Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút dòng vốn Mỹ

Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút dòng vốn Mỹ

(ĐTCK) So với các quốc gia lân cận, lợi thế nổi bật của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn lớn, trong đó có dòng vốn từ Hoa Kỳ đến từ 4 yếu tố.

Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và có sự phát triển kinh tế  ổn định liên tục nhiều năm qua. Trong  vòng 10 năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt bình quân hơn 6,4%/năm, thuộc nhóm 3 nước có mức tăng trưởng đứng đầu khu vực châu Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 là 6,68% và năm 2016 dự kiến 6,7%.

Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực, vừa ký kết hoặc kết thúc đàm phán. Đây sẽ là cơ hội lớn để chúng ta thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ cao từ nước ngoài.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng sức hấp dẫn các dòng vốn lớn. Khung khổ pháp lý và quản lý thị trường trong nước được hoàn thiện theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Cơ chế minh bạch hóa trong các hiệp định giúp xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, công khai, ổn định. Đặc biệt, một số hiệp định thế hệ mới có cam kết về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, Việt Nam đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo đó, quyết tâm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch, đặc biệt là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Trong thời gian tới, ước tính tổng giá trị các doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa đạt khoảng 25 tỷ USD, số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài khoảng 3,75 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Trong lĩnh vực tài chính, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam và nhiều quỹ đầu tư đã đến Việt Nam, chọn lựa đầu tư vào các doanh nghiệp. Trong quan hệ thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2014 là 35 tỷ USD, năm 2015 lên tới 45 tỷ USD và Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN vào thị trường Hoa Kỳ.

Nhiều tập đoàn đầu tư lớn của Mỹ dành sự quan tâm, tìm hiểu thực tế đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Warburg Pincus, ông Timothy Franz Geithner, người từng giữ chức Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ vừa có cuộc làm việc với Bộ Tài chính với mong muốn tìm hiểu về thị trường tài chính và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tôi tin rằng, với nền tảng phát triển kinh tế ổn định, với nỗ lực hội nhập, ngoại giao của Chính phủ và thông điệp mời gọi dòng vốn Hoa Kỳ vào Việt Nam tại Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra ở New York năm 2015, mối quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sẽ ngày một tích cực.

Trích từ bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng trên Đặc san Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội kinh doanh rộng mở do Báo Đầu tư thực hiện, xuất bản tháng 5/2016.

Tin bài liên quan