĩa, dù thận trọng ít hay nhiều, các ngân hàng thương mại cũng đã có sự chuẩn bị nhất định cho bước đi này.

Thống kê của NHNN cho thấy, tổng dư nợ cho vay cổ phiếu (có nghĩa là không chỉ có cho vay đầu tư cổ phiếu niêm yết trên sàn) ở mức 4% vốn điều lệ các NHTM, nên mức giới hạn 5% vốn điều lệ sẽ không gây tác động xấu cho TTCK.

Tất nhiên, cho vay cổ phiếu không chỉ có margin tại các CTCK và con số margin mà các CTCK đang hạch toán trên BCTC, thực tế có thể chưa phản ánh đầy đủ tình trạng vay nợ đầu tư cổ phiếu hiện nay. Với đủ các chiêu “lách” quy định, bao gồm cả các khoản đặt cọc mua trái phiếu kéo dài nhiều tháng của NHTM tại các CTCK, dòng vốn vào TTCK  sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào kỳ vọng thị trường và sức hấp thụ tín dụng các kênh của nền kinh tế, hơn là các quy định mang tính hành chính.

Thu xếp vốn cho đầu tư chứng khoán: bước đi mới của CTCK

Chưa sử dụng nhiều vốn vay, nhưng ngay cả khi nhu cầu vốn cho các NĐT vay margin lớn, các CTCK trong vẫn có.

Cuối tháng 10/2014, CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) công bố phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu.  Trái phiếu trên không chỉ là một kênh đầu tư hợp lý cho các NĐT với lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, mà còn giúp NĐT linh hoạt vốn đầu tư chứng khoán. Theo đó, khi NĐT có nhu cầu vay vốn đầu tư chứng khoán, trái phiếu này sẽ được sử dụng để cầm cố và giao dịch.

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, nhu cầu của NĐT trong việc mua trái phiếu của VCBS vẫn rất lớn và trong thời gian tới đây, công ty này sẽ có thể tiếp tục phát hành thêm một đợt trái phiếu nữa.

Thành công của VCBS sẽ mở ra cơ hội mới cho các CTCK: thay vì huy động vốn vay ngân hàng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh, CTCK sẽ huy động trực tiếp vốn vay từ các thành phần kinh tế khác.

Với cách làm này, CTCK sẽ chủ động được nguồn vốn phục vụ kinh doanh; khách hàng có thêm công cụ để tối ưu hóa nguồn tiền. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào uy tín và điều kiện của CTCK.

Tin bài liên quan