Khó xảy ra bóng bóng thị trường…
Thị trường chứng khoán trong nước đang có một số điểm tương đồng với giai đoạn 2006 - 2007, nếu nhìn vào động lực tăng trưởng cũng như tính thanh khoản. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán Agriseco, bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại có nhiều điểm khác. Trước hết là định giá của thị trường đã tăng, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.
Nhìn lại thời điểm tháng 1/2007, bà Lan cho biết, thị trường có 16% số cổ phiếu có P/E lớn hơn 43,24 lần, 43% cổ phiếu có P/E lớn hơn 20 lần; trong đó, đặc biệt các cổ phiếu lớn thời điểm đó như PVD, CII, KDC, FPT, HBC… đều có P/E trên mức 70 lần.
Còn ở thời điểm này, dù các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã tăng tới mức định giá không còn hấp dẫn, nhưng nếu so sánh với mặt bằng định giá các thị trường chứng khoán trong khu vực và triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn cũng như một loạt thuận lợi cho thị trường chứng khoán thời gian tới thì mức định giá của các công ty lớn hầu hết vẫn ở mức chấp nhận được.
Đánh giá về yếu tố dòng tiền, bà Lan cho rằng, hiện nay, cơ quan quản lý thị trường đã thận trọng hơn rất nhiều trong kiểm soát những yếu ảnh hưởng tới thị trường sau những sự cố đổ vỡ của giai đoạn trước.
Cụ thể, tuy đặt các mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao, nhưng hiện nay nền kinh tế đang chứng tỏ xu hướng bền vững hơn rất nhiều với lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá duy trì ổn định, lượng tiền được bơm hút nhịp nhàng. Dòng vốn tín dụng được nắn vào sản xuất - kinh doanh, điều này đem lại lợi ích dài hạn cho kinh tế Việt Nam và cho thị trường chứng khoán nói riêng.
Chưa kể, hiện nay, quy mô thị trường chứng khoán trong nước đã vượt xa hẳn so với giai đoạn cách đây 10 năm với nhiều loại hàng hóa chất lượng, tăng trưởng giá của các nhóm cổ phiếu mang tính chất luân phiên, mặt bằng định giá của các nhóm ngành kinh doanh lần lượt được nâng dần lên. Vì vậy, xu hướng tăng giá khá bền vững so với giai đoạn vốn nóng bơm vào gây ra tình trạng “bóng bóng” chứng khoán như thời kỳ trước.
Thực tế, sự tăng tốc của thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người. VN-Index đã bứt phá gần 200 điểm trong chưa đầy hai tháng và thị trường đang thu dần khoảng cách với mốc 1.000 điểm cũng như mốc đỉnh lịch sử mà VN-Index đạt được vào ngày 12/3/2007, với mức cao nhất trong ngày hôm đó là 1.179,32 điểm (đóng cửa là 1.170,67 điểm).
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, sự tăng điểm mạnh mẽ của chỉ số VN-Index đang gợi nhớ lại giai đoạn thị trường bùng nổ trước đây.
“Song điểm khác biệt quan trọng là dù hiện nay thị trường tăng điểm liên tục, nhưng cổ phiếu trên sàn phân hóa rất rõ rệt và chỉ những cổ phiếu có hoạt động nổi bật mới tăng điểm bền vững. Vì vậy, nếu nhà đầu tư lựa chọn không đúng cổ phiếu vẫn khó kiếm được lợi nhuận”, ông Khanh nói.
… và không ngại áp lực xả margin
Trước diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần đây, một số chuyên gia chứng khoán cho biết họ cũng không khỏi ngạc nhiên.
Tại thời điểm cuối quý III/2017, kể cả những người lạc quan nhất cũng chỉ dự báo chỉ số VN-Index đạt đỉnh 860 điểm trong năm 2017. Nhưng thực tế thị trường đã vượt kỳ vọng khá nhiều với sự tham gia mạnh của dòng tiền trong nước và ngoài nước. Dĩ nhiên, giao dịch ký quỹ (margin) đóng một phần quan trọng cho sự tăng trưởng của dòng tiền trong thời gian qua.
Có một điểm khác biệt lớn trong tương quan giữa diễn biến dòng vốn margin và chỉ số chứng khoán năm nay được ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra. Đó là thị trường vẫn tăng mạnh khi margin đang đạt đỉnh.
Thông tin được ông Chung đưa ra, hiện nhiều công ty chứng khoán lớn đã chạm đến hạn mức margin - 200% vốn chủ sở hữu. "Trong bối cảnh dòng vốn ngoại và dòng tiền mới nhàn rỗi từ dân chúng đang đổ vào rất mạnh, diễn biến thị trường không còn phụ thuộc quá nhiều vào margin", ông Chung nhận xét.
Tính đến cuối quý III/2017, quy mô hoạt động cho vay margin tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 36.000 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối quý II và tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2016.
Chưa có một con số thống kê tuyệt đối về tổng dư nợ margin toàn thị trường thời điểm này, nhưng qua trao đổi với các công ty chứng khoán lớn, dư nợ margin tại thời điểm cuối tháng 11/2017 chỉ nhỉnh hơn chút so với thời điểm cuối quý tháng 9.
Nhìn lại giai đoạn 2006, các công ty chứng khoán “mạnh ai nấy làm” trong cung cấp margin, nhiều công ty chứng khoán rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng, mất kiểm soát vì cho vay margin khi thị trường đột ngột lao mạnh.
Và chính hoạt động giải chấp là một phần tác nhân làm thị trường suy sụp trong suốt một giai đoạn dài sau giai đoạn đạt đỉnh vào năm 2007
Trong khi ở giai đoạn hiện nay, dù được cảnh báo là đã “căng” margin, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn còn dư địa cho vay. Hơn nữa, nguồn vốn cấp margin của các công ty chứng khoán lớn đã gia tăng đáng kể qua các hình thức tăng vốn, phát hành trái phiếu.
Điều này giúp công ty chứng khoán còn nhiều dư địa để cấp margin, thay vì bị “căng” margin trong các giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng như trong quá khứ.
Đánh giá về mức độ rủi ro từ margin, ông Trần Đức Anh, Phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, margin chưa phải dòng tiền chi phối trên thị trường chứng khoán.
Nguồn tiền mới từ các nhà đầu tư trong nước, các quỹ nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam trong năm 2017 rất lớn và đây mới là nguồn tiền có tính chi phối thị trường ở thời điểm hiện tại.
Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch 11 tháng đầu năm nay tăng trưởng so với cùng kỳ lên tới gần 70%, tính riêng cho sàn HOSE. Nhìn vào con số này, có thể thấy, lượng tiền margin trên toàn thị trường gia tăng, nhưng chiếm tỷ trọng không phải quá lớn.
Nhiều chuyên gia tỏ ra không mấy lo ngại về vấn đề margin trong giai đoạn hiện tại do margin tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nên rủi ro cũng phần nào được hạn chế. Tuy vậy, việc lưu ý nhà đầu tư nên giảm mức độ đòn bẩy xuống để bảo vệ thành quả đã có được trong suốt cả năm vừa qua là không thừa.
Các công ty chứng khoán cùng có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng thị trường khi cho rằng, xu hướng tăng điểm vẫn là bền vững trong trung hạn. Theo bà Lan, sự bền vững này đến từ dòng tiền, từ nền tảng vĩ mô ổn định, cũng như sự bổ sung của một lượng hàng hóa chất lượng cao cho sàn chứng khoán.
Và đặc biệt là trên nền tảng tăng trưởng ổn định của các doanh nghiệp niêm yết khi thu hút được dòng vốn đầu tư dài hạn từ các tổ chức lớn thông qua các thương vụ IPO, thoái vốn nhà nước hướng tới tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp.
“Tất nhiên, câu chuyện tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như phát triển của thị trường chứng khoán vẫn còn những bước ngoặt lớn ở phía trước. Rủi ro là có, nhưng tôi đánh giá cơ hội vẫn còn rất nhiều. Điều này khác hẳn với con sóng không bám sát nền tảng căn bản là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và nội tại hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết giai đoạn những năm 2006 - 2007”, bà Lan khẳng định.