Ông Johan Nyvene

Ông Johan Nyvene

Việt Nam đang ở vị thế tốt để thu hút vốn ngoại

(ĐTCK) Trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ của Bộ Tài chính, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Johan Nyvene, người từng sống và làm việc tại Mỹ, đồng thời có nhiều năm làm việc tại TTCK Việt Nam, hiện là Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) xung quanh nội dung thu hút đầu tư từ Mỹ.

Theo ông, NĐT Mỹ liệu có "hợp khẩu vị" với các cơ hội đầu tư tại Việt Nam?

Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) từ các NĐT Mỹ vào Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể trong hơn 10 năm qua, nhưng, Việt Nam vẫn chưa phải là điểm đến chiến lược trong xu hướng đầu tư chính của các NĐT Mỹ.

Về mặt kỹ thuật, Việt Nam vẫn đang là một thị trường cận biên (frontier market), chưa phải là thị trường mới nổi (emerging market), nên được xem là “món ăn lạ” đối với khẩu vị của phần lớn các NĐT tài chính từ Mỹ.

Tất nhiên vẫn có một vài quỹ từ Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường cận biên, nhưng các nhà đầu tư chính (quỹ hưu trí và quỹ bảo hiểm) mới là những tổ chức đầu tư quan trọng mà Việt Nam cần phải thu hút.

Nguồn tiền tiềm năng từ các NĐT chính này có thể dồi dào và tạo sự ổn định hơn cho thị trường vốn tại Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể nâng cấp lên thành thị trường mới nổi thì sẽ có nhiều tiền đầu tư đổ vào Việt Nam hơn. 

Theo ông, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế Việt - Mỹ, hiện Việt Nam có những điều kiện thuận lợi gì để thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư từ NĐT Mỹ?

Việt Nam nên được định vị tốt hơn như một đối trọng với Trung Quốc trong sự lựa chọn của Mỹ ở ngành công nghiệp sản xuất.

Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã từng bước xây dựng được cơ sở hạ tầng vững chắc cho ngành công nghiệp sản xuất. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng hóa cạnh tranh hơn nhằm cung cấp cho người tiêu dùng tại Mỹ.

Việt Nam có dân số trẻ và thị trường tiêu dùng đang phát triển, chính là sức hút để các nhãn hiệu và hàng hóa của Mỹ thâm nhập.

Với khoảng 2 triệu kiều bào đang sống tại Mỹ, cùng sự thân thuộc về văn hóa, ngôn ngữ, bản sắc dân tộc trong tập quán kinh doanh của người Việt, nguồn tiền đầu tư từ Mỹ có thể dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam qua sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt này. 

Trong mảng đầu tư trực tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, NĐT Mỹ đứng vị trí thứ 7 tại Việt Nam, còn trong mảng đầu tư gián tiếp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện có gần 600 NĐT tổ chức, chủ yếu là các quỹ đầu tư, có đầu tư trên TTCK. Theo ông, làm cách nào để Việt Nam thu hút nhiều hơn NĐT Mỹ? Ông đánh giá những lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp loại nào của Việt Nam có cơ hội gọi vốn từ NĐT Mỹ?

Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam nên có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng hạng TTCK lên thành thị trường mới nổi. Các công ty niêm yết của Việt Nam nên có sự chuẩn bị tốt hơn và tập trung vào mục tiêu là NĐT Mỹ thông qua các chuyến đi giới thiệu sản phẩm hướng tới thị trường Mỹ.

Các NĐT Mỹ đã thể hiện sự quan tâm cũng như khẩu vị khá đa dạng đối với thị trường Việt Nam, bao gồm ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, công nghiệp sản xuất thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thậm chí cả bất động sản. Nhiều ngành, lĩnh vực khác có cơ hội thu hút các NĐT chiến lược Mỹ như dược phẩm, công nghệ cao.

Trong một số lĩnh vực kể trên, vấn đề nổi cộm đối với các công ty Việt Nam đó là quy mô nhỏ, và mới khởi nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển lớn sẽ giúp cân bằng vấn đề này nếu đầu tư trong dài hạn. 

HSC đã và sẽ có nỗ lực gì để thúc đẩy sự kết nối giữa NĐT Mỹ với doanh nghiệp, với TTCK Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi đang có mối quan hệ hợp tác với một đại lý môi giới tại Mỹ, thông qua đó, chúng tôi cung cấp thông tin và cơ hội thâm nhập đầu tư tại thị trường Việt Nam. Về lĩnh vực nghiên cứu, chúng tôi cũng hợp tác với hãng môi giới đó nghiên cứu về thị trường Mỹ.

HSC đã đưa các công ty niêm yết Việt Nam tới Mỹ thông qua các chuyến đi giới thiệu sản phẩm nhằm gặp gỡ trực tiếp các NĐT Mỹ.

Như tôi đã đề cập ở trên, đó là hoạt động cần phải được đẩy mạnh và các công ty Việt Nam cần nhìn nhận đúng tầm quan trọng của sự kết nối với các NĐT hiện tại, cũng như các NĐT tiềm năng tại Mỹ.

Nguồn tiền đầu tư từ Mỹ có rất nhiều sự lựa chọn và các công ty Việt Nam không thể có được lợi thế nếu chỉ ngồi đợi các NĐT tự tìm đến mình. 2 hoặc 3 lần mỗi năm, một số NĐT Mỹ tới thăm Việt Nam và chúng tôi đưa họ tới gặp gỡ các công ty Việt Nam, nhưng như vậy là không đủ.

Từ những gì tôi nhìn thấy, các công ty Việt Nam vẫn chưa thực sự chú ý tới hoạt động duy trì, tạo dựng mối quan hệ với NĐT, đặc biệt đối với khẩu vị đầu tư của người Mỹ.

HSC hy vọng có thể giúp thay đổi suy nghĩ này và sẽ hỗ trợ các công ty Việt Nam trong nỗ lực thu hút đầu tư từ Mỹ.

Tin bài liên quan