VN-Index có thể đạt 615-620 điểm trong quý II

VN-Index có thể đạt 615-620 điểm trong quý II

Chỉ số VN-Index trong quý I/2016 tiếp tục dao động phía dưới đường tăng trưởng dài hạn và kéo dài xu hướng 3, bắt đầu từ năm 2012 đến nay với mức tăng trưởng CARG cho cả giai đoạn vào khoảng 12,8%.

Theo số liệu cập nhật tới thời điểm hiện tại, tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) trượt trong 12 tháng gần nhất tính đến hết quý I của các công ty niêm yết trên sàn HoSE tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn rất nhiều so với mức 25,4% ghi nhận vào quý 4 năm 2015.

Nguyên nhân là do nhóm công nghiệp và dịch vụ tiện ích, vốn giữ vai trò then chốt đối với tăng trưởng của chỉ số bất ngờ sụt giảm mạnh. Các công ty thuộc nhóm năng lượng cũng có kết quả không mấy sáng sủa do ảnh hưởng của giá dầu. Ngoài ra, EPS trượt 12 tháng gần nhất của các công ty niêm yết trên HoSE cũng tăng khiêm tốn 3,7% so với cùng kỳ, chỉ bằng một nửa so với mức 7% ghi nhận vào quý 4 trước đó. Những con số nêu trên khá phù hợp với bức tranh kinh tế trong quý I/2016 khi tăng trưởng GDP quý này chỉ đạt 5,46%, thấp hơn so với mức 6,12% cùng kỳ năm ngoái.

Về mặt định giá, Chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch với mức P/E bình quân là 12x, rẻ hơn khá nhiều so với các thị trường khu vực.

Bên cạnh đó, với dự báo mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ ổn định trong quý II/2016, VN-Index có thể tiếp tục dao động quanh mức P/E này trong quý tới. Theo đó, giả định EPS trượt của các công ty niêm yết tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức trung vị 3,7% của quý 1, chỉ số VN-Index tại thời điểm cuối quý II/2016 về mặt nội tại có thể đạt khoảng 592-595 điểm.

Bên cạnh giá trị nội tại, trong quý II/2016, những yếu tố sau có thể tác động đến cung cầu và tâm lý của thị trường là giá dầu, khả năng tăng lãi suất từ Fed và tác động của Thông tư 07/2016/TT-BTC.

VN-Index trong quý I chịu tác động rất lớn từ diễn biến giá dầu thô thế giới thông qua nhóm dầu khí. Sự tương quan này vẫn sẽ duy trì trong quý II và giá dầu tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các cổ phiếu dầu khí. Bất chấp sự đổ bể của cuộc họp tại Doha vừa qua, dầu vẫn giữ được xu hướng đi lên nhờ sự gián đoạn tạm thời về nguồn cung từ một số nước như Kuwait, Nigeria và Venezuela. Ngoài ra, yếu tố cơ bản về cung cầu cũng đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu tích cực hơn khi nguồn cung dầu từ Mỹ tiếp tục đi xuống, thể hiện qua số giàn khoan cũng như sản lượng tồn kho suy giảm. Trong khi đó, lực cầu bắt đầu được cải thiện do mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu sắp đến gần, qua đó mang lại viễn cảnh về thị trường dầu “cân bằng” hơn.

Tín hiệu thận trọng phát đi từ cuộc họp của Fed vào tháng 3 và tháng 4/2016 đã tạm thời làm dịu đi quan ngại về khả năng tăng lãi suất trong ngắn hạn, qua đó tác động tích cực hơn đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi. Theo số liệu từ Bloomberg, đợt tháo chạy của nhà đầu tư nước ngoài khỏi các nước trong khu vực đã chấm dứt, thể hiện bởi giá trị mua ròng tại các sàn chứng khoán chủ chốt như Bangkok, Jakarta và Philippines trong quý I.

Do đó, khối ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại với thị trường Việt Nam trong quý này, và thực tế trong tháng 4 vừa qua, hoạt động mua ròng liên tiếp của khối ngoại đóng vai trò không nhỏ giúp VN-Index vượt cản 580 thành công.

Cuối cùng, Thông tư 07/2016/TT-BTC đã có hiệu lực và sẽ tác động đến hoạt động đầu tư và cho vay của các công ty chứng khoán. Theo quy định mới, hoạt động cho vay theo hợp đồng 3 bên sẽ phải chấm dứt và nhiều nhà đầu tư lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn margin của thị trường. Tuy nhiên theo đánh giá của VPBS, tác động của Thông tư 07/2016/TT-BTC tới thị trường chứng khoán là không đáng kể do hình thức cho vay này chỉ chiếm 20% lượng margin toàn thị trường và một phần trong số các hợp đồng 3 bên sẽ được ký lại dưới hình thức mới thay vì bị rút hẳn ra khỏi thị trường.

Với những yếu tố tích cực kể trên, Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sau kỳ nghỉ lễ và hướng tới vùng 610-615 điểm vào giữa quý II trước khi kết thúc quý quanh khu vực 595 điểm, phản ánh đúng giá trị nội tại của thị trường.

Tin bài liên quan