Thị trường sẽ duy trì trạng thái đi ngang và có sự phân hóa rõ nét ở các nhóm cổ phiếu

Thị trường sẽ duy trì trạng thái đi ngang và có sự phân hóa rõ nét ở các nhóm cổ phiếu

VN-Index khó điều chỉnh giảm sâu

(ĐTCK) Sau cú giảm điểm mạnh của VN-Index được châm ngòi từ tuần qua, thị trường đã bay hơi hơn 30 điểm, rời xa mốc 600 điểm. Phiên tăng điểm ngày 18/8 và hồi phục ngoạn mục trong cuối phiên hôm qua (19/8) sau khi lao dốc trong phiên sáng ít nhiều giải tỏa tâm lý căng thẳng cho nhà đầu tư. 
 

Nhận định từ nhiều CTCK, khó có thể kỳ vọng thị trường sẽ có những phiên bùng nổ, nhưng cũng sẽ không điều chỉnh giảm sâu.

Có thể thấy, thị trường đang ở giai đoạn tương đối trầm lắng hơn so với những tháng trước đó, đặc biệt là sau khi trải qua sóng tăng khá mạnh trước đó. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect cho rằng, những phiên điều chỉnh vừa qua là do sau một quá trình thị trường hưng phấn đi lên, nhiều nhà đầu tư thực hiện chốt lời. Chính vì vậy, thị trường sẽ cần thời gian để cân bằng trở lại.

“Dù thị trường đang ở trạng thái không được thuận lợi nhưng sẽ khó điều chỉnh giảm sâu, mà duy trì trạng thái đi ngang và có sự phân hóa rõ nét ở các nhóm cổ phiếu”, ông Giang nhận định và cho rằng, về dài hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn tiềm năng và đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng giải chấp trong những phiên gần đây là nguyên nhân đẩy chỉ số giảm điểm, ông Giang cho biết, giải chấp là có nhưng không quá nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nhóm cổ phiếu và về cơ bản, vấn đề giải chấp ở giai đoạn hiện nay không quá nặng nề vì bản thân CTCK và nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm, nên không có hiện tượng giải chấp ồ ạt.

Nhiều CTCK cũng cho biết, vấn đề giải chấp ở các CTCK rất ít do hiện tại, các CTCK thực hiện tỷ lệ cho vay theo quy định.

Nhìn lại diễn biến của thị trường cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, VN-Index đã tăng điểm rất mạnh, từ mức “đáy” 528 điểm (ngày 18/5) đến mức cao nhất 638 điểm (ngày 14/7). Theo CTCK VietinbankSC, sự hưng phấn của thị trường trong giai đoạn tạo đỉnh trên chủ yếu do kỳ vọng của nhà đầu tư, như kỳ vọng từ việc nới room (Nghị định 60) có thể tác động tích cực tới dòng tiền khối ngoại; hay việc ký kết hiệp định TPP sẽ tác động tích cực đến những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, thủy sản, da giầy, cảng biển, logistics; hay Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, quy định người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ được nới lỏng hơn.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại (tháng 8/2015), những kỳ vọng nêu trên đang gặp những trở ngại nhất định. Cụ thể, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho Nghị định 60, TPP bị trì hoãn, Luật Nhà ở cũng đang đợi hướng dẫn cụ thể về việc người nước ngoài mua nhà... Điều này được cộng hưởng với biến động tỷ giá vừa qua khiến thị trường suy giảm.

“Thị trường khó giảm sâu mà sẽ ở trạng thái tích lũy để chờ các thông tin hỗ trợ từ các vấn đề chính sách như đã nêu trên”, ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinbankSC nói.

Chia sẻ với ĐTCK, nhiều CTCK đều có chung nhận định, trong ngắn hạn, TTCK sẽ theo chiều hướng đi ngang. Nguyên nhân có nhiều, nhưng điều quan trọng là chưa nhìn rõ dòng tiền lớn đổ vào thị trường trong thời điểm này. Thực tế, TTCK vẫn chịu nhiều tác động và ảnh hưởng của khối ngoại.

Theo ông Ngô Thế Hiển, Phó phòng phân tích CTCK SHS, thường ở thời điểm này, việc giải ngân của khối ngoại kém hơn so với các tháng trong năm, cộng thêm yếu tố rủi ro tỷ giá, càng khiến khối này giao dịch kém tích cực hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy thị trường đi xuống.

“VN-Index quay lại xu thế suy giảm khiến rủi ro điều chỉnh tăng cao, thị trường đang ở giai đoạn test lại trước khi giao dịch cân bằng và bật tăng nhẹ trở lại trong các phiên cuối của tháng 8”, ông Hiển nhận định.

Theo chu kỳ nhiều năm trở lại đây, tháng 8 thường trùng vào tháng 7 Âm lịch mà nhà đầu tư vẫn gọi là “tháng cô hồn”, nên kịch bản hồi phục một cách bền vững của các chỉ số sẽ gặp khó khăn khi lượng cung tiềm ẩn tại các mức giá cao đang khiến cho hoạt động bắt đáy của nhà đầu tư có phần thận trọng hơn. Đặc biệt, sau những biến động lớn vừa qua, dòng tiền tham gia vào thị trường dè dặt và thận trọng hơn là điều dễ hiểu. Một khi, sự hứng khởi và lạc quan của các nhà đầu tư chưa sẵn sàng, thị trường chưa thể sôi động ngay trở lại. Tuy vậy, sau chu kỳ tăng nóng, thị trường luôn cần một thời gian để suy xét trước khi bước vào một đợt sóng mới.  

Tin bài liên quan