VN-Index về vùng 1.000 điểm, cơ hội mở ra

VN-Index về vùng 1.000 điểm, cơ hội mở ra

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán có thể xuất hiện những phiên hồi phục. Cơ hội có thể xuất hiện ở một số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, blue-chips đã giảm sâu.

"Những cơ hội đầu tư giá trị khá hợp lý vào một số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản"

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng nghiên cứu phân tích - khách hàng cá nhân, CTCK Maybank Kim Eng 

VN-Index tính từ đỉnh cao nhất đã ghi nhận mức giảm hơn 14% chỉ trong vòng chưa đến một tháng giao dịch. Kết quả này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường mất điểm vào loại mạnh nhất trong tháng 4 vừa qua trên bình diện khu vực và thế giới. Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chính là thị trường tăng mạnh nhất thế giới trong quý I/2018.

Sau quá trình điều chỉnh mạnh, P/E hiện tại của thị trường giảm từ mức đỉnh hơn 22 lần về còn 18 lần, mức tương đồng hơn với các thị trường trong khu vực. Đây là chỉ dấu đầu tiên để đoán định về khả năng đà điều chỉnh sẽ dịu lại và xa hơn là mong đợi những đợt hồi phục.

Dù vậy, chìa khóa quan trọng nhất hiện nay để kích hoạt lại lực mua trên thị trường liên quan chặt đến cách hành xử của khối ngoại. Không thể không nhìn nhận, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng điều chỉnh của thị trường trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều là do khối ngoại “quay ngược”, bán ròng mạnh trên thị trường giai đoạn tháng 4.

Cá nhân tôi cho rằng, sẽ cần nhìn thấy khối ngoại ít nhất giao dịch cân bằng trở lại trước khi đi đến kết luận thị trường đã có điểm cân bằng.

Xu hướng ngắn hạn đang là giảm và chúng ta chờ đợi những tín hiệu để đưa đến kết luận xu hướng giảm này đã chấm dứt. Rủi ro lớn nhất hiện nay tiếp tục là vấn đề khối ngoại bán ròng. Ngoài ra, những rủi ro mang tính hệ thống như “cú sốc” có thể có tại các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới luôn là điều cần để mắt đến vào lúc này.

Đối với sức khỏe nền kinh tế Việt Nam, đến hiện tại vẫn không có nhiều lý do để lo ngại.

Mức độ phân hóa của thị trường sẽ cao hơn đáng kể ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Vì vậy, lựa chọn theo nhóm ngành không hẳn là giải pháp có hiệu quả.

Thay vào đó, nhà đầu tư cần đi sâu hơn nữa vào việc tìm kiếm những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững mạnh và nhờ vào pha giảm giá vừa qua đã có một mức định giá “dễ chịu” cho việc tham gia vào. Cá nhân tôi bắt đầu nhận thấy những cơ hội đầu tư giá trị khá hợp lý vào một số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản sau quá trình rơi mạnh vừa qua của nhóm ngành này.

"Khả năng thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh giảm nữa"

 Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp Phòng Phân tích, CTCK Bản Việt

Khả năng thị trường có một nhịp phục hồi, nhưng chưa thể xem là tăng trưởng trở lại. Thường trong một xu hướng giảm, sẽ có vài nhịp phục hồi, tôi kỳ vọng trong ngắn hạn (khoảng 1 - 3 tuần), chỉ số VN-Index có thể tăng lại.

Có 2 mốc có thể kỳ vọng, kịch bản trung bình là 1.070 điểm, tích cực hơn là 1.140 điểm, chủ yếu do sóng đầu cơ, dòng tiền vào thị trường mà không có yếu tố hỗ trợ cơ bản khác.

Diễn biến này sẽ được cộng hưởng thêm một chút nếu thị trường thế giới không có diễn tiến xấu. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Mỹ đi lên và ổn định cũng là động lực cho thị trường Việt Nam đi lên vững hơn.

Trong quá trình này, những cổ phiếu giảm sâu hoặc cổ phiếu blue-chip sẽ có cơ hội hồi phục trở lại. Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng là 10 - 20% mỗi mã, đủ sức hấp dẫn để các nhà đầu tư ngắn hạn tham gia lướt sóng. Lưu ý, chỉ là lướt sóng, bởi khả năng thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh giảm nữa. Do vậy, nhà đầu tư chỉ nên tham gia ở mức vừa phải và nên đặt ra một mức để cắt lỗ (chẳng hạn thị trường không như kỳ vọng và quay về khoảng 990 điểm).

Xu hướng của thị trường chứng khoán trong nước trung và dài hạn vẫn là tăng trưởng, với mục tiêu 1.250 điểm cho chỉ số VN-Index vào cuối năm 2018.

"Nên chọn chiến lược giao dịch linh hoạt"

 Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc, CTCK Kiến thiết Việt Nam

VN-Index giảm từ đỉnh hơn 1.200 điểm xuống quanh ngưỡng 1.000 điểm, tương ứng mức giảm 14% là mức giảm đủ lớn để thị trường có sự hồi phục. Nhiều cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng đã giảm hơn 20%.

Phiên 3/5, thị trường hồi phục đi kèm cải thiện về thanh khoản là yếu tố tích cực trong ngắn hạn, giúp chỉ số cân bằng trở lại và nhiều cổ phiếu có thể đi lên. Nhà đầu tư giải ngân quanh vùng 1.000 điểm có thể kỳ vọng thị trường có nhịp hồi phục đáng kể trong ngắn hạn.

Xu hướng thị trường đang ở trong nhịp điều chỉnh mạnh, sự hồi phục mới chỉ bắt đầu và cần kiểm nghiệm lại qua các vùng kháng cự ở MA20, tương đương vùng 1.100 - 1.200 điểm. Nếu kiểm nghiệm thành công mốc này, thị trường có thể bước vào xu hướng tăng và ngược lại.

Rủi ro thị trường là khối ngoại bán ròng lớn, nếu khối này ngừng bán ròng thì thị trường có nhịp hồi phục tốt. Trạng thái bán ròng của khối ngoại bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường thế giới như Mỹ, châu Âu chưa kết thúc điều chỉnh. Các thị trường này điều chỉnh làm cho các chứng chỉ quỹ ETF giảm mạnh, tác động tới hoạt động các quỹ này và tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài khác.

Động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chi phí vốn tăng đã tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn cầu, khả năng các dòng tiền này cũng thận trọng ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Giao dịch của khối ngoại tương đối khó lường, đây cũng được xem là rủi ro cần tính đến ở thời điểm này.

Sự bất ổn thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua bắt nguồn từ thế giới, để thị trường Việt Nam thực sự ổn định đi lên trở lại, cũng cần các thị trường thế giới ổn định. Năm nay, sự tác động liên thông giữa các thị trường lớn nhỏ rất rõ nét.

Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên chọn chiến lược giao dịch linh hoạt, liên tục quan sát và thay đổi ngay nếu cảm thấy thị trường biến động hoặc nhận định sai.

"Nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm giai đoạn này vẫn là ngân hàng, chứng khoán, dầu khí"

 Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta

Chỉ số VN-Index đang nằm ở quanh mức đáy của tháng 2/2018. Về mặt định giá, P/E thị trường đang khoảng 18 lần, ngang bằng với thị trường Thái Lan, thấp hơn Philippines và Indonesia.

Trong khi trước đó, P/E thị trường Việt Nam khoảng 21 - 22 lần, P/E Thái Lan vẫn 18 lần. Theo đó, mức P/E hiện nay có thể xem là mức khá ổn định của các thị trường Đông Nam Á. Phiên 3/5, chỉ số cũng về quanh vùng này, được xem là ngưỡng hỗ trợ hiện tại.

Xét về các yếu tố chính trị, mối quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên cải thiện là một trong những yếu tố hỗ trợ. Các chỉ số thị trường Mỹ thời gian qua biến động mạnh, nhưng trạng thái tích cực vẫn được duy trì.

Tuy vậy, nhà đầu tư có lẽ vẫn đang quan tâm nhất tới kết quả đàm phán Mỹ - Trung Quốc, yếu tố được cho là có tác động lớn nhất tới diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu. Nếu loại bỏ sự kiện này thì thị trường được xem là đã cân bằng hơn, giá cũng vào vùng hấp dẫn trong ngắn hạn.

Thị trường có thể sẽ có nhịp hồi phục, nhà đầu tư cần chờ đợt kết quả đàm phán cuối tuần này để xác nhận xu hướng tăng và mở trạng thái mua mới; bán bớt hoặc quyết định giữ dài hơn.

Thời gian qua, USD tăng mạnh khiến rủi ro tỷ giá ở các thị trường tăng lên, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nhóm thị trường mới nổi. Tuy nhiên, yếu tố này có thể chỉ mang tính chất ngắn hạn, vì USD vẫn trong chu kỳ giảm trung và dài hạn. Tôi vẫn có cái nhìn lạc quan về xu hướng rót ròng của khối ngoại trong trung và dài hạn.

Nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm giai đoạn này vẫn là ngân hàng, chứng khoán, dầu khí. Nhóm bất động sản thì cần phải chọn lọc, nên ưu tiên doanh nghiệp có định giá P/E dưới 15 lần, quỹ đất rộng và phân khúc tầm trung và thấp cấp. Vấn đề quan tâm lúc này là định giá, thay vì tăng trưởng của doanh nghiệp. Xin nhấn mạnh là một số cổ phiếu trong nhóm ngành, không phải tất cả.

Tin bài liên quan