những lỗi vi phạm margin chủ yếu là CTCK cho vay vượt quá tỷ lệ quy định, không đúng mã trong danh sách - Ảnh: Hoài Nam

những lỗi vi phạm margin chủ yếu là CTCK cho vay vượt quá tỷ lệ quy định, không đúng mã trong danh sách - Ảnh: Hoài Nam

Vì sao CTCK bị phạt nặng vì vi phạm margin?

(ĐTCK) Chứng khoán Đại Dương, An Bình, APEC… vừa qua đều bị UBCK phạt mỗi đơn vị vài trăm triệu đồng do vi phạm quy định về margin. Cụ thể những vi phạm này là gì và đây có phải là tình trạng phổ biến trên TTCK?

Ông Vũ Hồng Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK Đại Dương (OCS) trong một lần trao đổi với ĐTCK nói rằng, công ty này không khuyến khích NĐT sử dụng nhiều margin, do đó không dùng đòn bẩy tài chính và margin như một chiếc đũa thần để thu hút khách hàng và tăng thị phần môi giới. Vài ngày sau, UBCK có quyết định xử phạt OCS 250 triệu đồng vì vi phạm về margin.

CTCK An Bình từng có tên trong Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất trên HNX, 3 năm nay khá kín tiếng và theo đuổi chiến lược tăng trưởng thận trọng, bền vững, không chạy đua theo các cuộc rượt đuổi thị phần. Mới đây, ABS cũng bị phạt, tương tự OCS.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc ABS cho biết, trong đợt thị trường sụt giảm 2013, theo quy định, có một vài khách hàng thuộc diện giải chấp. Họ đề nghị Công ty cho thêm thời gian để xoay thêm tiền nộp vào tài khoản bởi nếu bị giải chấp, họ thua thiệt nhiều.  Đây đều là những khách hàng thân thiết, gắn bó với Công ty từ lâu, có lịch sử giao dịch tốt, giá trị khoản tiền hụt không lớn, ABS do đó chưa thực hiện bán ra cổ phiếu. “Ngay khi UBCK kiểm tra và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về margin, ABS đã tuân thủ và khắc phục lỗi”, ông Hải cho hay.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, những lỗi vi phạm margin chủ yếu là CTCK cho vay vượt quá tỷ lệ quy định 50:50 (thường cho vay ở mức 40:60 hoặc 30:70), không đúng mã trong danh sách, không thực hiện giải chấp khi chạm mức quy định…  Trước đây, nhiều CTCK cạnh tranh không lành mạnh, đua nhau hạ phí, cho vay dễ dãi, thậm chí cho phép bán khống, mua khống… Bởi vậy, một số NĐT hiện vẫn có tâm lý so kè biểu giá, đòi hỏi các sản phẩm chưa được phép thực hiện, hoặc những cơ chế đặc cách khi giao dịch, CTCK đôi khi vì chiều khách hàng, câu khách… đã không tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật chứng khoán.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK cho biết, hàng năm, UBCK đều có các cuộc kiểm tra nghiệp vụ và kiểm tra đột xuất hoạt động cũng như việc tuân thủ các quy định pháp luật của khối CTCK. Trong quá trình thanh kiểm tra, nếu phát hiện CTCK vi phạm lỗi nào, UBCK nhắc nhở và xử phạt rất nghiêm khắc. Riêng những trường hợp bị xử phạt về margin vừa qua, có những lỗi phát sinh trong đợt kiểm tra vào năm 2013, sau đó các CTCK đều đã sửa lỗi và khắc phục xong hậu quả.

Cũng theo ông Sơn, cho vay ký quỹ là nghiệp vụ quan trọng, có tác động rất lớn đến thị trường, bởi vậy, UBCK luôn khuyến cáo với các CTCK và NĐT thận trọng, cân nhắc và có biện pháp kiểm soát rủi ro khi cung cấp và sử dụng dịch vụ.

“CTCK cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật để phòng ngừa rủi ro cho chính CTCK. Đồng thời, NĐT cũng nên tìm hiểu quy định về cho vay ký quỹ (Quyết định 637/2011 và Quyết định 09/2013 của UBCK), không sử dụng các sản phẩm vi phạm tỷ lệ, danh mục, để vừa đảm bảo an toàn tài sản vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp trong trường hợp xảy ra các tranh chấp pháp lý”, ông Sơn khuyến cáo.

Theo yêu cầu của cơ quan quản lý, hiện các CTCK đều phải báo cáo với UBCK  về tình hình cho vay  margin theo chế độ mỗi tuần một lần. Tất cả các trường hợp có nghi ngờ, UBCK đều yêu cầu phải giải trình cụ thể, do vậy nghiệp vụ này hiện được giám sát rất nghiêm ngặt. Ông Sơn cho biết thêm, số dư margin tính đến  thời điểm báo cáo gần nhất, thấp hơn nhiều so với năng lực và nguồn vốn của các CTCK, con số này cho thấy các thành viên thị trường đều tỏ ra khá thận trọng với margin. Trải qua nhiều bài học lớn từ sự trồi sụt mạnh của thị trường, bản thân các CTCK cũng chặt chẽ hơn và đề ra nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro trong nghiệp vụ cho vay ký quỹ.               

Ngoài cho vay margin, hiện NĐT có thể sử dụng dịch vụ tài chính của các ngân hàng thông qua hợp đồng hợp tác 3 bên giữa ngân hàng, CTCK, N ĐT. CTCK ở giữa quản lý và ăn phí. Nhà đầu tư có nghĩa vụ vay và trả nợ cho ngân hàng. Gần đây, các ngân hàng đang dư thừa vốn, trong khi TTCK có triển vọng phát triển tốt, việc đẩy vốn sang cho vay chứng khoán do đó cũng là nhu cầu thực tế và được nhận định có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tin bài liên quan