VN-Index bật lên 868 điểm: Chọn cổ phiếu “nóng” hay cơ bản?

VN-Index bật lên 868 điểm: Chọn cổ phiếu “nóng” hay cơ bản?

(ĐTCK) Dưới tác động của một số mã vốn hóa lớn, VN-Index liên tiếp tạo đỉnh trong 2 tháng qua. Theo một số chuyên gia chứng khoán, trong bối cảnh thị trường méo mó như hiện tại, phân tích các chỉ số gần như không có tác dụng, mà quan trọng là chọn đúng cổ phiếu.

Thị trường tăng méo

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK VietinBank cho rằng, thị trường liên tiếp tăng trong 2 tháng trở lại đây giúp làm đẹp chỉ số, đồng thời giúp thị trường phái sinh hưởng lợi.

Việc VN-Index vẫn liên tiếp tăng nhưng không tạo được sức lan tỏa mạnh, kéo theo hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng", đồng thời thanh khoản không cao, duy trì ở mức 3.000 tỷ/phiên, nên cần đặt dấu hỏi về tính bền vững của đà tăng này.

Cũng do thị trường chịu tác động quá nhiều của các cổ phiếu lớn, nên việc đánh giá trong ngắn hạn trở nên khó khăn, mặc dù trung dài hạn thị trường vẫn hấp dẫn và có nhiều cơ hội.

“Nhìn thì thị trường khá an toàn, khi các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng, nhưng thực tế, nhiều cổ phiếu giảm giá đủ lớn để làm cháy tài khoản margin. Do vậy, nhà đầu tư cần linh hoạt trong việc sử dụng các nghiệp vụ quản lý rủi ro cho danh mục cổ phiếu”, ông Hưng nói và cho rằng, nhìn nhận một cách tổng thể, các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế đang ủng hộ cho một xu hướng tăng trưởng khả quan trong năm 2017.

Theo thống kê của CTCK Bảo Việt (BVSC), gần 2 tháng qua, không khó để nhận ra thị trường được điều tiết bởi một số mã vốn hóa lớn như SAB, ROS, VNM, VIC… Thị trường dù tăng, nhưng số mã giảm điểm thường xuyên chiếm ưu thế, thậm chí có những phiên 70% sàn chứng khoán màu đỏ, nhưng VN-Index vẫn tăng.

“Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, xu hướng dòng tiền đã được cải thiện đáng kể, với đa số các phiên tăng điểm đi kèm với độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng, hoặc ít nhất là có trạng thái cân bằng hơn. Động lực tăng điểm của thị trường trong nhịp này không chỉ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mà còn được hỗ trợ bởi sự quay trở lại của những nhóm cổ phiếu đã giảm điểm kéo dài từ đầu năm như dầu khí, săm lốp...”, ông Trần Đức Anh, Phụ trách Phân tích thị trường BVSC nói.

Ông Đức Anh cho rằng, khả năng giảm giá mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khó xảy ra ở thời điểm hiện tại, khi đà tăng ở nhóm cổ phiếu này không phải chỉ do những yếu tố hỗ trợ mang tính thời điểm (đặc biệt là lực cầu của khối ngoại trong những phiên gần đây), mà còn xuất phát từ các yếu tố nền tảng cơ bản (tăng trưởng kết quả kinh doanh, định hướng nới lỏng của chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô ổn định, triển vọng nâng hạng của thị trường…).

Chọn cổ phiếu “nóng” hay cổ phiếu cơ bản?

Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2017 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, doanh thu và lợi nhuận đều có sự tăng trưởng, đạt lần lượt 16% và 20%. Nhìn vào con số này, ông Ngô Quốc Hưng cho rằng, mức tăng hơn 28% của VN-Index kể từ đầu năm là có cơ sở. Việc đầu tư vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt vẫn mang lại giá trị bền vững, hơn là chạy theo các mã “nóng”.

Nói như ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng Phòng Phân tích, CTCK Rồng Việt (VDSC), việc chọn “chiến lược” đầu tư là tùy thuộc khẩu vị của mỗi người. Cụ thể, với những nhà đầu tư giá trị, tại mỗi kỳ công bố báo cáo tài chính hàng quý, nên cập nhật phân tích về các cổ phiếu mà mình đang nắm giữ và chỉ nên bán khi triển vọng công ty không còn tốt, hay bị định giá quá cao. Đối với những nhà đầu tư không chuyên, thích đánh ngắn và thường phụ thuộc vào môi giới để ra quyết định, nên bình tĩnh suy xét lại việc bán khi giá đã giảm sâu.

“Về nguyên tắc, nếu đã bán để mua lại thì nên bán ngay khi cổ phiếu vừa chạy đà giảm. Nếu cổ phiếu đã giảm 10-15%, thì việc bán đã quá muộn”, ông Lân nhấn mạnh.

Với quan điểm của BVSC, trong đầu tư, bất cứ mã cổ phiếu nào có câu chuyện và thu hút được sự quan tâm của dòng tiền đều có thể tăng “nóng”, dù là cổ phiếu cơ bản hay cổ phiếu đầu cơ. Trên thị trường, không khó để nhận ra các mã có nền tảng cơ bản và vốn hóa lớn tăng trưởng mạnh về giá trong nhịp tăng gần đây như VIC, FPT, VNM…, nhưng cũng có những mã cổ phiếu cơ bản, kết quả kinh doanh tích cực, song lại bị bán mạnh và giảm giá như SSI, HPG, TCM…

Theo ông Trần Đức Anh, không có một công thức chung để chọn lựa giữa 2 nhóm cổ phiếu cơ bản và đầu cơ. Thay vào đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu sâu về động lực khiến giá mỗi cổ phiếu tăng/giảm và mức độ đã phản ánh của các yếu tố thông tin vào giá cổ phiếu để đưa ra chiến lược phù hợp.

“Ở thời điểm này, xu hướng tăng trung hạn của các nhóm cổ phiếu cơ bản vẫn đang được bảo lưu và dư địa tăng điểm vẫn còn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chờ đợi các nhịp điều chỉnh ngắn hạn để giải ngân, thay vì mua đuổi sau nhịp tăng khá đột biến vừa qua. Đối với nhóm cổ phiếu đang tăng nóng trở lại sau nhịp sụt giảm kéo dài như dòng dầu khí, săm lốp…, hay các mã đã trải qua giai đoạn khó khăn, hoặc chững lại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như DQC, HAG, KBC... , ngoài việc chờ các nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư cần đánh giá lại triển vọng và tính chu kỳ của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tới khi rót vốn”, ông Đức Anh nói.

Tin bài liên quan