Vì sao vốn ngoại khó vào công ty quản lý quỹ nội?

Vì sao vốn ngoại khó vào công ty quản lý quỹ nội?

(ĐTCK) Trong vài năm trở lại đây, các quỹ mở và quỹ nội địa rất chật vật trong việc huy động thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Vì sao lại có hiện trạng này khi TTCK Việt Nam luôn nhận được những lời đánh giá là tiềm năng và hấp dẫn trên các diễn đàn khu vực và quốc tế?

Ngày 13/9, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) thông báo kết thúc giai đoạn huy động vốn của Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II do SSIAM đồng quản lý với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities – Nhật Bản).

Với mức vốn cam kết là 39,4 triệu USD đến từ các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, bao gồm vốn góp của Tập đoàn Daiwa và SSI. Đây có lẽ là một trong những đợt huy động vốn ngoại lớn nhất do một công ty quản lý quỹ nội địa thực hiện. Đây cũng là quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity) thứ hai được tiếp tục thành lập và đồng quản lý bởi 2 định chế tài chính hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam. Trước đó, tháng 12/2015, SSIAM cũng huy động để quản lý thành công Quỹ Vietnam Value and Income Fund, dưới dạng Special Investment Fund trong hệ thống quỹ của Andbank Asset Management đăng ký tại Luxembourg, với vốn từ các nhà đầu tư châu Âu, đầu tư vào cổ phiếu niêm yết ở TTCK Việt Nam.

Theo đánh giá từ phía SSIAM, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, họ vẫn nhìn nhận Việt Nam là một trong các quốc gia mới nổi năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế về dân số, chi phí lao động…, cũng như lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TTCK Việt Nam cũng được đánh giá là một thị trường phát triển nhanh, với nhiều cơ hội đầu tư giá trị tại mức định giá thấp so với các TTCK trong khu vực. Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào các quỹ có chiến lược đầu tư phù hợp, được quản lý bởi một đơn vị quản lý quỹ có năng lực.

Tuy nhiên, SSIAM hay một số công ty quản lý quỹ lớn khác như MBCapital (huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư Nhật Bản); VFM… là những cái tên hiếm hoi trong số 43 công ty quản lý quỹ được cấp phép tại Việt Nam thu hút được dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư trở lại vào thị trường Việt Nam. Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ nội có trụ sở tại TP. HCM cho biết, các công ty quản lý quỹ nội địa phải cạnh tranh rất gay gắt với các công ty quản lý quỹ nước ngoài để thu hút nguồn tài chính.

“Chúng ta thường cho rằng, các công ty quản lý quỹ nội là những đơn vị am hiểu TTCK Việt Nam nhất, cũng như sở hữu đội ngũ các giám đốc đầu tư, chuyên viên phân tích được đào tạo tốt và dày kinh nghiệm nhất, đồng thời theo dõi sát các công ty mà quỹ đang hoặc sẽ đầu tư, nhưng không có nghĩa điều này đảm bảo nhà đầu tư ngoại sẽ thích đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ nội địa. Trong 2-3 năm gần đây, số vốn mà các công ty quản lý quỹ thu hút thêm có tăng, nhưng tăng không đáng kể. Không phải các công ty quản lý quỹ không nỗ lực, mà thực tế môi trường gọi vốn ngoại rất khó khăn”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Ngoài lý do về việc nhiều quỹ hoạt động kém minh bạch, hiệu quả, ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành, thì cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, một số quy định hiện tại đang là rào cản cho quá trình kêu gọi vốn ngoại của các công ty quản lý quỹ nội.

Về thuận lợi, UBCK đã ký biên bản ghi nhớ với phần lớn các cơ quan quản lý TTCK thuộc Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu như: Anh, Thuỵ Điển, Ý, Pháp… Qua đó, tạo điều kiện cho các công ty quản lý quỹ nội địa có thể thu hút dòng vốn từ châu Âu. Ngoài ra, Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã loại trừ quỹ mở ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên sẽ được coi là nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn và mua chứng khoán, nên không hạn chế vốn nước ngoài đầu tư vào quỹ mở nội địa.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các quỹ mở của Việt Nam thì cần phải sang Việt Nam mở các tài khoản tại các công ty chứng khoán đang hoạt động ở Việt Nam và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (tài khoản CCA) tại ngân hàng ở Việt Nam. Điểm khó xuất hiện khi các nhà đầu tư mua vào phải chuyển tiền vào “tài khoản vốn đầu tư trực tiếp” của doanh nghiệp nước ngoài, trong khi tiền và tài khoản của nhà đầu tư phải được phân biệt hoàn toàn với tiền và tài khoản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc quy định không rõ ràng khiến nhà đầu tư nước ngoài không khỏi băn khoăn.

Ngoài ra, về đầu tư gián tiếp, hiện nay, Luật Đầu tư mới đã bỏ khái niệm “tài khoản vốn đầu tư gián tiếp”, nhưng trong các văn bản của ngân hàng vẫn ghi “tài khoản vốn đầu tư gián tiếp”. Tài khoản này được hiểu là bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào TTCK hoặc doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam sẽ tạm coi là “nhà đầu tư gián tiếp” và phải thành lập “tài khoản vốn đầu tư gián tiếp”. Mặc dù vậy, vướng mắc ở chỗ là quy định yêu cầu đóng vào bằng đồng nội tệ, trong khi họ đầu tư bằng ngoại tệ. Điều này khiến nhà đầu tư phải chịu thêm khoản chi phí rủi ro về tỷ giá.

Theo mong mỏi của nhiều công ty quản lý quỹ, bài toán trên dù khó, nhưng cần sớm giải quyết mới mong đẩy mạnh thu hút vốn ngoại về thị trường Việt Nam thông qua các công ty này.     

Tin bài liên quan