Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới TTCK Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới TTCK Việt Nam

Việt Nam rộng cửa đón dòng vốn đầu tư Nhật Bản

(ĐTCK) Ngày 25/4/2014 tại Tokyo, Nhật Bản, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam với tên gọi “Việt Nam - điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản” chính thức được tổ chức.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì, với sự tham dự của hơn 30 DN Việt Nam và các quan chức trong ngành.

Hội nghị thu hút gần 100 nhà đầu tư Nhật Bản tham dự, trong đó có đại diện nhiều tổ chức đầu tư uy tín lớn, như SBI Holding, Sumitomo Mitsui Asset Manegment Co., Sumitomo life Insurance Company, Daiwa Securities, Daiwa Institute of Research, The TOA Institution, Misubishi Corporation, Knowledge Company, Mizuho Bank, Recof Cororation, Normura Securities, Resona Bank, JP Morgan Securities, Aizawa Securities...

Phía Việt Nam có lãnh đạo các DN lớn sắp cổ phần hóa như Vietnam Airlines, Vinatex, Vinacomin, Vinalines, Tổng công ty Đầu tư phát triển khu đô thị và công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1, VNPT... Ngoài ra, còn có lãnh đạo một số doanh nghiệp niêm yết và công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ như GAS, Đất Xanh (DXG), Dragon Capital, SSIAM, VFM, Vietinbank Capital, Quản lý quỹ Bảo Việt, FPTS, BVSC, MBS, HSC...

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (giữa) chủ trì Hội nghị. Bàn chủ tọa còn có ông Phạm Viết Muôn (thứ hai từ trái), Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Bằng (thứ hai từ phải qua), Chủ tịch UBCK

Tại Hội thảo, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là cơ hội từ quá trình cổ phần hóa DNNN, bởi họ nhìn thấy những kết quả tích cực mà nền kinh tế Việt Nam đã và đang đạt được.

Quý I/2014, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có kết quả đáng khích lệ với GDP đạt 4,96%, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Với sự khởi sắc của nền kinh tế, TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I khi VN-Index tăng 22%, HNX-Index tăng trên 30%, đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh nhất thế giới. Diễn biến này cũng thu hút sự chú ý rất lớn của nhà đầu tư ngoại, trong đó có các nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa Anh Đào.

Theo bà Phương Hoàng Lan Hương, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, hiện có khoảng 6.700 nhà đầu tư cá nhân Nhật mở tài khoản đầu tư vào TTCK Việt Nam, chiếm 43% tổng số nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Về phía nhà đầu tư tổ chức, lượng nhà đầu tư đến từ Nhật Bản hiện khoảng 140 tổ chức, chiếm khoảng 6% tổng số tài khoản nhà đầu tư tổ chức tại TTCK Việt Nam, nhưng trong đó có nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn.

Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới nhiều vấn đề về môi trường đầu tư của Việt Nam

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho rằng, với vị thế là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, khi chọn đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ góp vốn, mà còn hỗ trợ về công nghệ, tri thức cho các DN Việt được đầu tư. Đây là một trong những lý do khiến Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam rất chú trọng thu hút dòng vốn Nhật tham gia vào TTCK và công cuộc tái cấu trúc khối DNNN đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Liên quan đến quá trình tái cấu trúc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách DNNN, đặc biệt chú trọng công tác cổ phần hóa gắn với niêm yết, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cũng theo Bộ trưởng, các vấn đề pháp lý, chính sách nhằm đẩy nhanh tái cấu trúc DNNN đã và đang được hoàn chỉnh, Chính phủ đã chỉ đạo các DNNN xây dựng và triển khai đúng lộ trình cổ phần hóa. Theo đó, từ nay đến hết năm 2015, Việt Nam lên kế hoạch cổ phần hóa 432 DN, trong đó có nhiều tập đoàn, DNNN lớn đang tìm nhà đầu tư chiến lược để cổ phần hóa ngay trong năm nay, như Vietnam Airlines, Vinatex...

Để thu hút dòng vốn ngoại, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang tiến hành sửa Luật Đầu tư, đồng thời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các tập đoàn, tổng công bao gồm cả ngân hàng xuống không quá 65%. Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét việc nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, mức hạn chế hiện nay là nhà đầu tư ngoại được sở hữu đến 49% vốn của các DN niêm yết, riêng khối ngân hàng niêm yết chỉ được sở hữu tối đa 30%.

Tại Hội thảo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng chia sẻ thông điệp,  Chính phủ Việt Nam luôn rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào công cuộc cải cách nền kinh, đặc biệt là cải cách khối DNNN và hệ thống ngân hàng, TTCK. Trước sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, nhiều cuộc tiếp xúc theo nhóm hoặc One-One giữa các DN sắp cổ phần hóa và nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản đã diễn ra trong không gian Hội thảo. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản thể hiện sự hào hứng trước các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam và mong muốn biết nhiều thông tin hơn nữa về DN, về nền kinh tế để quyết định gia nhập thị trường này.

Tin bài liên quan