Không chỉ các cổ phiếu cơ bản, đầu ngành, mà các cổ phiếu nhỏ cũng đang thu hút được sự quan tâm của NĐT

Không chỉ các cổ phiếu cơ bản, đầu ngành, mà các cổ phiếu nhỏ cũng đang thu hút được sự quan tâm của NĐT

VN-Index đang đứng trước con sóng lớn

(ĐTCK) Đó là nhận xét của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime (MSI) dựa trên phân tích những chuyển biến của nền kinh tế, những kỳ vọng và cơ hội mới của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2015. Xét theo nhóm ngành, ông đánh giá kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp như thế nào và ngành nào có triển vọng kinh doanh khả quan trong quý cuối năm?

Thống kê kết quả kinh doanh quý III/2015 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, không ít doanh nghiệp có kết quả kém hơn so với năm trước. Điều này không chỉ vì những nguyên nhân nội tại từ phía doanh nghiệp, mà có cả những yếu tố bất lợi tác động như tỷ giá, việc phá giá đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc...

Tuy nhiên, dưới góc độ nền kinh tế thì vẫn có những tín hiệu tích cực như GDP tăng trưởng cao, tín dụng tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiềm chế. Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đi xuống trong quý III/2015 tập trung ở lĩnh vực cao su, chứng khoán, xây dựng, nhưng trong các lĩnh vực này vẫn có những doanh nghiệp đầu ngành đạt kết quả tốt.

"Diễn biến kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ cho các nhóm ngành, lĩnh vực gắn liền với chu kỳ kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, thép, cảng biển, dệt may, thủy điện, nhựa, công nghệ… "

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thực phẩm, sữa, dệt may, hóa dầu, vật liệu xây dựng, thép, cảng biển… có kết quả kinh doanh quý III/2015 tăng trưởng. Những doanh nghiệp này có cơ hội đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý IV.

Như vậy, nhóm cổ phiếu thuộc các lĩnh vực như ông vừa nêu sẽ có cơ hội tăng giá trong giai đoạn cuối năm?

Thực tế cho thấy, một cổ phiếu có giao dịch tốt, thanh khoản tăng cao không chỉ nhờ các thông tin hỗ trợ như sự chuyển biến của kinh tế vĩ mô, cơ hội từ các hiệp định thương mại (đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương -TPP), tác động từ nới “room”..., mà chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan, triển vọng phát triển, các dự án khả thi.

Hiện tại, diễn biến kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ cho các nhóm ngành, lĩnh vực gắn liền với chu kỳ kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, thép, cảng biển, dệt may, thủy điện, nhựa, công nghệ…

Chỉ số P/E của các ngành nghề này đang ở mức hấp dẫn, trong đó cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành, hoặc có lợi thế trong ngành có khả năng sẽ tăng giá mạnh. Trong đó, xét tiêu chí đầu tư theo chu kỳ kinh doanh (Sector Rotation) thì một số nhóm cổ phiếu sẽ thu hút nhà đầu tư hơn các cổ phiếu khác giai đoạn từ nay đến cuối năm là xây dựng hạ tầng, cảng biển, mía đường, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, thép… Một số cổ phiếu đáng chú ý là BVH, VCB, TCM, SHP, VSH...

VN-Index đang đứng trước con sóng lớn ảnh 1

Ông Lê Đức Khánh
 

Ông dự báo gì về xu hướng chung của TTCK?

TTCK đang có những diễn biến khá tốt. Tôi cho rằng, thị trường hiện đứng trước một con sóng lớn, VN-Index có khả năng đạt 700 điểm trong nửa đầu năm 2016.

Dự báo này dựa trên sự phân tích những chuyển biến của nền kinh tế, những kỳ vọng và cơ hội mới của Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, làn sóng cổ phần hóa các DNNN, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp lớn, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, viễn cảnh tương sáng khi Hiệp định TPP hứa hẹn cơ hội cất cánh của nền kinh tế Việt Nam sẽ thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Hơn nữa, quan sát dòng tiền đang vận động trên thị trường có thể thấy, không chỉ các cổ phiếu cơ bản, các cổ phiếu đầu ngành như BVH, DPM, VCB, VIC, VNM... thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, mà còn cả những cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu lâu nay bị quên lãng.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Ông đánh giá các mục tiêu này có tác động như thế nào tới TTCK?

Nếu đạt mục tiêu, 2016 sẽ là năm kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Tôi cho rằng, TTCK sẽ có diễn biến tích cực trong thời gian tới. Hiện tại, TTCK đang trong xu hướng tăng khi được ủng hộ bởi sự chuyển biến của nền kinh tế và một số yếu tố hỗ trợ như tôi đã nêu ở trên.

Tin bài liên quan